Multimedia Đọc Báo in

Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y tế - Nhu cầu cấp thiết

07:55, 27/06/2012

Đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người bệnh, sự bất đồng trong mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, những tiêu cực trong khám chữa bệnh… cho thấy cần thiết phải có một đội ngũ những người làm nghề công tác xã hội (CTXH)) chuyên nghiệp trong ngành y tế để giải quyết được những vấn đề có tính xã hội nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân…

Nhu cầu nghề công tác xã hội trong ngành y

Chị Phan Thị Huyền ở phường Tân Lập than thở: Không may mắc phải căn bệnh nan y luput ban đỏ biến chứng thận-huyết học-tán huyết/ bệnh khúc xạ mắt nên mỗi tháng tôi đều phải đi tái khám và lấy thuốc điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Tôi có tham gia BHYT tự nguyện nên muốn làm thủ tục chuyển viện để giảm bớt chi phí điều trị. Nhưng, mỗi lần đi lại phải xin giấy chuyển viện từ Bệnh viện TP. Buôn Ma Thuột lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, rồi lại tiếp tục làm thủ tục chuyển viện lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Mỗi lần chuyển viện là lại thêm một lần khám, xét nghiệm, siêu âm… rất nhiêu khê, đó là chưa kể đến không ít lần bị gây phiền hà, rắc rối khiến những người thân trong gia đình bức xúc và gây mâu thuẫn với các y, bác sĩ… Chính vì vậy, không chỉ khổ vì bệnh tật mà còn cảm thấy áp lực, sợ hãi vì mỗi lần phải đi tái khám… 


Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức bữa ăn miễn phí cho các bệnh nhân nghèo là người dân tộc thiểu số.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức bữa ăn miễn phí cho các bệnh nhân nghèo là người dân tộc thiểu số.

Anh Trần Thịnh ở xã Krông Buk, huyện Krông Pak mắc bệnh thường xuyên phải đi tiểu rất bất tiện nên quyết định đi khám. Sợ vào bệnh viện Nhà nước nhiều thủ tục phiền hà chờ đợi lâu nên anh Thịnh đến phòng khám tư nhân được coi là khá uy tín và chất lượng cao trong tỉnh. Sau khi làm đủ các loại xét nghiệm và khám, siêu âm, bác sĩ kết luận anh bị suy thận và kê đơn, bán thuốc với giá… cắt cổ, đồng thời hẹn tái khám sau 1 tuần cùng lời cam đoan sẽ chữa khỏi sau 1 tháng. Anh Thịnh uống thuốc được vài ngày thì có người anh họ là bác sĩ ở TP. Hồ Chí Minh về chơi, khi xem bệnh án cùng thuốc của bác sĩ kê đã ngạc nhiên vì chẩn đoán bệnh thận nhưng lại cho thuốc điều trị dạ dày (giá thuốc chỉ bằng 1/10 số tiền mà bác sĩ đã bán). Người anh họ liền đưa anh Thịnh về TP. Hồ Chí Minh khám lại và phát hiện thận hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ vì một loại vi khuẩn trong dạ dày gây ra làm người bệnh ăn uống khó tiêu và tiểu tiện nhiều. Như vậy, bác sĩ trước đây cho toa thuốc đúng bệnh nhưng cố tình chẩn đoán sai, nói bệnh nặng để bán thuốc lấy tiền nhiều, trục lợi…

Đó chỉ là một số trường hợp cụ thể trong khá nhiều trường hợp mà thời gian qua người dân đã bất bình, phàn nàn về thái độ phục vụ cũng như y đức, chuyên môn của y, bác sĩ ở các tuyến y tế từ cơ sở đến huyện, tỉnh. Đặc biệt, đã có không ít vụ việc người nhà bệnh nhân đánh đập, đe dọa bác sĩ, cho rằng họ không tư vấn, điều trị kịp thời cho bệnh nhân dẫn đến những hậu quả đau lòng… Trên thực tế, do hệ thống khám chữa bệnh, nhất là tuyến tỉnh thường trong tình trạng quá tải, có bác sĩ một ngày khám tới 80 thậm chí tới hơn 150 bệnh nhân nên rơi vào tình trạng…quá mệt mỏi, không còn sức để trả lời bệnh nhân về tình trạng bệnh của họ. Nhân viên y tế không có đủ thời gian và khả năng để giải quyết nhiều nhu cầu bức xúc của bệnh nhân như: cung cấp thông tin về giá cả, chất lượng, địa điểm các loại dịch vụ, tư vấn về phác đồ điều trị, cách phòng ngừa, trấn an tinh thần cho người bệnh… Do vậy, đã nảy sinh nhiều vấn nạn ở các bệnh viện như “cò bệnh viện”, tiêu cực, sự không bằng lòng của người bệnh, gây căng thẳng, thậm chí xung đột giữa bệnh nhân và thầy thuốc. Nếu bệnh viện có phòng công tác xã hội thì bác sĩ có thể giới thiệu bệnh nhân đến đó để được nhân viên giải thích rõ ràng hơn về bệnh trạng, giúp họ cảm thấy yên lòng, tránh được những bức xúc và xô xát. Bởi lẽ đó mà bệnh viện, cơ sở y tế là nơi hơn ở đâu hết rất cần đến hoạt động của đội ngũ nghề CTXH.

Nghề công tác xã hội mang tính tự phát

Thời gian gần đây, tại một số bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Đa khoa Tỉnh, Bệnh viện Thiện Hạnh… đã duy trì những hoạt động xã hội như bố trí nhân viên chuyên phụ trách công việc: hướng dẫn, tư vấn quy trình khám chữa bệnh; vận động các cá nhân, tổ chức hỗ trợ kinh phí giúp người bệnh... Nhờ vậy, việc khám chữa bệnh diễn ra nhanh hơn, tạo sự hài lòng cho người bệnh, giảm căng thẳng cho bác sĩ. Tuy nhiên, hầu hết đây chỉ là cách làm mang tính tự phát của một số bệnh viện hoặc mang tính từ thiện do một vài cá nhân, tổ chức tự nguyện tham gia và mới chỉ dừng lại ở mức hướng dẫn phòng khám cho bệnh nhân; hỗ trợ bệnh nhân giải quyết một số nhu cầu bức thiết như bếp ăn từ thiện, gây quỹ từ thiện… Bên cạnh  đó, nhiều cơ sở y tế và cộng đồng đã hình thành các tổ chức hoạt động CTXH như: tổ Từ thiện xã hội hay nhóm CTXH tham gia hỗ trợ người có HIV/AIDS, bệnh nhân tâm thần, giúp phục hồi chức năng tại xã, phường… Các mô hình này đã hỗ trợ thầy thuốc trong phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp, góp phần giảm bớt khó khăn trong quá trình tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh. Song, những hoạt động này cũng mới chỉ mang tính tự phát, đội ngũ tham gia chủ yếu vì lòng nhiệt huyết và kinh nghiệm chứ chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng nên thường thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Trên thực tế, mạng lưới y tế thôn, buôn cũng là một hình thức hoạt động của nghề CTXH. Cụ ông Nguyễn Văn Tự cùng con cháu ở Tổ dân phố 4, thị trấn Krông Kmar (Krông Bông) không ngớt lời cảm ơn và khen ngợi bác sĩ H’ Loan Ni ê cùng người cộng tác viên y tế Nguyễn Thị Tam đã hết lòng chăm sóc, thăm hỏi, động viên cụ bà Nguyễn Thị Thèo bị ung thư hạch cổ, giúp bà yên tâm, vui sống những ngày cuối đời… Chị Tam cho biết, là người mẹ đơn thân, chồng chết vì bệnh hiểm nghèo từ khi rất trẻ, một mình nuôi 2 đứa con gái nên hơn ai hết chị thấu hiểu sự cần thiết có người an ủi, động viên, tư vấn, giúp đỡ những khi bệnh tật, khó khăn… Chính vì vậy chị nhận làm cộng tác viên y tế tổ dân phố hoàn toàn từ cái tâm của mình, bởi phụ cấp công việc chỉ 200 nghìn đồng/ tháng không đủ tiền xăng xe đi lại chứ chưa nói đến công sức, thời gian bỏ ra để thực hiện công tác giúp đỡ, thăm hỏi...

Phát triển nghề mới: nhiều khó khăn

Nghề CTXH trong ngành Y tế có vai trò rất quan trọng đối với việc chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, bệnh viện…, đặc biệt là chăm sóc tâm lý xã hội cho bệnh nhân khủng hoảng tâm thần, người nghiện ma túy, bệnh nhân HIV, phụ nữ đơn thân, trẻ em bất hạnh; đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân, với những người xung quanh, với cơ sở y tế… Hoạt động CTXH ở bệnh viện không chỉ hỗ trợ bệnh nhân mà còn có tác dụng hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc, nâng cao hiệu quả điều trị, chất lượng dịch vụ cũng như làm gia tăng sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế. Để làm được những điều này, người làm CTXH y tế phải được đào tạo một số kiến thức chuyên môn nghiệp vụ nhất định. Nhưng điều cơ bản là phải có tâm, chú trọng tìm hiểu đặc điểm tâm lý, xã hội, hoàn cảnh thực tế mà bệnh nhân đang phải đối mặt cùng những mong muốn để giúp người bệnh cũng như thân nhân của họ vững tâm điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.

Theo “Đề án phát triển nghề công tác xã hội trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2011 - 2020” của Bộ Y tế, nước ta hiện có hơn 1.100 bệnh viện. Để đạt mục tiêu đến năm 2020, 80% bệnh viện tuyến Trung ương và 60% bệnh viện tuyến tỉnh triển khai hoạt động CTXH thì phải cần hàng nghìn nhân viên làm nghề CTXH chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, hiện trạng và nhu cầu sử dụng đội ngũ nhân viên CTXH trong ngành Y tế còn nhiều hạn chế. Bệnh viện ở tất cả các tuyến của khu vực công lập cũng như ngoài công lập, hoạt động khám chữa bệnh mới chỉ được thực hiện bởi các nhân viên có trình độ chuyên môn về y tế, còn các biện pháp trị liệu về xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Qua tìm hiểu cho thấy hầu hết lãnh đạo ngành Y tế cũng như các bệnh viện chưa hiểu rõ vai trò nghề CTXH trong ngành y tế, nhiều người cho rằng việc này “làm khó” bệnh viện khi phát sinh thêm một bộ phận mới phải trả lương, gây khó khăn trong hoạt động tài chính của bệnh viện… Chính vì vậy, Đề án đưa ra mục tiêu đến hết năm 2015 phấn đấu có 70% lãnh đạo các cơ sở y tế thuộc tuyến trung ương, tuyến tỉnh nhận thức đúng về vị trí, vai trò của nghề CTXH trong chăm sóc sức khỏe sinh sản và cam kết triển khai thực  hiện.

Có thể thấy nhu cầu sử dụng đội ngũ nhân viên CTXH của ngành Y tế hiện nay là rất lớn và rất cần thiết ở mọi cấp độ, song cần phải căn cứ vào nhu cầu thực tế và khả năng đáp ứng để xác định lĩnh vực ưu tiên, lộ trình phát triển sao cho phù hợp. Thiết nghĩ, ở Dak Lak trước mắt cần ưu tiên hình thành mạng lưới hoạt động CTXH tại các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến tỉnh và huyện. Tiếp đến phải đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ y tế thôn buôn sẵn có để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ y tế thôn buôn vẫn làm liệc bằng “cái tâm” chứ ít được bồi dưỡng về nghiệp vụ y tế, nghiệp vụ tư vấn ở cộng đồng và số tiền phụ cấp quá ít ỏi (Chỉ 207.000 đồng/ tháng). Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ Sở Y tế cho biết: “Trong văn bản của Chính Phủ chỉ quy định về chế độ phụ cấp cho cán bộ y tế thôn, buôn, bản, sóc, bom ở các xã vùng 3 được hưởng 0,6% mức lương tối thiểu mà không có quy định mức phụ cấp cho cán bộ y tế tổ dân phố. Chính vì vậy, Sở Y tế đã linh hoạt xin phép HĐND chi phụ cấp cho cán bộ tổ dân phố bằng trợ cấp các xã vùng 2 là 0,3% mức lương tối thiểu, tương ứng với hơn 200.000 đồng/ tháng. Kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới Sở Y tế sẽ đệ trình xem xét điều chỉnh lại mức phụ cấp này phù hợp và thỏa đáng hơn.” Hy vọng rằng, ngành Y tế sớm triển khai Đề án phát triển nghề CTXH trong lĩnh vực y tế với những nội dung và giải pháp phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Ngày 23-5-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt “Đề án phát triển nghề CTXH  giai đoạn 2010-2020”, với mục tiêu đưa CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế xây dựng “Đề án phát triển nghề CTXH trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2011-2020” với mục tiêu: góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 36,5 tỷ đồng.

Minh Quân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.