Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana: Đồng hành cùng nông dân

10:30, 05/05/2012

Nông dân chưa muốn học nghề, đến tận nhà vận động; nông dân không có thời gian đến lớp, xuống tận cơ sở mở lớp; nông dân lúng túng trong việc tiếp thu, áp dụng bài học, giáo viên cầm tay chỉ việc… Đó là cách đào tạo nghề hiệu quả của Trung tâm Dạy nghề (TTDN) huyện Krông Ana, góp phần tích cực giúp nông dân nâng cao năng lực sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả.

Hiệu quả học nghề

Nhiều năm liền chăm chỉ canh tác 4 sào cà phê, 3 sào lúa nhưng thu nhập cũng chỉ đủ để vợ chồng anh Đoàn Xuân Thu (thôn 4, xã Bình Hòa) chi tiêu và nuôi con ăn học. Được cán bộ TTDN huyện xuống địa phương tuyên truyền, vận động, anh quyết định tham gia học “thử” nghề trồng nấm. Sau 3 tháng học nghề, gia đình anh tận dụng nguồn rơm sẵn có gây dựng một trại trồng nấm rơm và hơn 1 tháng sau đã thu lại trên 2 triệu đồng vốn đầu tư ban đầu. Nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ mô hình này, vợ chồng anh mạnh dạn phá bỏ 4 sào cà phê già cỗi, năng suất thấp, vay mượn thêm vốn đầu tư làm 4 trại nấm. Theo tính toán của anh, mỗi tháng, một trại cho thu hoạch bình quân 40 kg nấm rơm, với giá bán từ 60.000 – 100.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi gần 2 triệu đồng. Anh Thu cho biết, ban đầu gia đình anh cũng lúng túng khi áp dụng những kiến thức học vào thực tế sản xuất, nhưng được cán bộ Trung tâm xuống tận nơi “cầm tay chỉ việc” nên đã thực hiện thành công. Nếu như trước đây rơm chỉ dùng làm nguồn thức ăn chăn nuôi, số còn lại thường đốt đi rất lãng phí thì nay nông dân lại tận thu để trồng nấm. Cũng theo anh Thu, nghề trồng nấm rất phù hợp với điều kiện của người lao động ở nông thôn bởi không chỉ tận dụng được nguồn rơm, lao động sẵn có của gia đình mà còn dễ làm, nhanh quay vòng vốn. Anh Thu dự định trong thời gian tới sẽ mở rộng quy mô sản xuất lên từ 8-10 trại nấm bởi đầu ra của sản phẩm này khá ổn định, giá cả lại cao.

    Nghề trồng nấm rơm được nhiều nông dân quan tâm học hỏi  kỹ thuật.
Nghề trồng nấm rơm được nhiều nông dân quan tâm học hỏi kỹ thuật.

Chị H’Blim Êban là người đầu tiên ở buôn Năl (xã Ea Bông) tham gia lớp học trồng nấm. Sau khi học xong, chị áp dụng trồng thử 80 khuôn nấm trên diện tích 70 m2. Với số tiền bỏ ra ban đầu 2,5 triệu đồng dùng để dựng lều, mua giống, vôi, thuốc bảo vệ thực vật, sau hơn 1 tháng, gia đình chị đã thu hồi vốn. Đến thời điểm này, bình quân mỗi tháng chị thu trên 3,5 triệu đồng tiền bán nấm. Chị H’Blim nói: “Trước đây, gia đình tôi chỉ làm ruộng, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn lắm, hằng ngày phải đi mò ốc, nhặt ve chai bán… Khi được Trung tâm dạy nghề trồng nấm, lại cử cán bộ xuống tận nhà hướng dẫn tôi nắm vững kỹ thuật và xây dựng mô hình hiệu quả, giúp gia đình trả được vốn vay đầu tư và có thêm điều kiện lo cho con”.

Hai năm trước gia đình chị H’Mắt Buôn Krông ở buôn H’Lớt (xã Ea Bông) nằm trong diện nghèo của xã bởi ruộng ít, đông con lại không biết tính toán làm ăn. Nhờ được học lớp chăn nuôi thú y, chị H’Mắt đã mạnh dạn áp dụng vào sản xuất vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 10 con lợn, 100 con gà và 2 con bò về nuôi. Chăn nuôi đúng kỹ thuật đã đem lại thu nhập khá, giúp gia đình chị cải thiện cuộc sống và thoát nghèo…

Đồng hành cùng nông dân

Từ 8 lớp với 4 ngành nghề đào tạo, thu hút 254 học viên tham gia vào năm 2008, đến năm 2010 TTDN huyện Krông Ana đã mở rộng quy mô lên 19 lớp đào tạo các nghề may dân dụng công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi thú y, dệt thổ cẩm, sửa chữa xe gắn máy cho 578 học viên, trong đó có 375 học viên người dân tộc thiểu số. Nói về phương thức đào tạo nghề, bà Đinh Thị Danh, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Từ năm 2009, chương trình đào tạo của Trung tâm không những được mở rộng mà còn đi vào chiều sâu, đáp ứng đúng nhu cầu thực tế từng bộ phận nông dân và theo nhu cầu của mỗi địa phương. Sau khi khảo sát thế mạnh của từng vùng, cán bộ Trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu, lao động địa phương”. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, một mặt các giáo viên của Trung tâm tích cực học hỏi theo kịp tiến bộ khoa học – kỹ thuật, tự nghiên cứu và đổi mới giáo án đào tạo theo từng thời điểm nhằm mang lại hiệu quả cao. Mặt khác, Trung tâm cũng tăng cường liên kết với các giảng viên ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để truyền đạt kiến thức cho học viên. Nắm bắt thực tế các học viên có độ tuổi, giới tính, trình độ khác nhau nên khả năng tiếp thu kiến thức không đồng đều, Trung tâm đã xây dựng phương pháp đào tạo đa dạng để mang lại hiệu quả. Không chỉ dạy lý thuyết, Trung tâm còn trực tiếp xây dựng mô hình, thành lập Tổ sản xuất để học viên thực hành, sau đó, phân công từng giáo viên phụ trách địa bàn cụ thể có trách nhiệm hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” cho đến khi nông dân áp dụng thành công nghề đã học. “Các cán bộ, giáo viên của Trung tâm không hề ngại khó, sẵn sàng vượt đoạn đường dài 15 - 20 km đến từng địa phương để vận động bà con đi học. Trường hợp nông dân không có thời gian học tập trung ở Trung tâm thì chúng tôi về tận địa bàn mở lớp”, bà Danh khẳng định.

Tính từ năm 2008 đến nay, TTDN huyện Krông Ana đã tổ chức được 46 lớp dạy nghề cho 1.248 học viên, trong đó có trên 60% học viên thuộc diện hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Để tạo việc làm cho người lao động, Trung tâm chủ động xây dựng 23 mô hình điểm về các nghề trong chương trình đào tạo tại các thôn, buôn. Nhờ vậy, đã có khoảng 80-90% học viên áp dụng hiệu quả các nghề đã học, nổi bật là mô hình trồng nấm rơm và sửa chữa xe gắn máy. Phần lớn các học viên lớp trồng nấm tự mở cơ sở sản xuất theo hộ hoặc nhóm hộ, tạo việc làm cho 8-10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 2-4 triệu đồng/tháng. Các học viên lớp sửa chữa xe gắn máy đã liên kết thành lập tổ, nhóm để mở cơ sở dịch vụ tại thôn, buôn.

Để thực hiện hiệu quả Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, TTDN huyện Krông Ana mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa, nhất là việc ưu tiên bố trí kinh phí đào tạo nghề và đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc