Multimedia Đọc Báo in

Nghị lực vượt khó vươn lên của một phụ nữ tàn tật

06:41, 03/03/2012

Đối với những người tàn tật, vượt lên số phận để sống được là đáng khâm phục lắm rồi. Nhưng đối với một người “bán thân bất toại” như chị Cao Thị Lai, chẳng những sống được mà còn lao động nuôi con trưởng thành thì càng đáng khâm phục hơn.

Trên chiếc xe lăn, hằng ngày chị Lai vẫn bán hàng phục vụ khách.

Chị  Lai sinh năm 1969 tại Nghệ An. Năm 1985, chị vào Dak Lak. Từ năm 1986 đến năm 1992, chị là giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (huyện Cư M’gar). Sau khi lập gia đình, sinh con,  do hoàn cảnh khó khăn nên chị xin nghỉ việc về buôn bán trái cây. Không may, năm 1999, khi trèo cây hái quả, chị Lai đã bị ngã chấn thương cột sống, chịu cảnh “bán thân bất toại” từ đó đến nay. Người chồng nát rượu bỏ đi khi chị không có tiền cung cấp cho anh ta uống rượu. Hoàn cảnh lúc đó của chị thật éo le, bản thân chị và hai đứa con nhỏ một đứa 7 tuổi, một đứa 4 tuổi hằng ngày phải sống nhờ sự cưu mang của những người hàng xóm tốt bụng ở Tổ dân phố 8, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột).

“Phải sống để nuôi hai con trưởng thành”- ý nghĩ đó thôi thúc chị “đứng lên”, vượt qua tất cả, không đầu hàng số phận để sống và nuôi con. Được Hội Chữ thập đỏ phường Tân Lợi tặng một chiếc xe lăn, chị mừng rơi nước mắt và chị đã “đứng vững”, trưởng thành trên “đôi chân” đó đã 13 năm nay.

Từ năm 2001 đến năm 2006, chị đã đi hết hang cùng ngõ hẻm ở TP.Buôn Ma Thuột bán vé số để có tiền nuôi con. Các con của chị biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình, thương mẹ nên cố gắng học tập và rất tiết kiệm trong chi tiêu. Năm 2005, chị còn tằn tiện xây được căn nhà cấp 4 diện tích 30m2, trị giá lúc đó trên 20 triệu đồng. Sau đó, sức khỏe ngày càng yếu, cơ vùng mông đã loét vào tận xương, phải uống nhiều thuốc kháng sinh nên ảnh hưởng lớn đến thận, chân tay bị phù không thể đi bán vé số được nữa nên chị mở quán nhỏ bán hàng tại nhà. Nhà chị trên đường vào nghĩa trang thành phố nên chị bán hương, hoa là chủ yếu. Cũng do chịu khó bán hàng mà chị có thu nhập trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Hiện nay cô con gái đầu Trần Thị Trâm đang học Trường Trung cấp y tế Dak Lak với ước nguyện học để về chữa bệnh cho mẹ, còn cậu con trai Trần Đức Vương đang học Khoa ẩm thực, Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Sài Gòn Tourist.

Điều đáng nói là hoàn cảnh khó khăn như thế nhưng chị Lai vẫn yêu đời. Những tâm sự trong lòng được chị thể hiện bằng con chữ, chị đã viết nên những tác phẩm về đời mình, về con mình. Từ tình cảm bao la của người mẹ dành cho con, chị đã viết “Tôi khao khát được sống lâu hơn với hai con” và tác phẩm này đã đoạt giải Khuyến khích cuộc thi viết “Chuyện đời tự kể” do báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Tác phẩm của chị còn được đăng trong sách tuyển chọn từ cuộc thi này do Nhà xuất bản Trẻ phát hành. Chị còn viết một số tác phẩm khác như “Giọt nước mắt giữa đồn công an”, “Tâm sự của người mẹ” và một số ý kiến đề xuất được Báo Dak Lak đăng tải trong những năm qua.  

 Hai chị em Trâm và Vương thật hạnh phúc khi có được một người mẹ dù tàn phế vẫn có sức sống mãnh liệt và giành trọn tình cảm cho mình. Chị đã đặt tất cả niềm hy vọng vào hai con. Xin trích một đoạn trong tác phẩm “Tâm sự của người mẹ” của chị để kết thúc bài viết này: “…mẹ rất thích ngắm nhìn màu xanh của cây lựu trông mượt mà trước sân, và mẹ đang mong đợi màu xanh kỳ vọng đó ở con đấy…”.  

Thanh Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.