Sinh viên lao đao vì "bão" giá
Với nhiều sinh viên, việc tính toán chi tiêu sao cho hợp lý để đủ trang trải cho sinh hoạt và học tập là một việc khó khăn trong khi giá cả ngày càng leo thang.
Giá tăng, bữa ăn của sinh viên ngày càng đạm bạc hơn với rau, củ. |
Ngay khi có tin lương tăng, các mặt hàng ồ ạt tăng theo, từ các loại thực phẩm đến giá phòng trọ, quần áo, giày dép cũng đồng loạt tăng. Trong khi đó, mức “lương” của sinh viên (trợ cấp của gia đình, tiền làm thêm) không tăng khiến đời sống sinh viên vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Đặc biệt là những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mỗi tháng gia đình chỉ chu cấp được 1-1,5 triệu đồng. Số tiền đó tuy ít ỏi nhưng với quê nghèo, đó là cả một tháng dành dụm, chắt chiu của gia đình. Vì thế, hầu hết sinh viên không dám xin thêm mà chỉ còn cách thắt chặt chi tiêu tối đa như: nhịn ăn sáng, cà phê, bữa ăn chỉ đạm bạc với rau, củ quả, đậu phụ chiên... Kiều Thị Thu Trang, sinh viên năm ba, Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: Nhà nghèo, mỗi tháng mẹ cho hai chị em 2 triệu đồng. Trước đây, để có tiền trang trải chi tiêu, cả hai chị em đều nhận pha chế ở quán cà phê gần phòng trọ từ 5 giờ sáng tới 11 giờ trưa với mức lương 700.000 đồng/tháng cũng sống tạm. Nhưng rồi giá xăng tăng, tiền điện, nước, phòng trọ cũng kéo nhau tăng lên, dù rất tiết kiệm hai chị em cũng không đủ tiêu. Vì vậy, bên cạnh “viện trợ gạo”, ba mẹ còn trồng thêm rau, củ quả trong vườn để mỗi khi Trang về mang theo ăn đỡ vài ngày. Không ít sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn thì chọn cách xin vào ký túc xá để ở nhằm giảm bớt tiền phòng hoặc ở chung 3-4 người/phòng, cùng nấu ăn để bữa ăn có thêm thịt hoặc cá. Chợ Ea Tam, ngôi chợ vốn nổi tiếng với cái tên “chợ sinh viên”, giá rau củ quả luôn thấp hơn các chợ khác khoảng 20-30% nay cũng tăng giá theo gần bằng các chợ khác. Vì thế, việc tính toán sao để có bữa cơm vừa ngon vừa rẻ để đủ tiền chi tiêu cả tháng là cả một vấn đề.
Sinh viên Trần Thu Huyền chia sẻ, để mua được thức ăn rẻ, phải đi một vòng tham khảo giá cả các mặt hàng sau đó mới quyết định ăn món gì.
Ngay cả những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khá giả nay cũng sống chật vật hơn. Hầu hết các bạn đều hạn chế đi chơi, đi quán cà phê và thay vì ăn sáng ở quán thì nay chuyển qua ăn mì gói với rau, trưa về nấu cơm chung với hàng xóm.
Không chỉ sinh viên mà những cựu sinh viên mới ra trường chưa có việc làm ổn định hay những công nhân ở các phòng trọ cũng lâm vào hoàn cảnh trên. Anh Nguyễn Văn Định, thợ mộc ở một xưởng mộc xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, trước đây sau tan ca thường về phòng trọ ở với anh trai để anh em đỡ cô quạnh. Nhưng từ khi giá xăng tăng thì anh chuyển về ăn ở ngay tại xưởng, chỉ cuối tuần, ngày nghỉ mới lên thăm anh trai để tiết kiệm xăng xe.
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc