Multimedia Đọc Báo in

MB24 tại Dak Lak: Có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trá hình?

09:28, 06/06/2012

Kỳ II: Đằng sau chiếc mặt nạ

Nghĩ công việc đơn giản, lại dễ dàng kiếm tiền, nhiều người đã mua hai, ba gian hàng, chèo kéo bạn bè người thân tham gia nhưng rốt cục tiền thật mua hàng ảo, vào công ty chẳng để làm gì ngoài mục đích hưởng hoa hồng từ nhau, ăn tiền của nhau...

Nạn nhân

Các thành viên chi nhánh MB24 tại Dak Lak tự hào rằng, Ea Kar là cái nôi “mát tay” nuôi dưỡng những người thành đạt của MB 24. Bởi vì Chi nhánh MB24 tại xã Ea Đar ra đời trước Chi nhánh ở Buôn Ma Thuột, và có khá nhiều “VIP” của hai chi nhánh đều xuất thân từ nơi này.

Trưởng Công an xã Ea Ô (huyện Ea Kar), Bùi Trọng Lực dẫn chúng tôi đến thôn 9. Hào hứng để xem thành quả “xóa mù” vi tính cũng như “trao tiện ích, nhận thành công” mà MB24 đã giúp đỡ các hội viên nhưng, thay cho câu trả lời là cảnh nghèo nàn, túng bấn, lam lũ, làm thuê kiếm sống qua ngày của chủ nhân những gian hàng được đầu tư với giá 5,2 triệu đồng! Gia đình chị Trần Thị Dung 46 tuổi, một trong số 19 hộ nghèo trên tổng số 55 hộ dân ở thôn 9, trong căn nhà hở vách này, tài sản giá trị nhất là một chiếc ti vi cũ rích. Thu nhập của gia đình trông nhờ vào 2 sào ruộng lúa, không có đất trồng màu, hết mùa là hết gạo, chị Dung phải đi làm thuê, làm mướn, chạy ăn từng bữa. Khi chúng tôi đến, chị đang gói ghém hành lý để sang tỉnh Kon Tum làm thuê. Chị Dung kể: Cuối năm 2011, nghe lời rủ rê của một hội viên chi nhánh MB24 ở Ea Kar, chị đã vay nóng khoản tiền 10 triệu đồng với lãi suất 4%/ tháng để mua hai hàng trên mạng muaban24.vn, vì nghe người ta quảng cáo được sở hữu nó suốt đời, thậm chí chẳng cần chân lấm tay bùn, chỉ cần mời được nhiều người vào là có thu nhập bạc trăm, bạc triệu.  Đến giờ chị chẳng mời được ai tham gia mua gian hàng, bạc trăm bạc triệu chẳng thấy đâu, chị còn phải trả cả gốc lẫn lãi số tiền vay nóng gần 14 triệu đồng. Chị Dung thừa nhận, bản thân gia đình chị bữa đói, bữa no thì có sản phẩm gì để mà bán và làm gì có tiền để mua hàng trên mạng. Và chị cũng không biết cách mở, tắt chiếc máy vi tính như thế nào thì làm sao tư vấn người khác tham gia.

Khi đến với MB24, khách hàng còn được nhân viên cho xem những hình ảnh, clip khuyếch trương tên tuổi của MB24 (Ảnh chụp từ Clip quay tại chi nhánh MB24 ở A8, khu Hiệp Phúc, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột).
Khi đến với MB24, khách hàng còn được nhân viên cho xem những hình ảnh, clip khuyếch trương tên tuổi của MB24 (Ảnh chụp từ Clip quay tại chi nhánh MB24 ở A8, khu Hiệp Phúc, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột).

Còn gia đình vợ chồng chị Nông Thị Huệ, anh Nông Văn Thế ở thôn 7A, xã Ea Ô, cũng chỉ vì tin tưởng vào mục đích “trao tiện ích, nhận thành công” của MB24 này mà vợ chồng chị cơm chẳng lành canh chẳng ngọt nhiều ngày nay. Chuyện là cách đây không lâu, chị cũng được nghe nhân viên của MB24 tìm đến nhà mời mua gian hàng mạng và giới thiệu chẳng phải làm lụng vất vả ngoài việc đi giới thiệu nhiều người khác cùng mua như mình, chị sẽ có thu nhập hằng tháng hàng chục triệu đồng. Nghĩ làm gì có chuyện viển vông như thế, chị quyết định không mua. Nhưng mù quáng, nhẹ dạ cả tin, anh Thế đã giấu chị đi vay tiền mua hai gian hàng của MB24 với giá gần 10 triệu đồng. Chuyện cười ra nước mắt, khi chúng tôi hỏi tiền anh đóng có giấy tờ gì không thì anh Thế ngây thơ cho rằng, tiền mua gian hàng này không bị mất, nó đang ở trong máy vi tính, nhưng anh không biết sử dụng máy vi tính để lấy ra, và không biết chìa khóa - mật khẩu gian hàng của mình là gì để vào. Món nợ 10 triệu đồng mua hai gian hàng ảo trên muaban24. vn đang treo lơ lửng trên đầu đôi vợ chồng trẻ, trong khi gạo ăn hằng ngày chỉ trông chờ 1 sào ruộng lúa. Cùng ở thôn 7A, chị Vũ Thị Mão cũng dở khóc dở cười ở với gian hàng mua của MB24. Thấy sau khi mua gian hàng, chẳng có gì để bán, cũng chẳng mời gọi được ai chị quyết định đòi lại tiền thì ngay lập tức  được nhân viên của MB24 tư vấn rằng: Muốn lấy lại tiền chỉ còn cách là đi mời người khác tham gia, còn tiền chị đóng thì không thể lấy lại được vì đã quy thành điểm để nâng cấp gian hàng trên mạng cho chị. Mà khổ nỗi chị cũng chưa được nhìn thấy gian hàng của mình đầu cua tai nheo thế nào vì cả đời đã dùng đến cái máy vi tính đâu mà nói chuyện mua bán trên mạng!

Có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trá hình?

Ngày 16-4, Bộ Công Thương chính thức cảnh báo hiện tượng một số sàn giao dịch thương mại điện tử có dấu hiệu lừa tiền của các tổ chức, cá nhân. Cách thức hoạt động điển hình của những doanh nghiệp dạng này là thiết lập một website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, trên đó cho phép những thành viên đã nộp tiền được mở một gian hàng ảo để giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Sau khi đóng một khoản phí ban đầu thì bên cạnh việc được mở gian hàng ảo trên website, mỗi thành viên được thêm quyền lợi là giới thiệu những người khác tham gia mua gian hàng ảo và hưởng hoa hồng vài chục phần trăm cho mỗi hợp đồng mà mình giới thiệu. Để lôi kéo người tham gia, các doanh nghiệp thường hứa hẹn những mức thu nhập rất cao từ việc “phát triển mạng lưới gian hàng”, theo đó tổng số tiền hoa hồng một người có thể được hưởng (cả trực tiếp và gián tiếp trên các gian hàng bán được theo những tầng tiếp thị bên dưới) được quảng cáo lên đến vài trăm triệu đồng.

Đối chiếu với những khuyến cáo này của Bộ Công Thương, câu hỏi trực diện được đặt ra: hai chi nhánh của Công ty Cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến MB24 tại Dak Lak phải chăng có dấu hiệu biến tướng thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp trá hình? Qua tìm hiểu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, được biết Chi nhánh Công ty Cổ phần đào tạo mua bán trực tuyến MB 24 tại buôn Suk, xã Ea Đar, huyện Ea Kar, có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động mã số chi nhánh: 0105328486-032 do Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh cấp ngày 17-10-2011, và chi nhánh này đăng ký thay đổi lần thứ 1 ngày 27-4-2012 với nội dung thay đổi thông tin người đại diện chi nhánh. Chi nhánh Buôn Ma Thuột  tại  A8, khu Hiệp Phúc, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động mã số chi nhánh: 0105328486-040 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cấp ngày 27-12-2011. Cả hai chi nhánh này đều có ngành nghề kinh doanh giống nhau là: tổ chức giao tiếp và xúc tiến thương mại; lập trình máy tính; hoạt dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan (chi tiết: khắc phục sự cố máy tính, cài đặt phần mềm); buôn bán vải; hàng may sẵn; giày dép; bán buôn đồ uống; bán buôn thực phẩm; bán buôn ô tô và xe có động cơ khác…

Còn việc thực hiện các nghĩa vụ thuế của hai chi nhánh này, Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột, đơn vị trực tiếp  quản lý về mặt thuế đối với chi nhánh MB24 tại A8, khu Hiệp Phúc, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Về thuế thu nhập doanh nghiệp, chi nhánh này đóng qua công ty mẹ ở Hà Nội, còn ở đây, chi nhánh có nghĩa vụ đóng thuế giá trị gia tăng (VAT), nếu phát sinh thu nhập cá nhân thì đóng thuế thu nhập cá nhân. Đến thời điểm cuối tháng 5-2012, chi nhánh  chưa đăng ký sử dụng hóa đơn với Chi cục Thuế thành phố; tờ khai thuế tháng 1, tháng 2 và tháng 3-2012 của chi nhánh đều thể hiện không có doanh thu, có nghĩa không phát sinh lợi nhuận để đóng thuế VAT. Theo quy định, nếu như không phát sinh lợi nhuận thì không có nghĩa vụ đóng thuế là chuyện bình thường. Nhưng với con số hàng nghìn hội viên đã tham gia mua gian hàng và niềm tự hào nhiều người đã lên “VIP”, mà hoạt động của chi nhánh này không phát sinh doanh thu là điều phi lý. Trong khi qua tìm hiểu được biết: Gian hàng 5,2 triệu đồng mà MB24 gọi là “gói tiện ích” chia sẻ với khách hàng khi bán ra sẽ được trích 10% để lại cho văn phòng công ty thu, 3% là phí đào tào, 87% số còn lại thưởng cho những người có công xây dựng chợ giao dịch (thực chất là người đứng đầu hệ thống và hoa hồng cho người giới thiệu). Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột đã có văn bản mời lãnh đạo chi nhánh lên giải trình, chi nhánh cử kế toán lên nhưng kế toán của công ty không giải trình được; gọi điện cho lãnh đạo chi nhánh, không nghe máy! Điều đó cho thấy, hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa qua chợ điện tử là thứ yếu mà hoạt động chính của chi nhánh này là mua bán “sản phẩm” gian hàng ảo! Nhưng việc mua bán này không được thể hiện trên sổ sách, chứng từ, cũng có nghĩa rằng ngân sách nhà nước đã thất thu với một khoản tiền không nhỏ.

Có thể nói việc mua bán gian hàng ảo với mô hình “nhị phân cấp tiến bất đồng đẳng” để phân chia tiền hoa hồng rõ ràng đã có dấu hiệu của kinh doanh đa cấp, một lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm đòi hỏi tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật. Chiêu bài kinh doanh này cần sự vào cuộc của ngành chức năng với câu trả lời chính thức để ngăn chặn hành vi trục lợi tinh vi trên, tránh hậu quả cho nhiều người. Và người dân khi được mời chào tham gia vào sàn giao dịch thương mại này cần tìm hiểu thật kỹ thông tin về cách thức hoạt động cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của mình, tránh hiểu lầm từ những lời giới thiệu, quảng cáo quá đà về mức lợi nhuận của hội viên.

Đàm Thuần

___________________________________________________________________________________

Theo quy định của pháp luật hiện hành, bán hàng đa cấp là một phương thức tổ chức kinh doanh thông qua nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó người tham gia sẽ được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng hóa của mình và của người khác trong mạng lưới do người đó tổ chức ra và được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 7 Nghị định 110/2005/ NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được thực hiện một số hành vi sau: 1) Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; 2) Yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; 3) Yêu cầu người muốn tham gia phải trả tiền hoặc trả bất kỳ khoản phí nào dưới hình thức khóa học, khóa đào tạo, hội thảo, hoạt động xã hội, hay các hoạt động tương tự khác để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp trừ tiền mua tài liệu theo quy định; 4) Cam kết cho người tham gia trả lại hàng hóa và nhận lại khoản tiền đã chuyển cho doanh nghiệp; 5) Cản trở người tham gia trả lại hàng hóa phát sinh từ việc chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; 6) Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; 7) Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia có quyền hưởng; 8) Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; 9) Cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.

Nguồn HNM

 

 


Ý kiến bạn đọc