Để phong trào Đoàn và công tác thanh niên ở cơ sở phát huy hiệu quả
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phong trào Đoàn và công tác thanh niên bằng những định hướng cụ thể, kịp thời cùng nhiều cơ chế, chính sách thiết thực. Tuy nhiên, phong trào Đoàn và công tác thanh niên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hiện nay còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Đoàn viên thanh niên tham gia giúp người dân tại huyện Krông Ana. |
Trong khi tổ chức đoàn thanh niên từ Trung ương, tỉnh đến huyện đầy đủ cả về cơ cấu, biên chế thì ở cơ sở hiện thiếu cả con người, cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động. Đoàn cơ sở đều có ban chấp hành, có bộ khung, dưới lại có chi đoàn nhưng số lượng đoàn viên, thanh niên rất ít. Không những vậy, nhiều nội dung như tổ chức sinh hoạt hằng tháng theo Điều lệ Đoàn như thế nào; Đoàn viên thanh niên ai còn ở nhà, ai đã đi làm ăn xa;… thì hầu như các tổ chức đoàn cơ sở không nắm được! Có thể nói, tổ chức đoàn thanh niên hiện nay không ít nơi “hữu danh vô thực”, có nơi rất khó tập hợp được một cuộc họp đầy đủ đoàn viên, thanh niên, thậm chí ở một số nơi chi đoàn nông thôn chỉ có… cán bộ ban chấp hành. Nguyên nhân một mặt do thanh niên ở lại nông thôn rất ít, phần lớn số bạn trẻ ở nhà thì đã có gia đình và coi như đã “trưởng thành” đoàn. Mặt khác nhiều thanh niên thường xuyên đi làm ăn xa nên tên có trong danh sách nhưng người thì… ở các địa phương khác!
Từ thực trạng đó thiết nghĩ các cấp ủy, chính quyền nên thực sự quan tâm đến công tác Đoàn và những khó khăn của thanh niên, thường xuyên đến sinh hoạt, nắm bắt tâm tư, tình cảm từ đó tìm ra giải pháp tập hợp, định hướng thanh niên hành động. Có thể hỗ trợ kinh phí, ưu tiên tìm việc cho thanh niên, tin tưởng giao cho đoàn viên, thanh niên đảm nhận các công trình, phần việc, dành quỹ đất cho thanh niên vừa sản xuất gây quỹ vừa thực hành và áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật… Hoạt động đoàn thanh niên chủ yếu mang tính phong trào, đòi hỏi cả về thời gian và vật chất cho nên cần được ưu tiên bố trí kinh phí và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với các “thủ lĩnh” thanh niên. Đối với cấp bộ Đoàn cấp trên, ngoài việc xây dựng, tổ chức các phong trào, hoạt động bổ ích, thiết thực sát với điều kiện thực tế, đặc điểm thanh niên từng vùng cần thường xuyên về cơ sở “lắng nghe” tổ chức, vận động, tập hợp thanh niên, chứ không nên “bám trụ” ở văn phòng và càng không nên lạm dụng công văn, chỉ thị…
Yến Ngọc
Ý kiến bạn đọc