Công tác tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá của Hội Phụ nữ: Vẫn còn nhiều cái khó
Đẩy mạnh công tác truyền thông, lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá trong các buổi hội họp, sinh hoạt, phát động xây dựng “Ngôi nhà không khói thuốc”… là những hoạt động chủ yếu mà các cấp Hội Phụ nữ đã thực hiện trong “cuộc chiến” chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai công tác này vấp phải không ít khó khăn.
Bỏ thuốc lá – dễ hay khó?
Có “thâm niên” hơn 30 năm hút thuốc lá nên mặc dù vợ con khuyên nhủ, phân tích nhiều, anh Đỗ Văn Tân ở thôn Tiến Thành (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) vẫn chưa từng nghĩ đến chuyện thử bỏ hút thuốc. Năm 2007, sau khi được mời tham dự một buổi truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá do Hội Phụ nữ tổ chức, anh Tân mới thực sự hiểu hết những ẩn họa đằng sau khói thuốc. Với suy nghĩ “không có gì là quá muộn” lại thêm sự động viên, hỗ trợ từ phía gia đình, anh quyết tâm bỏ thuốc. Từ chỗ mỗi ngày hút một gói thuốc, anh giảm dần số lượng, đồng thời gia tăng thời gian lao động chăm sóc cà phê, trồng rau xanh, chăn nuôi bò để khỏi rơi vào tình trạng nhàn rỗi “nhớ” thuốc… Cuối cùng, anh đã bỏ được thuốc lá nhờ quyết tâm chiến thắng chính bản thân mình. “Sau 5 năm bỏ thuốc lá, tôi đã tăng cân thêm 8 kg, hơi thở không còn hôi và hết hẳn bệnh ho khan mãn tính trước kia. Bây giờ tôi đủ tự tin để khuyên răn, dạy bảo con cháu không nên hút thuốc lá”, anh Tân chia sẻ. Hiện nay, anh Tân là một tuyên truyền viên tích cực của địa phương trong công tác truyền thông về tác hại thuốc lá, ở xóm anh đã thành lập “Nhóm những người bỏ thuốc lá” thu hút 7 thành viên tham gia. Trường hợp của anh Nguyễn Tiến Hoàn cũng ở thôn Tiến Thành vốn được mệnh danh là người “cứng đầu” nên dù ai nói sao anh vẫn giữ thói quen hút thuốc đã hơn 35 năm. Hiểu rõ lợi ích của việc bỏ thuốc lá cả về mặt sức khỏe lẫn kinh tế nên anh Tân thường tâm sự với anh Hoàn và rủ cùng tham gia nhóm. Được sự động viên của bạn bè, gia đình nên anh Hoàn đã bỏ thuốc lá thành công hơn 2 năm nay.
Tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá là một trong những nội dung được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi hội của chi Hội Phụ nữ buôn Drao, xã Cư Dliê M'nông (huyện Cư M'gar). |
Đó là 2 trong số nhiều trường hợp đã cai được thuốc lá, nhưng trên thực tế, số người bỏ rồi hút lại hoặc cố tình “tập” hút thuốc không phải là ít. Chẳng hạn như anh N.M.C ở tổ dân phố 8 (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột). Sau 5 năm kết hôn, đến giờ cô con gái đầu lòng đã gần 4 tuổi nhưng lời anh hứa với vợ “ngày con cất tiếng khóc chào đời, anh sẽ bỏ thuốc lá” vẫn chỉ là…lời hứa! Anh cũng đã từng ký cam kết “Ngôi nhà không khói thuốc” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động vào tháng 5-2010 nhưng sau khi bỏ thuốc được 7 tháng, vợ con chưa kịp mừng thì mọi việc lại đâu vào đấy. Hoặc có trường hợp, năm nay mới là học sinh lớp 8 của một trường THCS ở TP. Buôn Ma Thuột, nhưng em N.T.H đã tập tành hút thuốc vì cho rằng ở nhà bố, các chú bác hút được thì tại sao mình lại không, hơn nữa hút thuốc lá là một trong những “tiêu chí” chứng tỏ… đàn ông!
Đâu là nguyên nhân?
Theo bà Hà Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M’gar, hưởng ứng chiến dịch “Ngôi nhà không khói thuốc”, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã tổ chức phát động gia đình hội viên có người hút thuốc lá ký cam kết và đã thu được hơn 5.000 chữ ký. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cơ sở Hội đẩy mạnh công tác truyền thông, lồng ghép nội dung tuyên truyền tác hại của thuốc lá trong các buổi sinh hoạt, hội họp, trong triển khai các mô hình “5 không, 3 sạch”, “gia đình không có người thân phạm tội và mắc tệ nạn xã hội”, “gia đình hạnh phúc”… Qua khảo sát tại 187 chi hội, có gần 40% số người ký cam kết đã bỏ được thuốc lá. Tuy nhiên, cũng theo bà Hương thì việc tuyên truyền của Hội Phụ nữ các cấp chưa thực sự thường xuyên, chỉ tập trung vào những dịp cao điểm như “Ngày thế giới không thuốc lá 31-5”, Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ… nên số người tái nghiện hoặc chưa thể bỏ thuốc còn nhiều.
Sở dĩ công tác tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá gặp nhiều khó khăn bởi trên thực tế, việc sử dụng thuốc lá tại đám cưới, đám tang còn khá phổ biến, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Ở khối cơ quan, công sở, tình trạng hút thuốc có giảm do tuyên truyền, vận động và nhiều đơn vị đã đề ra quy chế khá nghiêm, đưa vào điểm thi đua, thậm chí có hình thức phạt. Nhưng chung quy “lệnh cấm” chưa được thực thi triệt để. Sau hơn 2 năm thực hiện cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng theo Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mà nhiều người dân không hề biết về quy định này, thậm chí tỏ ra ngạc nhiên vì từ trước đến nay chưa thấy ai bị phạt hút thuốc lá nơi công cộng, cùng lắm là nhắc nhở. Do đó, tại nơi công cộng, ngay cả bệnh viện, nhiều người vẫn vô tư hút thuốc.
Với các thông điệp: Hút thuốc thụ động gây bệnh tật và tử vong; Hãy bảo vệ phụ nữ khỏi hút thuốc lá thụ động; Phụ nữ hãy lên tiếng yêu cầu tuân thủ quy định không hút thuốc nơi công cộng, nơi làm việc, trong nhà để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng; Cùng chung tay xây dựng một môi trường học tập và làm việc lành mạnh, trong sạch, không có khói thuốc lá... Chiến dịch “Ngôi nhà không khói thuốc” và công tác tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá của Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về tác hại thuốc lá, đặc biệt là việc hít khói thuốc thụ động của phụ nữ, trẻ em và các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất tác hại của thuốc lá tiến dần đến nói không với thuốc lá, ngoài sự nỗ lực của các cấp Hội, đòi hỏi sự tham gia của cả cộng đồng, đặc biệt là ý thức của mỗi người dân.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc