Multimedia Đọc Báo in

Tiêu chí thứ "hai mươi"

21:59, 02/06/2012

Tại Hội nghị triển khai thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn Dak Lak vừa được tổ chức hồi cuối tháng 4 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng: Ngoài 19 tiêu chí của chương trình thì cần có một tiêu chí nữa (tạm gọi là tiêu chí thứ 20) để chính quyền các cấp, nhất là cấp xã-phường quan tâm và nhận thức một cách sâu sắc, đầy đủ về vai trò và năng lực quản lý, tổ chức của mình nhằm thực hiện có hiệu quả phong trào trên.

Có thể nói: vai trò và năng lực của những người đứng đầu chính quyền cơ sở có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự thành bại trong chương trình XDNTM hiện nay. Ban chỉ đạo chương trình đã chỉ ra rằng: nơi nào chính quyền sâu sát với đời sống người dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để đề ra các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương… thì nơi đó sẽ đạt được kết quả như mong đợi theo yêu cầu của 19 tiêu chí XDNTM đặt ra. Chẳng hạn, trong công tác rà soát, đánh giá thực trạng theo 19 tiêu chí bắt buộc để lập đề án xây dựng các công trình mới, chính quyền các địa phương không nên đua nhau đề xuất xin thêm công trình (chủ yếu là cơ sở hạ tầng), mà cần xem xét công tâm, nghiêm túc các hạng mục, dự án phục vụ dân sinh, xã hội đã được đầu tư trước đó nhằm hoàn thiện thêm, hoặc nâng cao hiệu quả sử dụng bằng nguồn kinh phí của Chương trình XDNTM đang triển khai. Hơn thế, phải có tầm nhìn xa hơn, bắt đầu từ sự kỳ vọng của người dân, xem họ cần gì để có giải pháp huy động thêm nguồn lực trong cộng đồng cùng với nguồn kinh phí của Nhà nước nhằm xây dựng các công trình thật sự cần thiết, có ý nghĩa lâu dài trong lộ trình XDNTM với trọng tâm là để phục vụ và nâng cao chất lượng đời sống, sản xuất cho người dân trên địa bàn.

Đáng tiếc là vấn đề trên (cũng được hiểu và đánh giá như một tiêu chí) chưa được chính quyền cơ sở quan tâm, nhận thức một cách thấu đáo. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo XDNTM của tỉnh: đến nay có 112 xã (chiếm 73,7% tổng số xã trên địa bàn Dak Lak) đã phê duyệt xong đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Trong đó tiêu biểu là TP. Buôn Ma Thuột: 8/8 xã, các huyện Ea Kar: 14/14 xã, Cư Kuin: 8/8 xã, Krông Ana: 7/7 xã, Krông Pak: 15/15 xã, Krông Bông: 13/13 xã, Cư M’gar: 15/15 xã, Buôn Đôn: 7/7 xã, Lak: 9/10 xã, Krông Năng: 4/11 xã, Krông Buk: 3/7 xã và Buôn Hồ: 2/5 xã. Tuy nhiên, trong công tác quy hoạch này, nhiều địa phương còn đặt nặng, hoặc chú trọng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhiều hơn là quan tâm đến chỉ tiêu phát triển sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Đáng nói hơn, có một số nơi thuê các đơn vị tư vấn có năng lực yếu kém về lập quy hoạch XDNTM cho địa phương mình mà bỏ qua động thái hết sức cần thiết và cực kỳ quan trọng là lấy ý kiến của nhân dân, cũng như các tổ chức, đoàn thể để chỉnh sửa trước khi trình cấp trên thẩm định (!). Quả thật, đây là điều mà những người có trách nhiệm và đứng đầu chính quyền các xã cần nghiêm túc suy nghĩ. Việc lập quy hoạch XDNTM, nhất là ở địa bàn cấp xã cần phải được nhận thức và hành động theo hướng phát huy vai trò chủ thể của người dân, bởi suy cho cùng: XDNTM là để rút ngắn khoảng cách đời sống, mức thụ hưởng giữa các vùng nông thôn với thành thị, qua đó tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới mà vấn đề nông nghiệp nông dân và nông thôn đang được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. 

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc