Multimedia Đọc Báo in

Tăng giá các dịch vụ y tế: Có “gỡ khó” cho ngành Y tế?

08:01, 17/04/2012

Kỳ III: Nỗi lòng người bệnh

Giữa thời kỳ vật giá leo thang, việc tăng giá một số dịch vụ y tế càng làm gia đình người bệnh tăng thêm nỗi lo tài chính. Lo đấy, bận tâm đấy, song khá nhiều người bệnh vẫn cho rằng, điều quan trọng nhất là tăng viện phí mà nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thì cũng nên làm…

Người bệnh BHYT sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bới chính sách tăng giá một số dịch vụ y tế.

Song hành với nỗi đau bệnh tật, lại hứng chịu những bất cập trong công tác khám chữa bệnh, hơn ai hết bệnh nhân là người thấu hiểu nhất những hệ lụy từ “căn bệnh” của ngành y, đặc biệt là tình trạng quá tải và thiếu nhân lực. Bệnh nhân đông trong khi nhân lực “cung không đủ cầu” khiến cho chất lượng khám chữa bệnh, rồi các dịch vụ khác, điều kiện vệ sinh, an ninh trật tự cũng bị ảnh hưởng. Không những thế, căn bệnh này kéo dài còn là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng các hiện tượng tiêu cực trong bệnh viện như: “cò mồi” bệnh nhân ra khám ở các phòng khám tư nhân, “cò mồi” bán thuốc, hay chạy chọt để được khám nhanh hơn… Bức xúc với những bất cập này, khi đón nhận thông tin tăng giá một số dịch vụ y tế để cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, hầu hết người bệnh đều ở trong tâm trạng nửa mừng, nửa lo. Mừng vì ngành Y tế đã có thêm “phao” để nâng cao chất lượng phục vụ, lo vì trong cơn bão giá đồng thời với chuyện cơm áo gạo tiền, gánh nặng tài chính sẽ càng không phải là nhỏ khi sức khỏe “gõ cửa” bệnh viện. Bà Hoàng Thị Nhung (xã Ea Đar, huyện Ea Kar) chia sẻ: “gia đình tôi chưa phải là hộ nghèo nhưng hoàn cảnh kinh tế cũng còn khó khăn nên thấy mức tăng viện phí như vậy cũng hơi cao. Ốm đau bệnh tật, ai cũng mong bằng mọi cách để chữa khỏi, mặc cả mớ rau con cá chứ ai mặc cả tiền chữa bệnh, chỉ nhìn vào các tiệm bán thuốc là biết, người bán thuốc nói giá nào thì người mua trả tiền vậy, có muốn mặc cả cũng chẳng biết đâu? Chỉ mong tăng giá một số dịch vụ y tế thì người bệnh sẽ được hưởng và phục vụ tương xứng với những gì mình đóng”. Còn ông Nguyễn Xuân Nuôi, thôn 7, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin thì bày tỏ: “Ai cũng biết sức khỏe là vốn quý nhất, tôi đồng tình với chính sách này. Điều quan trọng nhất là chất lượng, tôi mong muốn tăng giá đồng nghĩa với chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn, bệnh nhân điều trị nội trú được chăm sóc chu đáo hơn”. “Tăng giá một số dịch vụ y tế mà góp phần thay đổi được những bất cập trong các bệnh viện và được khám chữa bệnh, phục vụ tốt hơn thì tôi nghĩ có phải đóng thêm tiền (tất nhiên ở mức hợp lý) người dân cũng đồng tình”, ông Đặng Quốc Phú, tổ dân phố 12, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột giãi bày.

Trên thực tế, trong việc tăng giá các dịch vụ y tế, lo lắng lớn nhất là ảnh hưởng đến người bệnh nghèo. Song lý giải về vấn đề này, trong lần gặp gỡ báo chí mới đây, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, việc tăng viện phí sẽ tác động mạnh đến nhóm bệnh nhân chưa có BHYT và người nghèo. Vì vậy, khi tăng viện phí, đối với nhóm người nghèo, diện gia đình chính sách vẫn duy trì đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT (từ mức 5% đến 20%). Trường hợp mức đồng chi trả lớn, Chính phủ đề nghị có thể hoàn lại một khoản kinh phí trong số 5% phí khám bệnh bảo hiểm mà họ phải chi trả. Nếu mức chi trả quá 6 tháng lương cơ bản, những đối tượng khó khăn sẽ được hỗ trợ từ quỹ khám chữa bệnh dành cho người nghèo. Cũng theo ông Sơn, hiện Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định 139 để hỗ trợ một số đối tượng khó khăn trong chi trả viện phí, các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, có chi phí điều trị lớn như: ung thư, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật tim…; đồng thời yêu cầu các bệnh viện trích một phần nguồn thu để lập quỹ hỗ trợ cho một số trường hợp khó khăn. Đối với người thuộc hộ cận nghèo, từ năm 2012, Chính phủ nâng mức hỗ trợ đóng BHYT lên 70% thay vì 50% như trước đây để khuyến khích đối tượng này tham gia BHYT. Đặc biệt, ông Phạm Lương Sơn khẳng định, khi áp dụng giá viện phí mới, người bệnh sẽ không phải nộp thêm bất cứ khoản nào cho cơ sở khám bệnh. 

Cũng có chung quan điểm này, bác sĩ Bùi Trường Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận định, việc điều chỉnh giá các dịch vụ y tế lần này đem lại hiệu quả cho cả cơ sở y tế lẫn người bệnh. Đối với các bệnh viện, việc điều chỉnh một phần viện phí cũng đồng nghĩa là nguồn thu của bệnh viện tăng lên, từ đó có thêm nguồn tài chính để trang trải mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao cũng như bảo trì thiết bị hoạt động một cách liên hoàn để phối hợp thực hiện hiệu quả hơn công tác chăm sóc người bệnh. Còn đối với người bệnh, nhất là với nhóm đối tượng BHYT (chiếm gần 80% dân số trên địa bàn) thì về mặt chi trả gần như không ảnh hưởng vì đã có BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Riêng nhóm BHYT của đối tượng người nghèo và cận nghèo có ảnh hưởng một phần, tức là khi giá viện phí tăng lên thì mức đồng chi trả 5% của nhóm đối tượng này cũng tăng thêm một ít so với trước. Mức ảnh hưởng của tăng viện phí đến người bệnh không nhiều, song cái được mà nó đem lại cho người bệnh thì rất lớn. Trên thực tế, khi đã nói đến điều trị thì phải có phác đồ điều trị. Trong điều kiện túi tiền hạn hẹp thì phải cân nhắc, lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp với khả năng, tất nhiên vẫn bảo đảm quy trình chuyên môn. Thế nhưng, khi có điều kiện hơn, rõ ràng chúng ta có quyền lựa chọn thuốc cũng như phác đồ điều trị tốt hơn, và điều này đương nhiên sẽ có tác động tích cực đến chất lượng điều trị cho người bệnh.

Từ ngày 15-4, việc tăng giá 447 dịch vụ y tế sẽ chính thức được áp dụng. Niềm tin và kỳ vọng đây sẽ là nguồn lực cải thiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đang chờ đợi câu trả lời từ thực tiễn…

Kim Oanh – Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc