Multimedia Đọc Báo in

“Hợp tác xã việc làm” cho phụ nữ nông thôn

05:08, 04/04/2012

Mới thành lập và đi vào hoạt động chưa lâu, “Hợp tác xã việc làm” của Hội phụ nữ xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) đã phát huy hiệu quả, được Hội phụ nữ huyện đánh giá cao, xem đây là cách làm hay trong hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Hội viên tham gia "Hợp tác xã việc làm" đang làm cỏ cà phê cho 1 hộ dân trong xã.

Tham gia Hợp tác xã được 1 tháng, chị Phạm Thị Son, hội viên tổ 2, chi hội thôn 1 tỏ ra rất hào hứng cho biết: cả tháng nay tôi không còn ngày nào rảnh, các chị trong chi hội liên tục gọi đi làm. Tuy mệt nhưng rất vui vì có việc làm thường xuyên, có thêm thu nhập, tằn tiện cũng đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày”. Là người tiên phong tham gia Hợp tác xã ngay sau khi được vận động, chị Dương Thị Thủy thực tế hơn: tính trung bình mỗi tháng tôi có thêm thu nhập khoảng 2-2,5 triệu đồng, cũng đủ chi phí học hành cho con cái. Ngoài ra khi vào cao điểm mùa vụ thu cà phê, sắn… các chị liên hệ được những chỗ làm trả công nhật cao hơn thì cũng có thêm dăm ba trăm nghìn đồng/ tháng để dành dụm, lại tiện lợi hơn nhiều so với mình phải tự đi kiếm việc”.

Mô hình tạo công ăn việc làm cho phụ nữ nông thôn mà chị em ở đây vẫn gọi là “Hợp tác xã việc làm” xã Ea Kiết được thành lập từ tháng 9-2011. Mô hình hoạt động theo hình thức: Các chi hội tập hợp những chị em nhàn rỗi (vì gia đình không có đất sản xuất) vào từng tổ. Các tổ trưởng có trách nhiệm trực tiếp đi liên hệ với những hộ gia đình, các công ty, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn có nhu cầu thuê nhân công để giới thiệu cho hội viên. Hội viên tùy theo sức khỏe, nguyện vọng, chọn lựa những công việc phù hợp như làm cỏ, làm cành, tưới cà phê… Theo Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hoàng Thị Liên những ngày đầu “hợp tác xã” chỉ có khoảng chục chị tham gia, nhưng sau một thời gian ngắn đã phát triển lên gần 60 hội viên, triển khai ở 4 chi hội trên địa bàn. Với sự năng động, nhiệt tình của các chi hội trưởng, mỗi tháng có hàng trăm chị trong cũng như ngoài hội có việc làm thường xuyên, thu nhập tương đối ổn định, có thêm điều kiện chăm lo, phát triển kinh tế gia đình. Ngoài những công việc mang tính thời vụ, các chi hội còn chủ động liên hệ với những nhà máy, công ty đứng chân trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu cho chị em. Trong năm qua, đã có 20 chị được nhà máy sắn Quán Quân Tây Nguyên và Doanh nghiệp tư nhân trồng sắn Trần Hồng nhận vào làm công nhân với mức lương ổn định từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng. Với bản tính cần cù, siêng năng cũng như hiệu quả công việc đã đạt được, ngày càng có nhiều hội viên được nơi có nhu cầu sử dụng lao động tin tưởng, chủ động liên hệ công việc. Đây là một lực lượng lao động đông, dễ huy động, góp phần giúp bà con nông dân trên địa bàn thu hoạch mùa màng đúng thời vụ, lại không bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm nhân công, bị người làm thuê đẩy giá lên cao.

Có thể nói, mô hình “Hợp tác xã” không chỉ giúp phụ nữ nông thôn có việc làm thường xuyên mà còn là hình thức thu hút chị em vào tổ chức Hội hiệu quả, như chia sẻ của hội viên Lữ Thị Nguyệt: “Tham gia Hợp tác xã ngoài lợi ích thiết thực về kinh tế, chúng tôi còn có điều kiện giao lưu gặp gỡ nhau để chia sẻ những kinh nghiệm trong bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc gia đình và năng động tham gia các hoạt động xã hội. Bên cạnh đó, nhiều hội viên đã được giới thiệu vay vốn, đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình”. Còn chị Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hội phụ nữ xã thì phấn khởi cho biết: “Từ hiệu quả ban đầu, thời gian tới Hội phụ nữ xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, nhất là đối với chi hội ở các thôn, buôn nhằm giúp cho chị em dân tộc thiểu số tại chỗ có việc làm ổn định. Qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao nhận thức, tích cực tham gia vào các phong trào, hoạt động xã hội ở địa phương, góp phần hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới.

Thảo Nhi


Ý kiến bạn đọc