Thị xã Buôn Hồ: Nguồn vốn cho đoàn viên thanh niên lập nghiệp còn hạn chế so với nhu cầu
Trong những năm qua, bằng nhiều hoạt động thiết thực, tổ chức Đoàn các cấp ở TX. Buôn Hồ đã đẩy mạnh phong trào “Bốn đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp” nhằm động viên, hỗ trợ và khuyến khích đoàn viên thanh niên lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên quê hương mình. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của phong trào này là hạn chế về nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khiến không phải thanh niên nào cũng dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay này. Điều đó dẫn đến tình trạng không ít đoàn viên, thanh niên có dự án, mô hình kinh tế khá tốt nhưng không có vốn để triển khai.
Có thể thấy, từ phong trào hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, trong thời gian qua, với sự hỗ trợ, tiếp sức kịp thời của các tổ chức Đoàn đã giúp nhiều thanh niên trên địa bàn TX. Buôn Hồ có điều kiện thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế khá hiệu quả, không ít thanh niên đã vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn này. Song có một thực tế là công tác trợ vốn hiện vẫn chưa đủ lực để thanh niên phát triển kinh tế, số đoàn viên thanh niên được vay vốn còn khá ít so với tổng số thanh niên có nhu cầu ở trong huyện. Đến nay, nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TX. Buôn Hồ ủy thác cho Thị Đoàn Buôn Hồ chỉ trên 5 tỷ đồng, với khoảng 1.000 đoàn viên, thanh niên được tiếp cận nguồn vốn vay này. Số vốn này còn quá ít so với con số hơn 33.000 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thị xã; trong đó có không ít đoàn viên, thanh niên đang có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, đa số đoàn viên, thanh niên còn sống chung với gia đình, trong khi theo quy định, nếu cha hoặc mẹ đã vay từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội thì thanh niên đó không được vay nữa. Điều đó đã gây khó khăn cho thanh niên trong việc tiếp cận được với nguồn vốn.
Sau nhiều cách xoay xở, đến nay anh Lộc Văn Tiến ở thôn 3, xã Ea Siên (TX.Buôn Hồ) vẫn chưa thể tiếp cận được với nguồn vay để chuyển đổi sang mô hình trang trại nuôi heo, gà mà anh đã đi tham quan, học hỏi nhiều nơi và nhận thấy rất hiệu quả. Vì thế, gia đình anh vẫn chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập từ 4 sào ngô và 500 cây cà phê mỗi năm với khoảng gần 40 triệu đồng, chỉ đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày, không có tích lũy làm giàu. Đối với trường hợp anh Hoàng Văn Thị ở thôn 1A, xã Ea Siên (TX.Buôn Hồ), để có chuồng trại nuôi heo và gà, anh đã vận động gia đình đầu tư hơn 30 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua con giống. Hiện tại anh Thị đang nuôi 3 con heo nái, 15 con heo thịt và nuôi thêm gà. Do giải quyết được khâu tiêu thụ nên anh Thị đang có ý định mở rộng chuồng trại chăn nuôi và nuôi thêm bò vỗ béo. Tuy nhiên, điều khiến anh trăn trở nhất hiện nay là chưa tìm ra nguồn vốn để mở rộng chăn nuôi. Anh Thị tâm sự: “Mặc dù thanh niên trong xã đã chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình, những trang trại làm ăn có hiệu quả nhưng do thiếu nguồn vốn nên không thể chuyển đổi, do đó cái nghèo, cái khó cứ mãi còn đó, không dứt ra được”.
Nói về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Tài, Bí thư Thị Đoàn Buôn Hồ cho biết: Thanh niên nông thôn chủ yếu sống bằng nghề nông nhưng do không có vốn sản xuất nên rất nhiều người phải bỏ địa phương đi làm ăn xa. Vì vậy, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, hướng dẫn mô hình hay và được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật là giải pháp để thanh niên phát triển sản xuất, ổn định kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Tuy nhiên, để làm được điều này, không chỉ cần sự nỗ lực từ phía Đoàn Thanh niên mà cần sự quan tâm, phối hợp của các cấp ngành.
Tường Vy
Ý kiến bạn đọc