Multimedia Đọc Báo in

Hồi chuông từ những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng

22:16, 25/05/2012

 

Liên tiếp những vụ TNGT thảm khốc xảy ra trên địa bàn tỉnh, nỗi đau và sự ân hận, nuối tiếc khôn nguôi đối với những người trong cuộc. Hồi chuông cảnh báo lại vang lên, riết róng và khẩn thiết…

Kỳ I: Quốc nạn

Còn nhớ, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) toàn quốc quý I-2012, một vị lãnh đạo ngành đã chua xót thốt lên rằng: tai nạn giao thông (TNGT) đã trở thành quốc nạn. Dám chắc rằng, không phải một lần và càng không phải là lần đầu tiên được nghe điều này nhưng ai cũng “sốc”, bàng hoàng, đặc biệt khi hiểm họa TNGT vẫn thường trực mỗi ngày, trên mỗi cung đường và không vị nể bất cứ một ai…

Con số...

Không “sốc” sao được khi TNGT là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và thương tật ở Việt Nam. Ước tính, trung bình mỗi năm có hơn 10 triệu người chết và hàng chục triệu người khác bị thương vì TNGT đường bộ. Trên địa bàn tỉnh Dak Lak, trong các năm gần đây, trung bình mỗi năm xảy ra hơn 300 vụ TNGT, làm chết trên 300 người. Sau những chuyển biến tích cực năm 2011 và 3 tháng đầu năm 2012, Dak Lak là một trong 10 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ biểu dương về công tác bảo đảm ATGT thì từ tháng 4 đến nay, bức tranh ATGT của tỉnh bao phủ một màu xám. Theo thống kê của Công an tỉnh, từ đầu tháng 1 đến ngày 22-5-2012, toàn tỉnh đã xảy ra 94 vụ TNGT, làm chết 139 người, bị thương 75 người. Riêng tháng 1, toàn tỉnh có trên 10 nghìn trường hợp vi phạm trật tự ATGT. Tháng 4, tình hình TNGT diễn biến phức tạp và tăng trên cả 3 tiêu chí. Chỉ tính riêng về giao thông đường bộ, toàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ tai nạn, làm chết 22 người, bị thương 13 người, hư hại 2 xe ô tô và 18 xe môtô (tăng 5 vụ, 6 người chết và 6 người bị thương so với tháng 3-2012). Trong đó, nguyên nhân do đi không đúng phần đường 9 vụ, không chú ý quan sát 4 vụ, chuyển hướng không bảo đảm an toàn 2 vụ và các lỗi khác 3 vụ. Một con số thống kê từ ngày 25-4 đến 1-5 cũng cho thấy, trên địa bàn tỉnh trung bình mỗi ngày có 623 trường hợp vi phạm luật giao thông, trong đó, vi phạm không đội mũ bảo hiểm 373 trường hợp, vi phạm về nồng độ cồn 19 trường hợp, xe khách chở quá số người quy định 70 trường hợp.


Một vụ tai nạn giao thông tại khu vực rừng thông xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột.
Một vụ tai nạn giao thông tại khu vực rừng thông xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột.

Các địa bàn thời gian qua đã xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng gồm: TP. Buôn Ma Thuột; các huyện: Ea Kar, M’Drak, Buôn Đôn, Krông Ana và Buôn Hồ. Cụ thể như chỉ trong 3 ngày (từ ngày 9 đến 11-5-2012), trên địa bàn xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn đã xảy ra hai vụ TNGT nghiêm trọng làm 2 người tử vong ngay tại hiện trường; huyện Krông Ana, ngày 8-4, tại Km10+300, Tỉnh lộ 2 đoạn đi qua địa bàn xã Ea Na, vụ TNGT giữa hai xe môtô BKS 47K3 – 1125 và BKS 47K4- 1268 làm 3 người chết; cũng trên địa bàn Krông Ana, ngày 6-5, một vụ tai nạn giữa hai xe máy “kẹp 3” đấu đầu, 2 người chết, 4 người bị thương; ngày 4-4 tại địa bàn thị xã Buôn Hồ, xe ôtô tải mất thắng tông liên hoàn làm 3 người chết, 6 người bị thương nặng.

... và nỗi đau

Con số thì vô cảm nhưng hậu quả để lại là nỗi đau khôn nguôi cho những người đang sống. Những người chứng kiến vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào khoảng 6 giờ 30 phút, ngày 23-5-2012, tại ngã tư đường Lý Tự Trọng - Lý Thái Tổ, TP. Buôn Ma Thuột không ai cầm được nước mắt. Xe môtô BKS 47F5 - 6312 do chị Lê Thị Thu Nguyệt (SN 1979), quê ở huyện Sông Cầu (Phú Yên), trú tại đường Giải Phóng (TP. Buôn Ma Thuột) điều khiển, trên xe chở theo 2 con là: Nguyễn Thị Thanh Ngân (SN 2006) và Nguyễn Thị Thanh Thư (SN 2009). Khi xe môtô chạy đến địa điểm nêu trên thì xảy ra tai nạn với xe ôtô BKS 47K - 8235 do anh Võ Quốc An (SN 1981), thường trú tại thôn 8, xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) điều khiển. Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của hai cháu nhỏ, còn người mẹ bị thương nặng. Người bố khi đến hiện trường, đau xót đỉnh điểm trước một sự thật quá phũ phàng. Nước mắt và cả đôi chân run rẩy không thể trụ vững của người đàn ông ấy như xé lòng những người chứng kiến. Một sự mất mát tinh thần quá lớn không gì bù đắp nổi.

Và một hồi chuông được đánh đổi bằng 34 sinh mạng trong vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tối 17-5 tại cầu 14 trên sông Sêrêpôk, dù biết quá thảm khốc, bàng hoàng, không muốn đề cập nhưng sự thật vẫn là sự thật, chỉ mong sẽ đủ thức tỉnh, cảnh báo mỗi người khi tham gia giao thông, tuân thủ pháp luật để bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng. Một bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đơn vị trực tiếp tham gia cấp cứu chạy chữa cho hầu hết nạn nhân đã khóc: “Tiếng xe cứu thương - làm bác sĩ chẳng còn gì xa lạ, nhưng chưa bao giờ lại khẩn cấp, hối hả đến như thế, một cảnh tượng đau thương chất chồng đau thương chưa từng thấy ở đây. Đêm trắng trong bệnh viện là chuyện thường tình nhưng đêm ấy bệnh viện trắng trong nước mắt...”. Vụ tai nạn đã khiến bao đứa trẻ bỗng chốc mồ côi, những ông bố bà mẹ mất con trong phút chốc. Đó là tình cảnh thương tâm của bé Lê Thị Ngọc Trâm (5 tuổi) ở buôn A, xã Ea Yông (Krông Pak); 3 anh em ruột Ven Gia Chung (12 tuổi), Ven Thị Mỹ Liên (11 tuổi) và Ven Thị Mỹ Ngọc (4 tuổi) ở thôn 6, xã Ea Lai (M’Drak) vĩnh viễn mất đi cả cha lẫn mẹ. Các em còn quá nhỏ để cảm nhận hết nỗi đau mất mát đột ngột này nhưng sự thiếu thốn tình cảm cũng như thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người sinh thành sẽ theo các em suốt chặng đường dài. Chuyến xe định mệnh tối ngày 17-5 ấy cũng đã cướp đi đứa con gái duy nhất mới 19 tuổi hiện đang là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Kiến trúc (TP. Hồ Chí Minh) và đẩy chị Nguyễn Thị Tâm ở thôn 5, xã Ea M’Hlay (huyện M’Drak), vốn đã sống cảnh mẹ góa con côi giờ càng thêm đơn độc.

Chẳng thể diễn tả hết được, biết bao vụ TNGT nghiêm trọng là ngần ấy cấp số nhân nỗi đau cho người ở lại...

Năm An toàn giao thông 2012 – Thông điệp “SOS”

TNGT đã và đang trở nên nghiêm trọng, gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Ngày 1-3-2010, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã đưa ra Nghị quyết số A64/266 về “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ 2011-20

20”. Là quốc gia thành viên, Việt Nam đã hưởng ứng bằng chiến lược ATGT đường bộ quốc gia năm 2011-2020, tầm nhìn 2030, đồng thời chọn năm 2012 là “Năm An toàn giao thông”. Khẳng định sự cấp thiết, quan trọng của vấn đề bảo đảm ATGT, khi phát biểu để trực tiếp gửi đi thông điệp “Năm An toàn Giao thông Quốc gia 2012”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “TNGT và ùn tắc giao thông đang là một vấn đề bức xúc của xã hội... Giảm TNGT và ùn tắc là trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta. Chúng ta cùng nhau có trách nhiệm với chính mình, với gia đình người thân bạn bè và toàn xã hội. Mà hành động mỗi người trong chúng ta có thể làm ngay đó là chấp hành nghiêm pháp luật về đảm bảo trật tự và ATGT”.


Những vụ tai nạn thảm khốc để lại nỗi đau xé lòng cho người ở lại.
Những vụ tai nạn thảm khốc để lại nỗi đau xé lòng cho người ở lại.

Với việc xác định năm 2012 là “Năm An toàn giao thông”, thông điệp SOS về một vấn đề nhức nhối mang tính quốc gia đã được khẳng định. Đây cũng là dấu mốc năm đầu tiên mà Chính phủ, các cấp chính quyền, các ngành tập trung thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT với phương thức chủ yếu là: tuyên truyền đi đôi với cưỡng chế thực hiện các quy định của pháp luật, nhằm từng bước nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Mục tiêu được đặt ra là giảm từ 5 đến 10% số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương; giảm 20% ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn năm 2012. Theo đó, ở nhiều địa phương, cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc, áp dụng nhiều hình thức biện pháp đồng bộ, sáng tạo; các bộ ngành Trung ương sâu sát trong chỉ đạo điều hành, ban hành nhiều quy định mới thể hiện quyết tâm lập lại trật tự kỷ cương, bảo đảm ATGT.

Với Dak Lak, ngoài việc tổ chức lễ phát động ở các địa phương, các đơn vị chức năng với sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội, Kế hoạch hành động “Năm An toàn giao thông 2012” được Ban An toàn giao thông tỉnh ban hành trên cơ sở xác định 6 nhiệm vụ đột phá, với những mục tiêu cụ thể như: giảm tối thiểu từ 5 % - 10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương; xây dựng lộ trình và triển khai xóa cơ bản các điểm mất an toàn về giao thông.

Sự quyết liệt của các cấp từ Trung ương đến địa phương đã thể hiện cái nhìn nghiêm túc, không thể lơ là trước vấn đề TNGT đã được coi là quốc nạn ở Việt Nam.

Đàm Thuần - Lan Anh - Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc