Nóng bỏng nạn phá rừng làm rẫy ở xã Cư M’lan (Ea Súp)
Nhiều năm nay, rừng Ea Súp luôn phải chịu nhiều áp lực do dân di cư tự do phá rừng để lấy đất sản xuất, đất ở. Điểm nóng về phá rừng hiện nay là tại các tiểu khu 265 và 271 thuộc xã Cư M’lan (Ea Súp) do Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Cư M’lan quản lý.
Rừng giao khoán tại xã Cư M’lan, huyện Ea Súp bị phá trụi. |
Từ những năm 1990, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào tiểu khu 265 và 271 cư trú, phá rừng làm rẫy. Đến năm 1998, sau nhiều lần thuyết phục, tuyên truyền để ngăn chặn người dân phá rừng không có kết quả, không còn cách nào để di dời dân ra khỏi rừng nên huyện Ea Súp đành phải lập dự án đầu tư quy hoạch một thôn mới là thôn Bình Lợi, tạo điều kiện cho khoảng 300 hộ dân di cư tự do được định canh định cư. Thế là người dân ở đây nghiễm nhiên được hợp thức hóa số đất đai do phá rừng mà có. Trưởng thôn Bình Lợi là bà Bàn Diệu Kỳ An có hơn 10 ha đất sản xuất; còn đa số các hộ ở thôn Bình Lợi đều có từ 1-2 ha trở lên. Theo bà Lương Thị Pón, một người dân trong thôn cho biết toàn bộ diện tích rẫy mà gia đình hiện có hơn 2 ha là mua lại của các hộ đã phá trước đây nhưng thực chất là do gia đình phá rừng mà có. Ở đây mỗi ha đất rừng đã khai hoang được rao bán là 20 triệu đồng. Đây là một số tiền quá lớn đối với dân di cư tự do, nhưng hộ nào cũng đều nói là mua của người đến trước (!) Từ đầu năm 2012 đến nay, UBND xã Cư M’lan đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện được 50 hộ dân đã phá trắng và lấn chiếm 150 ha rừng ở các tiểu khu 265, 271 do công ty Cư M’lan quản lý. Các đối tượng này chủ yếu là người dân ở thôn 19, xã Ea Lê. UBND xã Cư M’lan cũng đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các nhà tạm, lán trại và phá bỏ các loại cây trồng trái phép trên diện tích phá rừng mà có được; đồng thời vận động bà con không phá rừng trái phép nhưng sự việc dường như không có gì chuyển biến. Hằng ngày rừng vẫn bị phá, bị đốt để chuẩn bị cho mùa gieo trỉa sắp tới và theo đó là rất nhiều những mái nhà tạm làm bằng gỗ, tranh tre và lều bạt liên tục được dựng lên. Ngoài ra, sau khi thành lập thôn Bình Lợi, một con đường cấp phối rộng 8m, dài 24km đã được mở, nối trung tâm huyện Ea Súp đến thôn Bình Lợi và đến một số xã của huyện Cư M’gar và huyện Ea H’leo. Xem ra, cùng với sự thuận tiện trong giao thông của bà con và phù hợp với việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới thì tình trạng phá rừng nơi này đang diễn ra mỗi ngày một khốc liệt hơn.
Xuân Hòa
Ý kiến bạn đọc