Multimedia Đọc Báo in

Đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

07:57, 05/06/2012

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956 của Chính phủ triển khai hơn hai năm qua đã đem lại nhiều nét mới cho diện mạo nông thôn. Việc khảo sát, lựa chọn nghề đào tạo phù hợp đã giúp người lao động nâng cao thu nhập, chuyển dịch dần cơ cấu lao động, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để công tác đào tạo nghề đáp ứng được nhu cầu xây dựng nông thôn mới thì vẫn còn nhiều điều cần bàn.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế

Đào tạo nghề cho LĐNT hiện được định hướng gắn kết với phong trào xây dựng nông thôn mới. Thông qua công tác đào tạo nghề, người lao động được trang bị kiến thức, kỹ năng, nâng cao nhận thức, thái độ làm việc nên chủ động tìm việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống.

Người dân tìm hiểu kỹ thuật trồng nấm rơm tại Trung tâm Dạy nghề  huyện Krông Ana.
Người dân tìm hiểu kỹ thuật trồng nấm rơm tại Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana.

Thị trấn Liên Sơn nằm ngay trung tâm huyện Lak, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp vì quy hoạch khu dân cư, nhiều hộ gia đình của các buôn phải đi thâm canh, làm thuê ở những địa phương khác. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, không mang tính bền vững nên lao động nữ ở các buôn luôn mong muốn có một nghề ổn định thay thế dần sản xuất nông nghiệp thuần túy. Vì vậy, khi lớp dạy nghề dệt thổ cẩm được Hội LHPN tỉnh tổ chức, gần 60 học viên phụ nữ dân tộc M’nông của buôn Lê, buôn Jun và buôn Đơng Kriêng (thị trấn Liên Sơn) đã hăng hái tham gia. Với lợi thế là nơi có những khu du lịch nổi tiếng, nên việc đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số đã mang lại lợi ích lâu dài, thiết thực bởi không chỉ giúp chị em có thêm thu nhập ổn định mà còn duy trì và giới thiệu nghề truyền thống. Sau 3 tháng học nghề, chị H’Sa Nitrat ở buôn Lê đã biết dệt trang phục, túi xách và các phụ kiện khác bán cho khách du lịch, kiếm thêm thu nhập trên 500.000 đồng/tháng. Qua các lớp dạy nghề, nhiều học viên đã thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất theo kinh nghiệm, mạnh dạn áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phát triển thêm các nghề mới. Gia đình chị H’Boan Byă (buôn Niêng 1, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) vừa kết hợp nuôi heo, bò và làm cà phê nhưng trước đây do chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ theo kinh nghiệm nên có đợt vật nuôi bị dịch bệnh chết gần hết, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Từ khi tham gia lớp học nghề chăn nuôi – thú y do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm (Hội Nông dân tỉnh) tổ chức vào tháng 4-2010 chị đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi theo hình thức trang trại khép kín. Điều đáng nói, do có thể tự tiêm phòng và chữa trị những bệnh thông thường cho heo, bò nên trang trại nhà chị không xảy ra thiệt hại lớn. Trước đây, gia đình chị Phạm Thị Điệp ở thôn 3 (xã Dur Kmăn, huyện Krông Ana) chỉ buôn bán nhỏ và phát triển chăn nuôi. Sau khi tham gia lớp học nghề trồng nấm ở Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana, cuối năm 2011, chị quyết định vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội xây dựng trang trại rộng 80 m2 trồng nấm linh chi, nấm sò, nấm mèo. Lý do khiến chị quyết định “thử sức” với một nghề khá mới ở địa phương là vì nghề trồng nấm tương đối dễ làm, đầu tư ít, quay vòng vốn nhanh và nguồn nguyên liệu chủ yếu là rơm lại khá dồi dào.

Nhưng vẫn còn nhiều khó khăn

Trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí 12 quy định về việc chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là một trong những tiêu chí khó hoàn thành nhất đối với hầu hết các xã trong tỉnh. Theo quy định, để được công nhận xã nông thôn mới, tỷ lệ lao động ở độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp phải giảm xuống dưới 35%. Để đáp ứng tiêu chí này, thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề. UBND tỉnh đã ban hành danh mục 37 nghề đào tạo cho LĐNT. Tính đến cuối năm 2011, toàn tỉnh đã tổ chức 143 lớp dạy nghề nông nghiệp, công nghiệp – dịch vụ cho 4.627 lao động với tổng kinh phí trên 70,2 tỷ đồng, trong đó, kinh phí của trung ương hỗ trợ trên 55 tỷ đồng, còn lại là của địa phương. Tuy nhiên, điều đáng nói, tỷ lệ LĐNT được học nghề còn khá thấp so với thực tế, mới chỉ đạt khoảng 35%. Trong tổng số trên 4.600 lao động được đào tạo nghề chỉ có 46 hộ được tiếp cận với các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội và Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm; 3.300 lao động tự tạo việc làm hoặc được các doanh nghiệp tuyển dụng sau khi học nghề. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 1956 tỉnh, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do việc tổ chức, triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề ở một số địa phương còn mang tính đối phó, tiến độ triển khai xây dựng các trung tâm dạy nghề công lập còn chậm (hiện chỉ có 2/10 trung tâm dạy nghề công lập đi vào hoạt động), công tác tuyên truyền chưa được chú trọng, nguồn kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên chưa đáp ứng nguyện vọng học nghề của 3 nhóm đối tượng; đội ngũ giáo viên còn thiếu và yếu kém về chất lượng; chất lượng dạy nghề chưa được nâng cao… Bên cạnh đó, phần lớn các địa phương chỉ mới chú trọng vận động nông dân tham gia học nghề mà chưa quan tâm đến việc học gì cho phù hợp, đảm bảo nguồn nhân lực có tay nghề đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động cũng như cơ cấu kinh tế của địa phương nên hiệu quả mang lại từ công tác đào tạo nghề chưa cao.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một nhu cầu thiết thực, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới nên cần sự đầu tư theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng đào tạo và gắn liền với lợi ích của người lao động, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, địa phương. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia học nghề, liên kết chặt chẽ với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhằm giúp người lao động tiếp thu nghề nhanh hơn và có việc làm sau đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, thường xuyên khảo sát, chủ động xác định, bổ sung danh mục ngành nghề đào tạo sát với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, các ngành kinh tế và thị trường lao động. Đối với các địa phương, việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn cũng là mục tiêu trọng yếu để hoàn thành tiêu chí 12 trong việc xây dựng nông thôn mới. Do đó, mỗi địa phương cũng cần từng bước đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, có những ưu tiên, hỗ trợ phát triển các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn để thu hút người lao động nông thôn tham gia chuyển dịch ngành nghề sau đào tạo, nâng cao thu nhập, cải thiện bộ mặt nông nghiệp – nông thôn.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc