Tập trung giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi
Sáng 4-4, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã công bố kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010.
Các kết quả của cuộc điều tra này cung cấp dữ liệu cơ bản về mức tiêu thụ thực phẩm, dinh dưỡng, thực hành chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ nhỏ, kể cả các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em Việt Nam đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Ảnh minh họa: N.X |
Năm 2010, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em nước ta là 17,5% (chỉ tiêu cân nặng/tuổi), trong đó suy dinh dưỡng vừa (độ I) là 15,4%, suy dinh dưỡng nặng (độ II) là 1,8% và suy dinh dưỡng rất nặng (độ III) là 0,3%. Trong đó, 20/63 tỉnh, thành có mức suy dinh dưỡng trẻ em trên 20% (xếp ở mức cao theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới).
Ước tính đến năm 2010, nước ta còn gần 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng nhẹ cân, khoảng 2,1 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi và khoảng 520.000 trẻ em suy dinh dưỡng gầy còm.
Cuộc điều tra cũng cho thấy có sự khác biệt về điều kiện kinh tế xã hội giữa các tỉnh, nhất là với các vùng, miền khó khăn, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi có thể cao gấp đôi so với vùng đồng bằng.
Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 5,6% (trong đó thành phố là 6,5%, nông thôn là 4,2%). So với năm 2000, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi hiện cao hơn 6 lần.
Việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em Việt Nam đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ nhỏ vẫn còn ở mức cao, chiếm 1/3 tổng số trẻ dưới 5 tuổi. Vì vậy, Chiến lược dinh dưỡng quốc gia 2011-2020 dành rất nhiều sự quan tâm và đầu tư cho giảm suy dưỡng thấp còi.
Trong đó các bản kế hoạch hành động của cấp tỉnh sẽ được tiếp tục xây dựng với ưu tiên hướng tới các địa phương khó khăn, khó tiếp cận, tập trung vào những hoạt động can thiệp thiết yếu, tác động giảm suy dinh dưỡng chiều cao/thấp của trẻ. Các can thiệp này sẽ được triển khai lồng ghép với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác trong hệ thống y tế sẵn có, cùng các hoạt động truyền thông tại cộng đồng.
Liên Hợp Quốc, UNICEF và các tổ chức phát triển khác cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thông qua hỗ trợ cho Viện Dinh dưỡng quốc gia để thực hiện Chiến lược dinh dưỡng của Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
N.X (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc