Thực thi luật triệt để, thường xuyên để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Xã hội càng phát triển, nhu cầu mua bán, trao đổi càng sôi động thì công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng càng vất vả, phức tạp. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có đôi điều chia sẻ về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng. |
* Điểm mấu chốt trong quan hệ mua bán, trên lý thuyết người tiêu dùng là đối tác quan trọng nếu không nói là số 1 của nhà sản xuất và nhà cung ứng. Nhưng trên thực tế thì ra sao, thưa ông?
- Quả thực, trong quan hệ mua bán, người tiêu dùng thường bị yếu thế. Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta hiện nay đáng lo ngại. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn không ngừng gia tăng với các thủ đoạn tinh vi. Người tiêu dùng trở thành nạn nhân của những hành vi đó. Có thể nói hầu như ở đâu có hoạt động mua bán, thì ở đó có sự va chạm đến quyền lợi người tiêu dùng.
* Ông có thể khái quát những khía cạnh chủ yếu của sự “va chạm” này?
- Vâng, có thể khái quát 5 phạm vi, lĩnh vực sau: Thứ nhất, về đo lường, đó là hành vi bớt xén của khách hàng nhất là hàng đóng gói sẵn. Thứ hai là về vệ sinh an toàn thực phẩm, đây là lĩnh vực gây lo ngại và bức xúc hiện nay. Các vụ ngộ độc thực phẩm, sản phẩm sữa nhiễm melamin, thạch rau câu chứa độc chất DEHP… là những minh chứng. Thứ 3 là tệ nạn hàng giả, có thể nhận thấy nạn hàng giả đang gây nhức nhối trong xã hội. Từ hàng tiêu dùng đến vật tư sản xuất, từ hàng cao cấp đến hàng thông thường, từ hàng nội đến hàng ngoại đều bị làm giả. Với một thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng nhưng thật giả khó lường hiện nay, người tiêu dùng như đứng trước một mê hồn trận. Thứ 4 là quyền được bảo đảm an toàn. Quyền được bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng đã và đang bị thách thức bởi những rủi ro trong sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Nổi lên là tình trạng xe máy, xe ô tô liên tiếp bị cháy nổ trong thời gian qua, cho đến nay vẫn chưa chính thức tìm được nguyên nhân. Thứ 5 về quyền được thông tin, thông tin quảng cáo hiện nay đang bị thổi phồng, thậm chí lừa đảo. Thứ 6 về lĩnh vực dịch vụ, nhiều dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm y tế, văn hóa du lịch, vận tải còn nhiều bất cập như dịch vụ ngân hàng lãi suất tiền tiết kiệm không bảo đảm quyền lợi cho người gửi trước lạm phát; tình trạng bắt chẹt khách trong dịch vụ du lịch nhất là trong dịp lễ hội, gây bức xúc.
Đoàn kiểm tra của Trung ương kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại siêu thị Co.op Mart (TP. Buôn Ma Thuột). |
* Trước những va chạm ấy, người tiêu dùng đã, đang và sẽ có được sự trợ giúp nào, thưa ông?
- Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là công việc của một quốc gia mà mang tính toàn cầu. Ở Việt Nam, Hiến pháp năm 1992 đã ghi: “Nhà nước có chính sách bảo hộ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng”. Nhiều văn bản luật đã có nội dung điều chỉnh như Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Khám chữa bệnh, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Bảo vệ môi trường, Luật An toàn thực phẩm. Năm 1999 Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng ra đời; năm 2011, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2011. Ngày 13-1-2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 02/2012/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục hàng hóa dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và sắp tới sẽ ban hành Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nói tóm lại, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được đặt đúng tầm. Công tác này cũng đã đạt được nhiều tiến bộ từ xây dựng pháp luật đến tuyên truyền và thực thi. Cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm, tịch thu một khối lượng lớn hàng lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
* Nói như vậy thì hệ thống pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng đã cơ bản đầy đủ. Nhưng soi vào thực tế thì rõ ràng người tiêu dùng trở thành nạn nhân của nhiều hành vi gian lận thương mại. Vậy phải chăng luật chưa thực sự đi vào cuộc sống, thưa ông?
- Mặc dù hệ thống pháp luật đã khá đầy đủ, cơ quan thực thi đã có nhiều cố gắng nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận là công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta vẫn đáng lo ngại. Quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ đến đâu còn phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của các cơ quan thực thi. Tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta đã có hành lang pháp lý, vấn đề là công tác thực thi cần làm thường xuyên và triệt để, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
* Xin cảm ơn ông!
Đàm Thuần - Giang Nam (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc