Multimedia Đọc Báo in

Hồi chuông từ những vụ tai nạn giao thông

07:36, 29/05/2012

Kỳ cuối: Để vòng xe không mang theo những nỗi đau 

Có lẽ hơi khập khiễng khi đưa ra so sánh những thiệt hại giữa thiên tai bão lũ và TNGT. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, thiên tai bão lũ rồi cũng qua nhưng TNGT thì chắc chẳng có ngày kết thúc. Vấn đề là giảm thiểu đến mức tối đa có thể. Và toàn xã hội đang nỗ lực cho lối thoát ấy…

Tiếng lòng của những người ngồi sau vô lăng

Qua giới thiệu, chúng tôi tìm đến một tài xế xe khách đã vô tình cán xe chết người. Phải thuyết phục mãi anh mới chịu kể với điều kiện phải giấu tên anh. Chuyện xảy ra cách đây 4 năm rồi, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được sự dè dặt trong câu nói của anh. Hôm đó, anh đang lái xe chở khách từ TP. Hồ Chí Minh về huyện Ea Kar. Khi đến địa phận huyện Krông Pak, xe đang đi bình thường thì có gì đó bất thường xảy ra. Điều đó diễn trong tích tắc và chỉ có lái xe mới cảm nhận rõ cái cảm giác trên từng bánh xe. Ngay lập tức anh dừng xe và xuống xem thì một cảnh tượng kinh hoàng đập vào mắt. Một người đàn ông nằm bất động trên đường, một vũng máu đỏ đang chảy… bên cạnh chiếc mô tô vẫn còn nổ máy. Nhân lúc mọi người đang xúm vào xem, anh liền đón xe ôm đến Công an huyện Krông Pak trình báo. “May mắn” cho anh  là trong vụ việc đó, cơ quan điều tra xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn không có lỗi của anh. Do đường hẹp nên nạn nhân đã có va chạm giao thông với một người đi đường khác rồi loạng choạng ngã đúng vào bánh xe khách đang di chuyển. Sau chuyện đó, anh đã phải xin nghỉ lái cả năm trời vì bị ám ảnh. Được lãnh đạo công ty động viên, anh trở lại cầm vô lăng, nhưng đến giờ vẫn còn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhớ lại. Anh tâm sự, nghề lái xe, cẩn thận cả đời nhưng chỉ sơ sẩy một chút là tai họa đã xảy ra. Bởi thế mà càng cẩn thận bao nhiêu vẫn chưa đủ. Đi đúng tốc độ là điều anh luôn tâm niệm mỗi khi ngồi sau vô lăng.

             Tăng cường tuần tra, kiểm soát  để  kiềm chế TNGT.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát để kiềm chế TNGT.

Với lái xe Nguyễn Phi Hùng thì may mắn hơn. Từ thời bao cấp, ông đã lái xe cho Công ty cầu đường Lâm nghiệp số 2 (nay là Công ty Cổ phần xây lắp công trình Tây Nguyên) và nổi tiếng là người cẩn thận, khó tính trong nghề nghiệp. Hơn 25 năm cầm vô lăng, nhưng thói quen cẩn thận của ông thì chưa bao giờ thay đổi. Chỉ cần xe có tiếng kêu lạ, hay chân ga phập phù là ông phải chỉnh ngay. Là con đất võ Bình Định nên dường như phong cách lái xe của ông cũng khác lắm. Ông bảo, lái xe phải học cư xử lấy nhường nhịn làm gốc rễ, một điều nhịn chín điều lành; làm việc bằng cái tâm, lái xe bằng cả con tim, khối óc nhạy cảm, minh mẫn, biết yêu thương bởi chỉ một phút bất cẩn, nôn nóng muốn về sớm một chút là gây họa cả đời cho mình và người khác. Người lái xe cũng phải xem xe như là một phần cơ thể mình vậy, phải thường xuyên chăm sóc, bảo dưỡng, xe hoạt động tốt sẽ tăng thêm sự tự tin của người lái cũng như bảm đảm  an toàn khi tham gia giao thông. Ngoài việc không uống rượu, bia trước khi lái xe như luật quy định, ông luôn tâm niệm và tạo dựng cho mình tâm lý thoải mái, đã căng thẳng, mệt mỏi là kiên quyết không ngồi sau chiếc vô lăng.

