Multimedia Đọc Báo in

Xã hội hóa cơ sở đào tạo lái xe:Góp phần nâng cao chất lượng, an toàn giao thông

10:20, 11/05/2012

Để đáp ứng nhu cầu học lái xe ngày càng đông của người dân địa phương, công tác xã hội hóa (xhh) cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh đang được chú trọng đầu tư nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ lái xe cũng như cung ứng nguồn nhân lực cho ngành vận tải.

Tập lái xe tại Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Việt Mỹ (TP. Buôn Ma Thuột).
Tập lái xe tại Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Việt Mỹ (TP. Buôn Ma Thuột).

Theo thống kê của Sở GTVT, hiện toàn tỉnh có 5 cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe được xây dựng theo hình thức XHH gồm: Trường Trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên, Trường Trung cấp nghề Việt Mỹ, Trường Trung cấp Kinh tế-công nghệ Tây Nguyên, Trung tâm dạy nghề cơ giới Thành Luân và Bảo An. Trong đó, một trong những cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe đầu tiên được xây dựng theo hình thức XHH trên địa bàn tỉnh phải kể đến là Trường Trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên (TP.Buôn Ma Thuột), với 1 trung tâm sát hạch lái xe cơ giới loại I cấp quốc gia, 2 trung tâm đào tạo lái xe tại huyện Ea Kar và thị xã Buôn Hồ. Riêng trung tâm sát hạch lái xe loại I được đầu tư trên 20 tỷ đồng, với cơ sở hạ tầng như sân tập lái, sân sát hạch có hệ thống chấm điểm tự động tiên tiến, với khoảng 130 đầu xe các loại…, đủ điều kiện sát hạch lái xe các hạng B, C, D và E, lưu lượng đào tạo khoảng 1.000 học viên. Tương tự, Trường Trung cấp nghề Việt Mỹ (TP. Buôn Ma Thuột) cũng đầu tư trên 28 tỷ đồng xây dựng trung tâm sát hạch lái xe cơ giới loại II quốc gia, với hệ thống nhà điều hành được bố trí đầy đủ các phòng ban từ phòng hội đồng sát hạch, phòng sát hạch lý thuyết, phòng tiếp nhận, xử lý hồ sơ và các thiết bị báo lỗi, chấm điểm tự động được kết nối với phòng điều hành tổng hợp, bảo đảm chấm điểm một cách vô tư, chính xác. Cùng với đó, trường còn đầu tư mua sắm 40 xe ô tô phục vụ cho việc dạy và học, trong đó có 6 xe sát hạch hạng B2, 2 xe hạng C. Bên cạnh đó, Trung tâm dạy nghề cơ giới Thành Luân (xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột) cũng đầu tư trên 7 tỷ đồng để xây dựng cơ sở đào tạo lái xe, với lưu lượng 420 học viên…

Xe tập lái của Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới Việt Mỹ (TP. Buôn Ma Thuột)
Xe tập lái của Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới Việt Mỹ (TP. Buôn Ma Thuột)

Ông Trịnh Hữu Kiệm, Trưởng phòng vận tải (Sở GTVT) cho biết: XHH cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe là một chủ trương đúng đắn của ngành giao thông, trước hết góp phần giảm tải cho các cơ sở đào tạo của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương trong việc học lái xe. Quan trọng hơn, nhờ được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, các cơ sở tuân thủ nghiêm quy trình đào tạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) về thời gian học, quy trình sát hạch nên trình độ chuyên môn, ý thức đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử và kỹ năng xử lý các tình huống của đội ngũ lái xe khi tham gia giao thông vì thế cũng được nâng lên. Theo đánh giá của Sở GTVT, qua các đợt thanh, kiểm tra của Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN đối với các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh, nhìn chung đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật, các học viên đều hài lòng với quy trình đào tạo, yên tâm về chất lượng sát hạch. Anh Nguyễn Chí Thành (huyện Ea Súp) cho hay, anh vừa tham gia khóa học lái xe hạng B2 tại Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Việt Mỹ, anh cảm thấy rất hài lòng về cơ sở vật chất của trường, có phòng học lý thuyết thoáng mát, sân tập lái, sân sát hạch rộng rãi, có đủ các tình huống như ngoài đường, đặc biệt đội ngũ giáo viên trẻ rất nhiệt tình, tận tụy chỉ dạy cho các học viên. Sau khi tốt nghiệp, anh rất tự tin theo nghề lái xe mà lâu nay anh hằng mong ước.

Vào cuối năm nay, một số trường dự kiến sẽ nâng lưu lượng đào tạo lên,  như Trường Trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên sẽ nâng lên 1.130 học viên, Trường Trung cấp nghề Việt Mỹ 700 học viên. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng các cơ sở đào tạo lái xe mọc lên tràn lan dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng không bảo đảm, Sở GTVT đã có văn bản gửi UBND tỉnh kiến nghị, bắt đầu từ năm 2012 tạm dừng cấp phép xây dựng đối với các cơ sở đào tạo lái xe mới trên địa bàn.

Trước sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông và  nhu cầu học lái xe của người dân, việc nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông do các phương tiện cơ giới đường bộ gây ra.
Nhờ đẩy mạnh công tác xã hội hóa, hệ thống cơ sở đào tạo lái xe trên phạm vi cả nước đã được đầu tư đúng mức, tăng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, cả nước có 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 291 cơ sở đào tạo ô tô, với 84 trung tâm sát hạch, trong đó có 43 trung tâm do các doanh nghiệp xây dựng.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.