Multimedia Đọc Báo in

Lách Ló với niềm vui vừa chớm

14:03, 26/05/2012

Buôn Lách Ló, xã Nam Ka (huyện Lak) nằm tách biệt trong rừng, nơi đây sinh sống chủ yếu là đồng bào Êđê, M’nông, đời sống còn nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng hạn chế. Dự án định canh, định cư đang được Nhà nước đầu tư đã đem đến tín hiệu vui về sự đổi đời của người dân trong buôn.

Từ một Lách Ló trăn trở...

Khi biết chúng tôi có ý định vào thăm Lách Ló, một người dân địa phương khuyên nên mang theo mì tôm, nước uống dự phòng vì phải đi hơn 10 km đường rừng hiểm trở. Quả thật, đường vào buôn khó hơn chúng tôi tưởng tượng: một lối mòn chìm khuất giữa hai bên cây cối rậm rạp, đường trơn như mỡ và lởm chởm những tảng đá chắn ngang. Khi đi qua cây cầu tạm bằng gỗ bắc qua con suối đầu tiên thì chiếc xe máy của chúng tôi bị “sa lầy”, phải nhích từng bước một, khó khăn lắm mới qua được. Người dẫn đường cho biết, phải vượt qua mấy quả đồi, 5 con suối và 3 cây cầu nữa mới tới nơi.

Dù  cuộc sống  còn nghèo, trẻ em buôn Lách Ló  vẫn không quên  cái chữ.
Dù cuộc sống còn nghèo, trẻ em buôn Lách Ló vẫn không quên cái chữ.

Mất gần 2 tiếng đồng hồ cả đoàn mới vào đến nơi. Đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là ngôi làng nằm biệt lập, bốn bề được bao bọc bởi những ngọn núi. Mấy chục căn nhà nằm san sát, phần lớn trống không vì chẳng có vật dụng gì đáng giá. Người dân ở đây 100% là hộ nghèo, sống chủ yếu nhờ trồng mỳ, ngô trên rẫy, thu hoạch thì bấp bênh nên cái đói luôn hiện hữu. Vài hộ nhiều rẫy nhưng nông sản làm ra không bán được vì đường sá cách trở nên vẫn chỉ đủ ăn. Không những thế, ở đây không có điện, tất cả các hộ phải dùng đèn dầu, tối đến cả buôn thường đi ngủ sớm. Nước sinh hoạt cũng thiếu, mấy hộ phải dùng chung một cái giếng đào. Xa trung tâm nên không có chợ, ngày nắng còn có người đem rau, cá khô vào bán, mưa đến có khi mắm, muối hết cũng không thể đi mua. Ama Linh là một trong những hộ nghèo nhất buôn, nhà có 9 người con mà chỉ trông chờ vào mấy sào rẫy, cuộc sống quanh năm túng bấn, dù đã quen với nghèo khổ, thiếu thốn, nhưng Ama Linh cũng như mọi người sợ nhất là đau ốm, vì không có trạm y tế nên mỗi khi đau ốm rất vất vả, nhất là vào mùa mưa, cả buôn bị nước chia cắt với bên ngoài, ai bị bệnh phải khiêng bằng võng đi tắt qua rừng hoặc đi bằng thuyền nhỏ qua xã khác mới đến được nơi điều trị.

Thầy giáo Nguyễn Văn Mười được phân công vào dạy học tại điểm Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng buôn Lách Ló chia sẻ: Cơ sở hạ tầng ở đây gần như chưa có gì ngoài hai phòng học mới được thưng bằng gồ năm 2010. Cả buôn có hơn 100 em trong độ tuổi đến trường, nhưng không có lớp mẫu giáo, các em từ lớp 3 phải ra trung tâm xã học xa hơn 10 km. Từ trước đến nay, cả buôn mới chỉ có một em học hết THPT hệ bổ túc.

Đến tín hiệu vui từ một dự án

Để ổn định cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nơi đây, ngày 3-9-2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2338/QĐ-UBND, về việc phê duyệt Dự án thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ buôn Lách Ló trên diện tích 970,3 ha tại 3 tiểu khu 1288: 1296 và 1306 thuộc rừng Nam Ka, với tổng số vốn đầu tư 53, 709 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, giao cho UBND huyện Lak làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ 2010 - 2015. Theo đó, mỗi hộ dân được bố trí 800 m2 đất ở để dựng nhà, công trình phụ và chuồng trại chăn nuôi. Cùng với cơ sở hạ tầng đường giao thông sẽ được xây dựng từ ngã 3 xã Ea R’bin đến khu dân cư, dài gần 11 km theo tiêu chuẩn nền đá dăm, mặt láng nhựa; công trình thủy lợi trên suối Dak Ea Bông; hệ thống cấp nước tự chảy tập trung; hệ thống lưới điện gồm trạm biến áp, đường trung, hạ thế; phòng học mẫu giáo đạt chuẩn, 2 phòng học tiểu học, 2 nhà nội trú cho giáo viên; bố trí tủ thuốc và hỗ trợ thêm 1 cán bộ y tế; nhà sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân… Đồng bào nơi đây đang khấp khởi vui mừng vì với dự án này, cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm ở đây sẽ được xây dựng đồng bộ, góp phần cải thiện đời sống mọi mặt cho người dân Lách Ló.

Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên việc triển khai thực hiện dự án đang gặp nhiều khó khăn. Năm nay, UBND huyện Lak bố trí 12 tỷ đồng để làm đường giao thông vào buôn Lách Ló và đã thi công xong phần nền đường. Già Y Phui tâm sự: “Cả đời đã nghèo rồi, nghe nói Nhà nước đầu tư dự án mình vui lắm. Rồi đây, con cháu mình sẽ không còn phải quanh quẩn với đói nghèo trên nương rẫy”. Còn Trưởng buôn Y Win thì tràn trề hy vọng: sau khi con đường hoàn thành, Lách Ló sẽ không còn là “ốc đảo” tách biệt với thế giới bên ngoài, người dân đi lại thuận lợi hơn, củ mì, hạt ngô làm ra có thể bán được, bọn trẻ sẽ không còn phải nghỉ học sớm. Ông Y Wang Brung, Chủ tịch UBND xã Nam Ka thì thực tế hơn: sau khi có đường giao thông, các công trình hạ tầng và phúc lợi khác sẽ được Nhà nước đầu tư xây dựng. Bà con trong buôn đang mong chờ dự án sớm hoàn thành…

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc