Multimedia Đọc Báo in

Chuyện tình ở Khu điều trị phong Ea Na

21:57, 04/06/2012

Ở cái tuổi gần đất xa trời, họ mới tìm thấy nhau để sẻ chia, yêu thương. Tình yêu nảy nở ở một nơi mà có lẽ ít ai nghĩ đến – Khu điều trị phong - một tình yêu đẹp giữa những con người gánh trên mình căn bệnh quái ác, từng chịu nhiều điều tiếng, kỳ thị của xã hội. Một đám cưới giản dị, không tiệc tùng, đàn nhạc đã diễn ra. Đôi “tân lang, tân nương” đã ở ngoài cái tuổi thất thập cổ lai hi, và đám cưới của họ, cả khu điều trị hát vang ca khúc “Và con tim đã vui trở lại”...

Yêu nhau từ những lần đi chữa bệnh

Một ngày cuối tháng 4, cái nắng nóng của mùa khô Tây Nguyên đang ở cực điểm, chúng tôi tìm về Khu điều trị phong Ea Na (buôn Tuar A, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana). Những cơn gió mát từ cánh đồng dọc hai bên tỉnh lộ 2 thổi lại phần nào đã làm dịu bớt đi cái nóng hầm hập. Nơi đây đang điều trị, lưu trú, sinh sống của 150 bệnh nhân bị di chứng của bệnh phong, đa số bệnh nhân đã trên 40 tuổi. Mỗi dịp khách đến thăm, từ bệnh nhân đến y, bác sĩ lại tươi cười kể cho khách nghe chuyện tình “nảy nở” giữa 2 bệnh nhân là ông Y’Tlol Niê (SN 1933) và bà H’Chip Niê (SN 1940) với một cái kết đẹp như trong chuyện cổ tích.

Ông Y Minh Niê, Trưởng Khu điều trị phong dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh trung tâm, rồi dừng chân tại một khu dưỡng lão dành cho bệnh nhân nam để mục sở thị cặp “vợ chồng vàng” hơn 80 tuổi mới cưới nhau đang sinh sống. Trong căn nhà dài có nhiều bệnh nhân phong ấy được bố trí một “phòng riêng” kín đáo bằng cách che chắn lại giường ngủ cho hai mái đầu bạc được tự nhiên khi âu yếm hoặc chăm sóc lẫn nhau.

Như  đôi  chim câu,  ông bà chẳng  rời nhau  khi nào. Rảnh rỗi, bà  lại ngồi nhổ tóc sâu  cho ông.
Như đôi chim câu, ông bà chẳng rời nhau khi nào. Rảnh rỗi, bà lại ngồi nhổ tóc sâu cho ông.

Kể về mối tình giữa hai người, bà H’Chíp luôn mỉm cười và lục tìm từ trên gác tủ tập album ảnh cưới để khoe với khách, rồi bà vui vẻ bộc bạch: quê bà ở buôn Hằng 1, xã Ea Wy, Krông Pak, bị mắc bệnh phong từ năm 1989. Khi còn lành lặn, bà đã từng lập gia đình nhưng không có con, chồng bà cũng bị bệnh phong và qua đời năm 2000. bà sống quanh quẩn ở buôn, bị mọi người trong buôn xa lánh vì sợ lây bệnh,  bắt bà phải ra dựng chòi ở riêng một mình ngoài rẫy. Buồn tủi, năm 2008 bà xin vào khu điều trị phong để điều trị lâu dài và tại đây bà đã gặp được “một nửa” của đời mình là ông Y’Tloh. May mắn hơn bà, ông Y’Tloh có gia đình và có đến 6 người con, ông mắc chứng phong từ những năm 1963, Từ đó ông vào khu điều trị một thời gian rồi lại được cho về nhà, cứ lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, và những ngón tay, chân của ông theo những lần điều trị cứ thế rụng dần.

Năm 2008, bệnh di chứng nặng, ông buộc phải xuống Khu điều trị phong Quy Hòa, Quy Nhơn điều trị và bị cưa mất một bên chân trái đến đầu gối. Về lại Khu điều trị phong Ea Na, ông được sắp xếp ở khu dưỡng lão, nơi dành cho những bệnh nhân bị phong nặng. Ông nằm một chỗ, không đi lại được, mọi sinh hoạt đều phải nhờ đến các y, bác sĩ. Lúc này, bà H’Chíp cũng được bố trí ở chung khu nhà dưỡng lão với ông, thấy bệnh tình ông nặng như vậy bà thường xuyên sang thăm hỏi, giặt giũ quần áo, lấy từng bữa cơm giúp ông… Chính trong thời gian đó, tình yêu giữa hai người nẩy nở và đã đưa đến một kết thúc có hậu…

Tìm lại niềm vui lúc về già

Gần một năm sau, cảm phục và thương người phụ nữ đồng cảnh ngộ, vào một ngày, khi bà H’Chíp lấy phần cơm về, cùng ngồi ăn chung, ông Y T’loh khẽ khàng nắm tay ngỏ lời yêu, muốn cùng sống chung nhà. Người phụ nữ hơn 80 tuổi đầu bỏ vội chén cơm đứng dậy đi về khu nhà của mình. Bà bối rối lắm, mất hai ba ngày bà không sang chăm ông. Đêm nào bà cũng nghĩ đến ông, trong lòng vui lắm, cảm thấy như đang trở về thời con gái của thuở mới chập chững biết yêu, với những rung động đầu đời của con tim mấy mươi năm trước. Còn ông Y’Tloh sau lần đó thì buồn, buồn nhiều lắm. Ông nghĩ: chắc bà ấy không thương mình; rồi hối hận: giá mình đừng ngỏ lời thì đã không mất đi một người bạn già.

Nhưng rồi ông đã bất ngờ khi vài ngày sau, bà lại đến chăm sóc ông. Bà đã chấp nhận lời cầu hôn từ ông, đám cưới giản dị của hai người được diễn ra cuối năm 2009. Ngày hôn lễ không có tiệc tùng, không áo cưới, không trống nhạc, mà chỉ có mâm cơm để ra mắt những người hàng xóm là các bệnh nhân đang điều trị bệnh tại đây và các y, bác sĩ. Hôm tổ chức đám cưới, chú rể Y’Tloh ngồi trên xe lăn, theo sau đẩy xe là cô dâu H’Chíp. Bên phía nhà trai có sự hiện diện của người con gái đầu của ông Y’Tloh là H’Nguôn đến chúc phúc hai người. H’Nguôn hôm đó vui lắm, chị đã khóc, khóc rất nhiều vì từ đây cha chị sẽ có người phụ nữ bên cạnh để sẻ chia vui buồn cùng cha...

Sau ngày cưới, bà H’Chíp đã về ở hẳn bên khu dưỡng lão của ông Y T’loh để tiện bề chăm sóc, cơm nước cho chồng, lâu lâu mới về lại bên  khu dưỡng lão để thăm hỏi, chuyện trò với mọi người. Có một điều đặc biệt, từ đây hai người đã được “ngủ chung giường” với nhau. Từ ngày có bàn tay chăm sóc của bà, ông khỏe và hoạt bát lên rất nhiều. Bà đã nhờ người đóng cho ông một chiếc nạng, chiều chiều bà cầm tay dắt ông đi dạo quanh khuôn viên khu điều trị, tập cho ông quen dần với việc dùng nạng để đi lại. Khi rảnh rỗi bà lại ngồi nhổ tóc bạc cho ông…

Văn Lệ


Ý kiến bạn đọc