Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em

05:17, 06/03/2012

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh xảy ra những trường hợp trẻ nhỏ bị chết, bị thương và tàn tật suốt đời chỉ vì sự bất cẩn của người lớn, cũng như môi trường sống thiếu an toàn. Đây là một vấn đề báo động, hồi chuông cảnh tỉnh người lớn, các bậc phụ huynh, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn đến môi trường sống an toàn cho trẻ.

Nhức nhối nỗi đau trẻ bị tai nạn thương tích

Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH), từ năm 2008 đến năm 2010 toàn tỉnh có 13.368 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT), trong đó 166 trẻ bị tử vong. Năm 2011 có 1.009 trường hợp trẻ bị TNTT (76 em tử vong, số trẻ chết vì đuối nước là 63, tăng 11 em so với năm 2010).


Thiếu sân chơi, trẻ em vùng sâu đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây TNTT (Trong ảnh: Trẻ nhảy cầu tắm sông ở xã Dray Sap (Krông Ana).

Có một nghịch lý là một tỉnh miền núi như Dak Lak lại xẩy ra tình trạng trẻ chết do đuối nước nhiều. Chính vì là vùng núi nên trẻ ít được tiếp xúc với sông nước và ít được cha mẹ, người lớn dạy bơi. Trong khi đó, vì cần nguồn nước tưới trong mùa khô nên các gia đình thường đào các giếng, hồ trong rẫy vườn của mình vô tình tạo nên một hệ thống “bẫy” nước dày đặc. Những hồ, giếng tưới này thường là sâu lại không có rào chắn, biển báo nên khi trẻ chơi quanh các khu vực này rất dễ té xuống chết đuối. Trong năm qua, Cư Kuin là huyện có số trẻ bị chết đuối nhiều nhất (9 trẻ). Có những vụ thật thương tâm như ngày 6-11, 4 nữ sinh lớp 9 trường THCS Cư Kuin đến nhà bạn ở xã Ea Ning chơi. Thấy có chiếc thuyền độc mộc neo ở hồ nước thôn 14, các em rủ nhau xuống chèo, không may thuyền lật úp, cả 4 em đều bị chết đuối…

Ngoài ra, những TNTT khác tuy số trẻ thiệt mạng ít hơn nhưng thường để lại thương tật, di chứng nặng nề như tai nạn giao thông, ngã, ngộ độc… Người dân ở thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Drak vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến vụ ngộ độc trái cây rừng vào ngày 26-7 khiến 35 người phải đi cấp cứu trong đó 2 em đã chết. Hay như vụ trẻ bị ngã cầu thang chấn thương sọ não ở phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột); vụ trẻ chơi đùa ngã ngồi vào nồi canh bị bỏng nặng ở xã Ea Ral (Ea H’leo);…

Ea H’leo là địa phương có số trẻ bị tai nạn thương tích trong năm 2011 nhiều nhất, với 320 trường hợp. Bà Nguyễn Thị Hương, Phó phòng LĐTB&XH huyện Ea H’leo cho biết: Trong 3 năm qua, Phòng LĐTB&XH phối hợp cùng chính quyền các xã trong huyện đã tổ chức tuyên truyền đến tận thôn, buôn, tổ dân phố về xây dựng môi trường an toàn cho trẻ và làm hàng nghìn biển báo ở những khu vực ao, hồ, sông suối. Chính vì vậy số trẻ bị chết do đuối nước đã giảm so với những năm trước. Tuy nhiên số trẻ bị TNTT vẫn ở mức cao, trong đó đa số là bị ngã khi chơi đùa, bỏng nước sôi, điện giật… do sự bất cẩn của người lớn, do môi trường sống thiếu an toàn.

TNTT đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và để lại những hậu quả rất lớn về mặt kinh tế, nỗi đau về tinh thần cho các gia đình, cũng như thêm gánh nặng cho vấn đề an sinh xã hội. Hằng năm, trong tỉnh lại có thêm gần 1.000 trẻ khuyết tật do TNTT phải sống phụ thuộc vào gia đình cần được chăm sóc, bảo trợ của xã hội…

Vì một cộng đồng an toàn cho trẻ

Qua phân tích của các cơ quan chức năng cho thấy nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây TNTT trẻ em bao gồm: do trẻ chưa xác định được mức độ nguy hiểm của môi trường, hoàn cảnh, các trò chơi, nhất là đối với trẻ nhỏ, tầm quan sát hạn chế; hầu hết trẻ đều rất hiếu động, nghịch ngợm, thích khám phá; do môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn như: hệ thống sông, suối, ao hồ dày đặc; ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ hằng năm; lượng bom mìn, vật liệu nổ sót lại trong lòng đất khá nhiều mà chưa tháo gỡ hết... Ngoài ra, còn có nguyên nhân cơ bản là sự thiếu quan tâm của gia đình, nhà trường,  cộng đồng, trẻ chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, tránh hoặc xử lý TNTT cho bản thân và bạn bè. Rất nhiều gia đình, người lớn chưa có ý thức đầy đủ về phòng TNTT cho trẻ em; chưa hướng dẫn, giáo dục và xây dựng cho trẻ em thói quen về phòng chống TNTT như: đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; mang áo phao khi đi thuyền qua sông; không đùa nghịch gần các ổ điện, trụ điện, dây điện; không trèo cao…; Thậm chí còn để cho trẻ dễ dàng tiếp cận với môi trường, đồ vật có thể gây TNTT...

Bà H’Ni Mlô, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH nêu lên thực trạng: Các địa phương trong tỉnh đều có chung một hạn chế là thiếu sân chơi nên trẻ thường phải vui chơi ở gần đường giao thông, gần ao hồ, sông suối, trụ điện, nương rẫy, cánh đồng... nơi tiềm ẩn những nguy cơ gây TNTT. Các công trình xây dựng nhà ở như khu chung cư, nhà tập thể, nhà ở của người dân cũng chưa thật sự an toàn, ý thức chấp hành các quy định về an toàn của người dân chưa cao... Tất cả những yếu tố trên đã làm cho môi trường sống không an toàn, dẫn đến nguy cơ cao gây TNTT ở trẻ em.

Để giảm thiểu tai nạn xảy ra cho trẻ, Sở LĐTB&XH đã triển khai thực hiện công tác phòng chống TNTT ở trẻ em, xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ năm 2012; đang triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2015 và Chính sách quốc gia phòng chống TNTT giai đoạn 2011-2015. Bà Từ Thị Khanh, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐTB&XH) cho biết: trong thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh TNTT; thay đổi, cải tạo môi trường sống trong gia đình, trường học và cộng đồng, xây dựng mô hình gia đình an toàn, cộng đồng an toàn; thực hiện các quy định, chính sách về an toàn và phòng tránh TNTT; phát triển kỹ năng sơ cấp cứu và dạy bơi cho trẻ em. Trong đó, có một số chỉ tiêu chủ yếu của năm như: 100% xã, phường, thị trấn xây dựng các biển cấm, biển báo nguy hiểm ở các khu vực nguy cơ cao về tai nạn; 50% hộ gia đình có trẻ dưới 16 tuổi được trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng chống TNTT; dạy bơi miễn phí cho 300 đến 400 trẻ vùng sâu, xa, vùng có nhiều hồ, đập và nguy cơ cao…

Minh Quân


Ý kiến bạn đọc