Multimedia Đọc Báo in

Vụ lật thuyền tang thương trên dòng Krông Nô: Nỗi đau người ở lại

08:25, 26/03/2012

Trong 2 ngày 20 và 21-3, đoàn cán bộ đại diện LĐLĐ tỉnh và Báo Lao động đến thăm viếng, động viên và hỗ trợ 6 gia đình nạn nhân trong vụ lật thuyền trên sông Krông Nô vào ngày 13-3. Không khí  đau thương vẫn bao trùm lên những ngôi nhà mà người mất đi đều là trụ cột, lao động chính hoặc là niềm hy vọng của cả gia đình…

Chìm tắt niềm vui ngày đầu tiên nhận việc

Nơi đầu tiên chúng tôi đến là nhà của Trần Thị Kim Hằng (người được tìm thấy thi thể cuối cùng, sau tai nạn 3 ngày). Con đường gập ghềnh về buôn Hằng B1, xã Ea Uy, huyện Krông Pak như dài thêm giữa cái nắng ngột ngạt của mùa khô. Đến đầu làng hỏi đường ai cũng biết và đều nói với giọng đầy thương cảm: “con bé ngoan hiền, chăm chỉ, xinh xắn và học giỏi nữa, nó mất đi ai cũng tiếc thương…” Trong ngôi nhà chỉ xây bao che 4 bức tường, lợp tôn, bà Nguyễn Thị Nga vẫn khóc gào giọng khản đặc: “Con chim đầu đàn của mẹ ơi! Con nỡ bỏ mẹ và các em mà đi sao…” Rồi bà kể trong nước mắt: con bé giỏi lắm, cái gì cũng biết làm, lại rất thương mẹ, thương em. Vừa mới nhận bằng tốt nghiệp Cao đẳng ngành Quản lý tài nguyên rừng và môi trường một tháng, rồi không biết bằng thông tin nào mà con bé nộp hồ sơ, phỏng vấn rồi trúng tuyển. Nó nói với mẹ rằng, con đi làm đỡ mấy tháng dành dụm lương để tháng 10 này tiếp tục học liên thông lên Đại học. Có bằng Đại học xin việc dễ hơn và làm đúng với ngành nghề mình học hơn…. Vậy mà, ngày đầu tiên con đi làm rồi đi mãi...”. Nhà chỉ có mấy sào lúa và vài sào cà phê mới trồng nên bà Nga mong con có việc làm để phụ giúp bố mẹ nuôi em ăn học. Cậu em Trần Ngọc Thoại nhớ chị, nước mắt ngân ngấn kể: “chị Hằng học giỏi và thương chúng em lắm. Trước Tết chị đưa em ra chợ huyện mua quần áo và nói rằng sau này chị đi làm có tiền sẽ mua quần áo đẹp hơn. Ngày trúng tuyển đi làm chị vui lắm, cứ hát cả ngày và nói với cháu là “mai chị đi làm đấy”. Cháu nhớ và thương chị quá…”. Cũng như gia đình bà Nga, nỗi đau thương mất mát của vợ chồng ông Hoàng Văn Phượng ở thôn 2, xã Ea K’tur, huyện Cư Kuin không gì bù đắp nổi. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Y tế, Hoàng Thị Phương Nhã được anh họ Nguyễn Hoàng Huyên nhận vào làm ở Cty TNHH Dekalb Việt Nam, rồi tử nạn trong ngày đầu nhận việc... Còn kỹ sư Tin học Phùng Quốc Huy, thị trấn Ea T’ling, Cư Jút, Dak Nông, sau một năm làm việc ở TP. Hồ Chí Minh thì mong muốn về gần nhà để chăm sóc bố mẹ, nhưng không ngờ... Cả 3 gia đình Hằng, Nhã, Huy, đều chưa trọn vẹn niềm vui ngày đầu con đi làm đã phải chịu đựng nỗi đau quá lớn. Ông Lê Quang Duẩn, bố của Lê Trung Thành ở xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar thì cứ vân vê mãi tấm bằng tốt nghiệp Đại học loại khá của con với vẻ mặt thất thần, lẩm bẩm: “Thành cũng mới đi làm, vừa nhận tháng lương đầu tiên…”.

Đại diện LĐLĐ tỉnh đến thăm viếng và trao khoản hỗ trợ 2 triệu đồng cho gia đình Trần Thị Kim Hằng.

Gánh nặng, nỗi đau người ở lại

Trong số 6 người bị nạn thì chỉ có Nguyễn Hoàng Huyên và Phạm Trần Nguyễn Đàm là nhân viên chính thức của Công ty, nhưng cả 2 người đều có gia cảnh rất thương tâm. Đều là trụ cột chính trong gia đình nên họ mất đi không chỉ để lại nỗi đau mà còn cả gánh nặng mưu sinh cho người ở lại.

Anh Nguyễn Hoàng Huyên (Giám đốc kinh doanh khu vực Dak Lak của Công ty Dekalb Việt Nam, cũng là trưởng đoàn đi khảo sát ngày gặp nạn), năm nay vừa tròn 40 tuổi. Anh ra đi để lại con trai 8 tuổi và vợ là chị Đỗ Thị Thúy không nghề nghiệp, không thu nhập, đang nằm điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì vừa bị sẩy thai ở tháng thứ 8. Ông Nguyễn Đình Dương, bố anh Huyên cho biết: “Một tuần sau khi thằng Huyên mất, vợ nó còn nằm trong bệnh viện, vẫn đinh ninh là chồng đi nước ngoài. Cả nhà đang rất lo lắng vì sợ nó lại quỵ ngã khi biết tin”. Một tuần trước ngày mất, anh Huyên ngậm ngùi xây mộ cho con xong, đi chuyến công tác cuối cùng...

... và gia đình Phạm Trần Nguyễn Đàn ở Cư M'gar.

Căn nhà gỗ ọp ẹp, mái tôn dột nát ở thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar như oằn xuống trước nỗi đau mất đi người trụ cột Phạm Trần Nguyễn Đàm. Đàm là con trai cả trong gia đình nghèo khó, cả nhà có 6 miệng ăn (bà nội 89 tuổi, bố bị bệnh nằm liệt, 2 em còn đi học) đều trông chờ vào khoản lương của Đàm và công làm thuê, cuốc mướn của mẹ. Bao năm qua, một mình bà Trần Thị Kiều Dung – mẹ Đàm phải bươn bả nuôi cả nhà và các con ăn học. Giờ Đàm mất đi, bà Dung càng thêm nặng gánh, kể cả khoản nợ Ngân hàng Chính sách Xã hội 18,5 triệu đồng Đàm vay học đại học chưa trả… Nhận số tiền hỗ trợ 2 triệu đồng từ Quỹ Tấm lòng vàng Báo Lao động và sự thăm hỏi, động viên của LĐLĐ tỉnh, bà Dung xúc động nói: “Nỗi đau mất con không có gì bù đắp nổi, nhưng nhận được sự sẻ chia, động viên của quý cơ quan thế này lòng chúng tôi cũng vợi bớt…”

Rất mong các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, công nhân viên chức lao động trong tỉnh tiếp tục chia sẻ vật chất, tinh thần với những hoàn cảnh thương tâm của các gia đình nạn nhân trong vụ lật thuyền này. Mọi đóng góp xin gửi về địa chỉ: Quỹ Tấm lòng vàng Báo Dak Lak, 23- Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột.

Minh Quân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Những ngôi nhà thắm tình đoàn kết
Đề án xây dựng 1.200 căn nhà cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không chỉ góp phần thiết thực bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước mà còn là một trong những chương trình trọng điểm, ý nghĩa chào mừng Kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 -22/11/2024).