Multimedia Đọc Báo in

Trong “bóng đêm” Buôn Ma Thuột

09:15, 25/05/2012

Kỳ 2: Dặm trường... dấn thân

Đến nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường… phục vụ cho “thượng đế” là chấp nhận dấn thân, vì thế hầu hết các cô gái làm việc ở đây đều phải đáp ứng hết thảy những yêu cầu của ông chủ. Đó là luật bất thành văn bởi chẳng bao giờ được ghi trong văn bản hợp đồng lao động (nếu có), mà chỉ ngầm hiểu thông qua cung cách hành xử theo “luật chơi” đặt ra của từng chốn mua vui. Bằng không, “ba bảy, hăm mốt ngày” là phải… xách gói ra đi.

P. là cô gái tôi đã gặp và có dịp làm quen trong một cuộc “hội đào”, đến giờ vẫn còn ấm ức: mới “chân ướt, chân ráo” từ vùng quê Ninh Hòa - Khánh Hòa lên Buôn Ma Thuột làm một chân chạy bàn trong khách sạn NT đúng 15 ngày thì không chịu nổi, phải cậy đến D. “bố già” xin làm nơi khác. Tôi hỏi vì sao? P. kể: “Ác lắm anh à! Làm việc ở chỗ đó, họ ăn trên mồ hôi, nước mắt của mình mà không một chút động tâm”. Trong hợp đồng của khách sạn này thỏa thuận với cô là lương tháng đầu tiên 1,2 triệu đồng. Thời gian làm việc từ 4 giờ chiều đến 21 giờ đêm với công việc chạy bàn phục vụ thực khách. Đến kỳ lĩnh lương (một tháng 2 kỳ), không những không có đồng nào, mà P. còn “âm” gần 200 nghìn. Hỏi ra mới biết bị nhân viên chấm công phạt nhiều khoản: không mặc đồng phục (mới vào làm có đồng phục đâu mà mặc – P. giải thích), khách phàn nàn vì không “hết mình”, thậm chí bị phạt do… mặc áo ngực không hợp với màu áo ngoài (!)


Nhà hàng, khách sạn  nào  cũng có  tiếp viên nữ  để  thu hút khách.  (Hình ảnh  chỉ có  tính chất minh họa)
Nhà hàng, khách sạn nào cũng có tiếp viên nữ để thu hút khách. (Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Những cô gái có thâm niên ở đây khuyên P. nên “biết điều” một chút. Chẳng hạn, khi được gọi ngồi phục vụ khách, có tiền boa thì nên san sẻ cho “tổng quản” để còn được sủng ái cho những lần sau. Chiêu thức lấy lòng bề trên này đối với những cô gái vào nghề trước và có kinh nghiệm thường được sử dụng như một phương tiện để đạt mục đích của mình. Ng. là một trong những cô gái phục vụ tại nhà hàng AH đã hơn ba năm nay không ngần ngại tâm sự: Nhiều khi phải hiến thân cho ông chủ, hay đám cai quản trong nhà hàng trước khi phục vụ cho các “thượng đế” có nhu cầu. Tất nhiên, nhờ sự đánh đổi ấy, Ng. luôn nhận được sự “sủng ái” hơn những cô gái khác. Mỗi khi nhà hàng có khách, đặc biệt là khách “VIP”, cô được phân công phục vụ với mức tiền boa hậu hĩnh. Hơn ba năm dấn thân trong chốn phồn hoa ấy, Ng. nhận ra bao nỗi cay đắng là không một cô gái nào còn giữ được trinh nguyên khi vào nghề sau vài tháng đua chen. Hoàn cảnh, thân phận của Ng. cũng lăn theo “vết xe đổ” của đàn chị đi trước là phải “nhúng chàm” rồi mới khôn lên.