Đồng hành cùng lái xe trên mỗi cung đường, nhiều đơn vị vận tải cũng nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Có thể đơn cử ra đây những cách làm hay của Công ty TNHH Mai Linh. Tại Dak Lak, ngoài 70 xe taxi, hiện Mai Linh có hơn 15 xe ca chạy các tuyến cố định, xuất phát từ TP. Buôn Ma Thuột. Giám đốc vùng Tây Nguyên của Tập đoàn Mai Linh Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ, để bảo đảm ATGT, nhất là với những xe chạy tuyến cố định, công ty đã đề ra những quy tắc cụ thể, có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với lái xe. Chẳng hạn, công ty đã khảo sát hành trình các tuyến cố định để đưa ra thời gian di chuyển phù hợp, giúp lái xe đến bến đúng giờ mà không phải vượt quá tốc độ quy định. Tất cả các xe đều được gắn “hộp đen” để giám sát hành trình, nghiêm cấm lái xe bắt khách dọc đường nhằm bảo đảm tốc độ trong suốt hành trình… 

Và quyết tâm lập lại trật tự kỷ cương ATGT

Bảo đảm ATGT là trách nhiệm của toàn xã hội. Trách nhiệm ấy là dấu chấm hỏi và đang được các bộ ngành, chính quyền các cấp tập trung trả lời bằng việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và lâu dài. Cùng với những hành lang pháp lý sẵn có, để phù hợp với thực tiễn, nhiều quy định, kế sách được điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới. Cụ thể, ngay sau Hội nghị sơ kết 3 tháng đầu năm thực hiện Năm An toàn giao thông, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương ban hành quy định “không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa”, xử lý nghiêm người vi phạm, không phân biệt là cán bộ hay nhân viên; đồng ý cho phép Bộ Công an sử dụng 30% trong tổng số 70% tỷ lệ trích lại từ kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT để bồi dưỡng cho cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT; Bộ Công thương có biện pháp cấp bách ngăn chặn việc sản xuất, lưu thông, buôn bán các loại mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm không đảm bảo quy chuẩn, chất lượng; kiểm tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm;...

Đối với Dak Lak, một trong những địa bàn do đặc điểm địa hình khiến tình hình TNGT diễn biến phức tạp, nỗ lực và quyết tâm giảm thiểu tai nạn cũng được thể hiện rõ. Đáng chú ý là lực lượng CSGT đã, đang và sẽ tăng cường kiểm soát tốc độ của các loại xe ô tô, tập trung xử lý, xử phạt hành vi vi phạm tốc độ ở các tuyến trọng điểm, tuyến quốc lộ, coi đây là biện pháp chính trong Năm An toàn giao thông. Tăng cường kiểm tra và xử lý các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô vi phạm điều kiện kinh doanh; xử phạt với mức cao nhất lái xe vi phạm về tốc độ lưu thông, tránh, vượt, đón trả khách trái quy định, lưu thông sai làn đường, chở quá số người cho phép… Khẩu hiệu “nói không với rượu bia” khi lái xe xuất hiện trên nhiều bảng quảng cáo điện tử được đặt trên các tuyến đường trong thành phố. Năm 2012, Dak Lak được Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới (Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam) tài trợ 1,6 tỷ và ngân sách địa phương phân bổ 400 triệu đồng để khắc phục các điểm mất an toàn giao thông. Thời gian tới, ngành Giao thông tỉnh sẽ tiến hành sửa chữa những đoạn đường hư hỏng, phối hợp với các cơ quan chức năng lắp đặt thêm hệ thống biển cảnh báo, sơn gờ giảm tốc, biển hạn chế tốc độ…

Nhiều câu hỏi dư luận sẽ đặt ra để chất vấn ngành chức năng trước những vụ TNGT kinh hoàng xảy ra thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Nhiều bài học, thông điệp cũng được truyền đi từ những vụ tai nạn ấy. Có một điều phải khẳng định rằng kết quả kiềm chế TNGT sẽ khó vững chắc nếu thiếu sự cộng đồng trách nhiệm của tất cả mọi người. Giải pháp hiệu quả, bền vững, lâu dài vẫn là ý thức chấp hành pháp luật của mỗi công dân khi tham gia lưu thông trên đường.

Đàm Thuần – Lan Anh – Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc