Multimedia Đọc Báo in

Mò cua, bắt ốc: Mưu sinh và thư giãn

21:54, 04/06/2012

Hồ Ea Kao (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) không chỉ là một địa danh quen thuộc, được nhiều người tìm đến vui chơi giải trí dịp cuối tuần, mà còn là nơi mưu sinh của nhiều người dân với nghề mò cua, bắt ốc.

Nhọc nhằn mò cua đêm

Mò cua đồng đêm đêm là nghề mưu sinh của nhiều người dân nghèo sống xung quanh hồ Ea Kao đã hình thành từ nhiều năm nay. Dụng cụ của họ khá đơn giản chỉ một đèn soi, một cái giỏ, bao gai hoặc chiếc xô nhựa để đựng cua. Họ lội xung quanh mép hồ trên vùng nước cạn mò bắt lũ cua đi ăn đêm hoặc núp giữa kẽ đá. Muốn bắt được cua thì đèn soi phải thật sáng, đi không phát ra tiếng động, khi thấy cua phải chụp thật nhanh để cua không kịp chạy trốn, nếu cua nằm giữa kẽ đá phải bịt đường thoát của chúng thì mới bắt được. Theo chân hai mẹ con chị Hoàng Thị Thanh (thôn 6, xã Ea Kao) đi bắt cua cả đêm mới thấy hết nỗi nhọc nhằn của nghề này. Hôm nào cũng vậy, cứ xong bữa cơm tối là hai mẹ con chị lại xách xô ra hồ bắt cua. Gia đình chỉ có vài sào rẫy, đông con nên cuộc sống khá chật vật, mẹ con chị phải tranh thủ đi mò cua kiếm thêm thu nhập. Bình thường, hai người bắt được khoảng 7 kg đem chợ bán được gần 100.000 đồng, nhưng hôm nay, trời nóng cua ít đi ăn đêm nên chỉ bắt được vài kg. Dưới ánh đèn sáng trưng hiện lên đôi bàn tay sần sùi, dày đặc những vết sẹo của chị Thanh vì bị cua kẹp. “Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nên thường xuyên bị cua kẹp chảy máu, lâu dần có mẹo nên đỡ hơn, hễ bắt được cua thì đưa ngay lên khỏi nước, càng cua sẽ tự nhả ra”, chị Thanh nói. Không chỉ vậy, bắt được cua cũng rất vất vả, vì cua nằm sâu trong hang, đôi khi muốn bắt phải dời đi những tảng đá lớn, không cẩn thận sẽ bị đá kẹp vào tay.

 Cuối tuần, nhiều  bạn trẻ  đến  hồ  Ea Kao  câu cá  giải trí.
Cuối tuần, nhiều bạn trẻ đến hồ Ea Kao câu cá giải trí.

Về khuya mát trời, không gian yên tĩnh cũng là giờ cua tỏa đi ăn đêm nhiều, nên người đi bắt đổ về hồ cũng đông hơn, khoảng 20 người. Những bước chân nhẹ nhàng, rón rén không để khua nước, từng chú cua ham ăn hoặc mê đèn lần lượt bị tóm bỏ vào giỏ. Tranh thủ lúc giải lao mồi điếu thuốc, anh Lê Thanh Hợp cho biết: trước đây cua ở hồ Ea Kao nhiều vô kể, người đi bắt cua rất đông. Bây giờ cua ít dần nên người làm nghề này cũng vắng hơn. Nghề này tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe như vấp đá hoặc đạp phải mảnh chai, cọc gỗ dưới hồ làm mình dễ bị thương…Cách đây mấy năm, anh Hợp bị đá đè gãy một ngón tay, phải điều trị hơn 2 tháng, anh định bỏ nghề, nhưng không biết làm gì hơn nên tiếp tục mò cua mong kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống; và những người đang mò cua dưới rìa hồ kia, ít nhiều đều có hoàn cảnh giống anh Hợp.

Đến thú vui của những người khác

Khác với cảnh đêm đêm nhọc nhằn nghề mò cua kiếm sống, hàng ngày, hồ Ea Kao còn là nơi thu hút nhiều người đến bắt ốc, câu cá, nhưng là để thư giãn. Họ đến đây câu không bắt buộc phải được nhiều cá mà quan trọng là được vui chơi, hòa mình với thiên nhiên sau những ngày làm việc, học tập căng thẳng. Nhưng thú câu cá cũng lắm công phu, từ việc sắm một chiếc cần chuẩn, mồi câu ngon, chọn vị trí thả câu thuận lợi, đến cách móc mồi sao cho phù hợp với từng loại cá thì mới câu được chúng... Ngoài ra, câu cá còn đòi hỏi sự kiên trì, vì có khi ngồi cả ngày, giật cần câu mỏi tay mà chỉ được vài con cá nhỏ. Vậy  nhưng chẳng thấy ai phàn nàn, âu cũng chỉ là để thỏa niềm đam mê. Nhóm nào may mắn câu được cá, họ nhóm lửa nướng để nhậu ngay bên hồ và trò chuyện, ca hát rôm rả. Đều đặn vào dịp cuối tuần, nhóm bạn của anh Nguyễn Bá Huy thường rủ nhau đến hồ câu cá. Hôm nay, cả 4 người câu được gần chục con rô phi, đủ để khề khà vui vẻ với nhau bằng món cá nướng chấm muối tiêu. Anh Huy chia sẻ: câu cá vừa là thú vui vừa là dịp gặp bạn bè cùng sở thích hàn huyên vào những ngày cuối tuần. Phía xa xa, nhóm của chị Nga cũng đang vừa câu vừa chuyện trò rôm rả. Thả câu hơn tiếng đồng hồ mới giật được một con cá nhỏ, nhưng cũng khiến chị Nga rất vui vì mới theo bạn học câu cá hơn tuần nay.

Trong khi đó, hàng chục sinh viên nam nữ cũng đang lom khom dưới hồ bắt ốc. Vào mùa này, hồ cạn, ốc nhiều nên dễ bắt, chỉ cần xắn quần lội dọc mép hồ là có thể bắt được. Cuối tuần nào mà không có điều kiện về thăm gia đình là Nguyễn Thị Thủy (sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên) lại rủ mấy người bạn cùng ra hồ Ea Kao bắt ốc. Họ mang theo cả bánh mì ăn trưa và mò ốc xoắn từ sáng đến chiều, mỗi người được một túi đầy, tối về gom lại được rổ to, thế là có bữa “cải thiện” bằng món ốc xào hoặc luộc để cả xóm trọ vui rôm rả dịp cuối tuần. Thủy chia sẻ: sinh viên không có tiền đi chơi nên “bày trò” bắt ốc vừa vui, vừa có bữa cải thiện, để mọi người cùng xóm trọ lại có thời gian gần gũi, chuyện trò với nhau…

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc