Buôn Pơr xây dựng nông thôn mới
Về với buôn Pơr, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) hôm nay, chứng kiến những ngôi nhà mới xây còn thơm mùi vôi vữa, nhiều mảnh vườn cây trái xanh tươi, đặc biệt là đời sống văn hóa tinh thần của bà con trong buôn không ngừng được cải thiện mới thấy được sự đổi thay, phát triển không ngừng ở nơi đây.
Anh Y Prum Niê, Buôn trưởng buôn Pơr cho biết: “Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, điện lưới quốc gia, sự tạo điều kiện hỗ trợ và chuyển giao các tiến bộ KHKT của các cơ quan ban ngành cho người dân sản xuất… nên trong những năm gần đây, nhiều hộ gia đình trong buôn đã có thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng. Buôn làng hiện nay đã có thêm nhiều hộ có nhà mới kiên cố, diện mạo nông thôn dần khởi sắc theo hướng hiện đại và văn minh. Bà con trong buôn mình bây giờ đã biết làm cây lúa nước 2 vụ, biết trồng và chăm sóc cây cao su, cây cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho giá trị kinh tế cao, nên trong buôn ngày càng xuất hiện nhiều hộ có kinh tế khá, làm giàu chính đáng từ lao động sản xuất…”
Đến thăm hộ gia đình ông Y Nan Ktala chúng tôi được biết: Từ khi tham gia tìm hiểu kiến thức KHKT do tổ chức Hội Nông dân tổ chức, cùng với việc vay vốn ngân hàng, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư áp dụng vào vườn cây, năm nào cũng cho thu nhập khá và ổn định. Hiện gia đình ông Y Nan Ktala có 3,8 ha cà phê; 3,5 diện tích cao su tiểu điền và 2,5 sào lúa nước 2 vụ. Năm vừa qua thu nhập của gia đình ông vượt con số trên 200 triệu đồng. Riêng đối với diện tích cao su tiểu điền, có tháng cao điểm cho thu nhập 16 triệu đồng. Từ việc phát triển sản xuất gia đình ông còn tạo việc làm cho con em trong buôn. 7 người con của ông đều được học hành đến nơi đến chốn và từng bước thành đạt, xây dựng nhà cửa khang trang.
Cũng như gia đình ông Y Nan Ktala, gia đình anh Y Đia Hwing và chị H’Rưng Niê là hộ có điều kiện kinh tế khá giả. Những năm trước đây, do phong tục tập quán, điều kiện canh tác và thu nhập khó khăn, nên cuộc sống gia đình anh chị không kém phần vất vả. Nhưng nhờ sự hỗ trợ giúp đỡ của chính quyền địa phương, hiện gia đình anh chị trồng và chăm sóc 2 ha cà phê kinh doanh, nhận trồng và chăm sóc 1,8 ha cao su tiểu điền và canh tác thêm 1 sào lúa nước 2 vụ. Với việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, trong năm 2011 gia đình anh chị đã thu được 7 tấn cà phê nhân, diện tích cao su tiểu điển cho thu nhập trên 100 triệu đồng... Vừa qua, gia đình anh chị đã tích lũy xây được ngôi nhà khang trang trị giá trên 300 triệu đồng.
Không chỉ riêng hai hộ này, nhiều gia đình ở buôn Pơr cũng đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển phương thức canh tác từ “phát, đốt, chọc, tỉa” thay vào đó là áp dụng KHKT vào trồng trọt chăn nuôi, lấy ngắn nuôi dài, tạo ra năng suất cao và đa dạng hóa sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay buôn Pơr có 116 hộ gia đình, trong đó gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ (Ê đê). Không còn mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước, bà con trong buôn đã tự lực phấn đấu, cần cù trong lao động sản xuất, nên buôn Pơr hiện có trên 95% số hộ gia đình có xe công nông phục vụ sản xuất, 99,9% số hộ có xe máy, 100% số hộ có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất cùng các phương tiện sinh hoạt đắt tiền khác. Nhờ kinh tế ngày càng ổn định và phát triển, nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong buôn luôn được giữ vững, cuộc sống văn hóa mới được hình thành với 78% số hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, và buôn Pơr đã đạt danh hiệu Buôn văn hóa cấp huyện.
Văn Sơn
Ý kiến bạn đọc