Công đoàn Công ty TNHH Một thành viên Cao su Dak Lak: Tích cực chăm lo quyền lợi cho người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số
Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, giải quyết nhà ở cho công nhân, Công đoàn Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Cao su Dak Lak đang tích cực phối hợp với chuyên môn, vận động người lao động tiết kiệm, thành lập quỹ để chuẩn bị mua cổ phần. Nhờ cách làm này, quyền lợi của công nhân, đặc biệt là công nhân người dân tộc thiểu số sẽ được bảo đảm khi doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hóa theo chủ trương của Nhà nước.
Công nhân khai thác mủ cao su. |
Bà H’An Niê, buôn Yông A, xã Cuôr Đăng (Cư M’gar) đang làm thủ tục nghỉ hưu sau 24 năm làm việc tại Nông trường Cao su Cuôr Đăng, lương hưu khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Ngoài 2 con vừa tốt nghiệp Trường Trung học Y tế Dak Lak, bà H’An còn có một cô con gái 18 tuổi đã được nông trường tiếp nhận để thay mẹ, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng. Còn anh Y Nuôn Ayun thì nuôi được 4 con ăn học, lại vừa xây được ngôi nhà trị giá 500 triệu đồng nhờ làm công nhân nông trường từ năm 1990 đến nay. Năm ngoái Y Nuôn cũng thu hoạch được 4 tấn cà phê nhân, nhưng đến giờ vẫn còn để trong nhà vì gia đình... không thiếu tiền, chờ giá cao mới bán. Ông Nguyễn Độ, Giám đốc Nông trường Cao su Cuôr Đăng, tự hào nói: “Cuôr Đăng là nông trường Cao su của bà con Êđê, bởi trong 335 lao động trực tiếp của đơn vị chỉ có 2 công nhân là người Kinh. Còn ở bộ phận gián tiếp, đồng bào Êđê cũng chiếm tỷ lệ 40%, trong đó có 1 phó giám đốc, 1 bác sĩ và 5 cán bộ kỹ thuật. Về đời sống, nông trường không có công nhân nào nằm trong dach sách hộ nghèo của địa phương”. Mặc dù không có hộ nghèo, nhưng Nông trường Cao su Cuôr Đăng vẫn có quỹ “Vì người nghèo”, hiện đang cho 32 công nhân vay số tiền 373 triệu đồng để phát triển kinh tế hộ, sửa chữa nhà ở, chi các khoản đột xuất...
Tại Nông trường Cao su Phú Xuân, cán bộ, công nhân viên người dân tộc thiểu số cũng chiếm trên 64%, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người. Năm 2011 nông trường đã tuyển dụng thêm 132 lao động, năm nay tiếp tục bổ sung thêm 100 người, đều ưu tiên đồng bào dân tộc tại chỗ. Không chỉ chăm lo việc làm, Công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak còn quan tâm giải quyết nhà ở, đất ở cho công nhân người dân tộc thiểu số. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Nông trường Cao su 30-4, cho biết: “Trước đây ở phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) có 32 gia đình người dân tộc thiểu số tách hộ, không có nghề nghiệp và đất sản xuất, Nông trường đã tiếp nhận vào làm công nhân, giao khoán vườn cây, cấp hẳn cho mỗi hộ một ngôi nhà ở Làng công nhân đội 5 thuộc xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột). Số nhà này được Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak đầu tư trên 6 tỷ đồng, giá xây dựng năm 2007. Vì vậy người lao động rất yên tâm, gắn bó với nông trường”.
Ông Lê Văn Thiện, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak, cho biết: “Khi tuyển dụng công nhân dân tộc thiểu số, công ty chỉ yêu cầu trình độ tiểu học thay vì THCS, đồng bào được giao khoán diện tích ít hơn nhưng thu nhập vẫn không thấp, khi công nhân nghỉ hưu thì con em trong gia đình được ký hợp đồng lao động thay thế.... Đây là những chính sách ưu tiên dành riêng cho công nhân người dân tộc thiểu số tại chỗ, không áp dụng với các đối tượng lao động khác”. Bên cạnh việc chăm lo đời sống, việc làm cho công nhân, mục tiêu của Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak là người lao động phải thực sự được làm chủ khi cổ phần hóa doanh nghiệp theo chủ trương của Nhà nước. Hiện Công đoàn công ty đã phối hợp với chuyên môn vận động, giữ lại 70% các khoản tiền thưởng của công nhân để làm vốn mua cổ phần; trong đó Nông trường Cao su Phú Xuân đã huy động được 23,6 tỷ đồng, Nông trường Cuôr Đăng 10,3 tỷ đồng... Từ chủ trương này, nhiều hộ công nhân người đồng bào dân tộc thiểu số đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng, chuẩn bị trở thành cổ đông. Trong thời gian chưa cổ phần hóa, công ty vẫn trả lãi cho người lao động cao hơn lãi suất ngân hàng, chẳng hạn lãi suất năm 2011 là 17,1%. Theo ông Lê Văn Thiện, nhiều hộ công nhân dân tộc thiểu số vẫn chưa quen tích lũy, chỉ có cách làm này mới giúp họ trở thành cổ đông, tránh mọi thiệt thòi khi cổ phần hóa doanh nghiệp.
Đặng Trung Kiên
Ý kiến bạn đọc