Lời Ng. tâm sự quả thật ê chề! Mới xấp xỉ tuổi đôi mươi, mang ước vọng vào đời với cái nghề chân chính đàng hoàng. Cô gái người Quảng Bình này vào Dak Lak theo học ngành kế toán ở  một trường trung cấp nghề Buôn Ma Thuột. Buổi đi học, buổi đi làm, những mong kiếm thêm đồng tiền trang trải cuộc sống nơi đất khách, quê người. Nào ngờ bước chân vào trong “bóng đêm” đầy rẫy hư ảo và cạm bẫy đã khiến Ng. nhanh chóng gục ngã. Kẻ vô lương là ông chủ một nhà hàng giàu có, lắm lời đường mật và hứa hão… Sau hơn sáu tháng làm trong nhà hàng AH, cô gái xinh đẹp này mất hết, phải bỏ học quay về đầu quân cho một “má mỳ” trên đường Nguyễn Tri Phương - Buôn Ma Thuột. Dù mất hết, nhưng đổi lại Ng. trở nên dày dạn, bản lĩnh hơn nhiều. Trò chuyện với tôi, gương mặt cô gái tuổi 23 này hình như không còn cảm xúc gì khi chạm phải những điều tế nhị nhất. Ng bảo: “Con bé P. ấy à, cuối cùng rồi sẽ đâu vào đấy hết. Nó bỏ khách sạn BM đi nơi khác cũng vậy thôi, “chạy đâu cho khỏi nắng”! Cứ chịu khó “chìu” chúng nó một chút là xong. Mất gì của mình đâu, mà còn gì để mất cơ chứ…”. Tôi hỏi Ng. việc quản đốc khách sạn NT phạt và trừ tiền P. một cách vô lý như vậy có đáng không? Cô gái không ngần ngừ xổ toẹt: “Úi dào, đứa nào đèm đẹp mới vào làm mà không gặp phải tình huống đó. Chúng nó đòi tình, đòi tiền đấy… đưa “cái máng” cho nó vục mặt vào là êm ngay thôi mà”. Như để chứng minh cho những điều mình nói, Ng. gọi thêm một số “đồng nghiệp” của mình nữa vào ngồi chung phòng cùng tôi và mấy anh bạn, rồi bất ngờ cởi hết nội y ra để tiếp khách. Vừa uống, vừa nghiêng ngã nói cười, những cô gái “không còn gì để mất” tỏ ra châm biếm, thách thức: bây giờ anh cứ gọi ông K “tổng quản” của khách sạn này vào xem thử có phạt bọn em hay không. Có cho kẹo ông cũng không dám…?! Tôi hiểu, dù họ không nói “tuốt tuồn tuột” bản chất vấn đề, nhưng ai cũng biết đằng sau đó là chuyện gì đã xảy ra. Các cô gái chân dài ở đây đã “cúng cả oản lẫn xôi” cho ông chủ và cả đám quản lý khách sạn để được có cơ hội kiếm tiền.

Thêm nữa, để có cơ hội đó, nhiều cô gái mà tôi đã gặp còn có tình cảnh éo le hơn nhiều. Họ tránh được sự o ép, cám dỗ từ phía công việc mình làm, thì cũng không dễ gì thoát thân được từ sự rắp tâm “tận thu” của các “ông trùm”, “má mỳ”- nơi nhiều cô gái cam tâm gửi gắm thân phận của mình cho họ chăn dắt. Cô gái tên M. là một trong những nạn nhân của sự rắp tâm đó. Từ Bình Thuận lên Buôn Ma Thuột nương nhờ trong “động bàn tơ” của bà H. “puma”, trước khi nhờ “má mỳ” này tìm cho một công việc, thì đã bị dụ dỗ, ép buộc bán thân cho khách làng chơi đến vài lần. Và với đường dây của D. “bố già” cũng vậy: kinh doanh trên thân xác các cô gái có nhan sắc, nhưng lỡ “lầm đường, lạc lối” - là cơ hội mà “ông trùm” này không dễ dàng bỏ qua. Khá nhiều cô gái nhập hội của D. bị bán, hoặc bị cưỡng bức để bù lại cho khoản tiền “đóng thân” mà họ chưa kịp nộp. Từ những dồn nén ấy đã đẩy các cô gái-là nạn nhân của những toan tính tiền bạc và xác thịt đi đến chỗ bất cần, chai lỳ hơn trong “cơn khát” kiếm tiền nhằm bù lại những gì mình đã mất…

Phương Bối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.