Lại nỗi lo đuối nước ở trẻ em
Mỗi khi hè về, cùng với việc học sinh được nghỉ học, vui chơi thì một vấn đề rất đáng lo ngại cũng đặt ra, đó là nguy cơ trẻ bị đuối nước. mới vào đầu hè, song hàng loạt vụ trẻ em chết đuối xảy ra trên địa bàn tỉnh khiến nhiều phụ huynh đau lòng, lo lắng. Đã đến lúc cần phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh sự quan tâm của người lớn với con trẻ và công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em.
Nỗi đau vào hè!
Năm nào cũng vậy, cứ đến hè tình trạng trẻ em chết đuối lại hay xảy ra, nhất là ở những vùng nông thôn. Vụ việc đau lòng ngày 19-5 đã cướp đi sinh mạng 2 đứa trẻ ở thôn 4 xã Ea Hur (Cư Kuin) là Nguyễn Ngọc Hải và Lê Ngọc Thảo đều sinh năm 2004. Trong khi đi chăn bò, không may một em bị rơi xuống ao, em còn lại tìm cách cứu bạn nhưng cũng bị chết đuối theo. Trước đó ngày 18-5, cũng trên địa bàn huyện Cư Kuin, tại thôn 16 xã Ea Ning, em Lê Thanh Nguyên sinh năm 1997 rơi xuống ao gần nhà, do không biết bơi nên đã tử vong. Vụ đuối nước thương tâm hy hữu xảy ra tại thôn 2 xã Cuôr Knia vào cuối tháng 5 khiến nhiều bậc phụ huynh phải lưu tâm và đề phòng: Em Huỳnh Giao Hoàng sinh năm 2005 ở nhà một mình do trời nóng nên đã trèo vào bể chứa nước tắm cho mát, nhưng vì bể sâu, nước nhiều và bé không biết bơi nên đã bị chết đuối.
Trẻ em ở xã Krông Nô (Lak) thường xuyên tắm sông không có người lớn quản lý. |
Theo báo cáo sơ bộ từ 5 huyện trong tỉnh, mới chỉ 2 tháng đầu hè đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn đuối nước làm 17 trẻ em bị tử vong, trong đó huyện Cư Kuin nhiều nhất với 6 trẻ, huyện Ea Súp có 4 trẻ bị đuối nước. Hầu hết các em đều ở độ tuổi học sinh tiểu học và THCS, đây là độ tuổi vô cùng hiếu động, tò mò, chưa đủ sức khỏe… nên rất dễ gặp tai nạn. Đó thực sự là nỗi đau, nỗi mất mát lớn của gia đình các cháu, cũng là bài học đối với các bậc phụ huynh trong việc quản lý con cái dịp hè. Bởi nguyên nhân của những sự việc đau lòng này chủ yếu vẫn là do sự bất cẩn và thiếu trách nhiệm của người lớn trong việc quản lý con em, để trẻ tự do chơi đùa, rủ nhau đi tắm ở ao, hồ, sông, suối; các giếng khơi, bể nước không có nắp đậy. Bên cạnh đó là trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền phòng ngừa đuối nước, thông báo nơi nguy hiểm, xây dựng lan can, rào chắn… ở những nơi ao, hồ, đoạn sông, suối sâu, nơi nhiều người qua lại… Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh sâu sắc đến sự quan tâm của người lớn với con trẻ và công tác phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em nói chung.
Kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ: yêu cầu cấp thiết!
Mùa hè đã đến nhưng các khu vui chơi, bể bơi trong tỉnh quá ít, nhiều khu vui chơi đã xuống cấp hoặc không phát huy hiệu quả không đáp ứng được nhu cầu của các em. Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh thiếu sự quản lý để con em tự đi chơi, tự ý ra các ao hồ, sông suối tắm mà không có sự giám sát của người lớn. Những chỗ này thường xa khu dân cư, ít người qua lại nên khi các em gặp nguy hiểm thì không có sự trợ giúp kịp thời.
Trò nhảy cầu mạo hiểm của trẻ em ở xã Dray Sáp (Krông Ana). |
Tới xã Dray Sap, huyện Krông Ana là địa bàn có nhiều sông, suối, ao, hồ... vào buổi chiều thường bắt gặp rất nhiều trẻ em nhảy từ độ cao hàng chục mét từ trên cầu hoặc trên bờ xuống tắm tại các đoạn sông gần thác Dray Nur, Dray Sap, nơi có nhiều vùng nước sâu, nước xoáy đá ngầm, nước chảy xiết... rất nguy hiểm. Anh Y Joan ở buôn Dray Sap, xã Dray Sap cho biết: “Do bố mẹ còn mải đi làm nên không có thời gian để quản lý con, biết là nguy hiểm nhưng không cấm được, các cháu đều tự học bơi lẫn nhau, lúc đầu thì chúng nó tắm chỗ nông, biết bơi một chút thì tắm ở chỗ sâu hơn. Hàng năm cũng có một số trẻ bị đuối nước nhưng chúng tôi cũng chẳng biết làm sao…”.
Vào dịp nghỉ hè, học sinh ở nông thôn thường ra đồng, sông suối mò cua bắt ốc, chăn trâu bò… phụ giúp gia đình nên cũng dễ bị đuối nước. Có những vụ rất thương tâm do các em không may ngã vào những hố sâu do người dân đào để trữ nước tưới trong mùa khô, hay thấy bạn bị đuối nước đã xuống cứu mà không biết mình cũng đang gặp nguy hiểm dẫn đến nhiều vụ có tới 2-3 em đuối nước như ở Cư Kuin, Krông Năng…
Khi được hỏi về những dự định trong dịp nghỉ hè năm nay, em Nguyễn Mạnh Hải ở xã Ea Kmút (Ea Kar) hào hứng: Em được cha mẹ đăng ký cho khóa học bơi, gia đình em sống gần hồ nên rất cần học bơi không chỉ rèn luyện sức khỏe, tránh những rủi ro cho bản thân mình còn có thể giúp đỡ người khác khi không may họ bị nạn... Nhưng thực tế, không phải trẻ em nào cũng có điều kiện như Hải. Trên địa bàn tỉnh, chỉ có TP. Buôn Ma Thuột và huyện Ea Kar xây dựng được bể bơi, ở những nơi khác trẻ muốn tập bơi cũng chỉ biết ra sông, ra suối. Chính vì vậy, theo kế hoạch của Sở LĐTB&XH, mùa hè này sẽ dạy bơi cho 200 trẻ trong tỉnh, nhưng chỉ ở TP. Buôn Ma Thuột và Ea Kar, còn những nơi có nguy cơ lớn về đuối nước thì vẫn chưa thể thực hiện được.
Đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tặng phao cứu sinh và cấp Giấy chứng nhận cho học sinh lớp học bơi ở huyện Ea Kar. |
Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai Chiến lược phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011-2020, trong đó việc phòng, chống đuối nước trẻ em rất được quan tâm, nhất là trong dịp hè. Tỉnh ta cũng đã có nhiều văn bản triển khai thực hiện các chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Cuối năm 2011, tỉnh đã có Kế hoạch số 1203 phối hợp liên ngành phòng, chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2011-2015 nhằm nâng cao nhận thức, hành vi của cộng đồng, của từng gia đình và chính các em về công tác phòng chống tai nạn thương tích nói chung và phòng chống đuối nước nói riêng; tăng cường các hoạt động phối hợp liên ngành nhằm giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị chết và tàn tật do đuối nước.
Trong đó, một số mục tiêu cụ thể đến năm 2015: Xây dựng mô hình phòng chống đuối nước trẻ em tại các địa phương, nhất là các mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn”; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, cộng tác viên về kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước trẻ em; Tăng cường kiểm tra, giám sát các quy định về phòng chống đuối nước trẻ em tại cộng đồng như biển báo nơi nguy hiểm có thể gây đuối nước, mặc áo phao khi đi thuyền, đò, các phương tiện chở khách đường thủy; Phối hợp đưa nội dung giáo dục phòng chống đuối nước trẻ em vào chương trình dạy ngoại khóa của cấp tiểu học, THCS; tổ chức các lớp đào tạo sơ cứu, cấp cứu nạn nhân bị đuối nước cho đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cộng tác viên, giáo viên. Đồng thời, để giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ, nhất là đuối nước cần có sự vào cuộc tích cực của gia đình, nhà trường và toàn xã hội để trẻ rèn luyện kỹ năng sống, biết xử lý những tình huống bất ngờ và luôn có ý thức tránh xa những nguy hiểm tiềm ẩn.
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc