Vận tải hành khách tuyến Buôn Ma Thuột – TP. Hồ Chí Minh: Dư chấn sau vụ tai nạn tại Cầu 14
Nỗi đau sau vụ tai nạn giao thông kinh hoàng tại Cầu 14 bắc qua sông Sêrêpôk đêm 17-5-2012 cướp đi sinh mạng của 34 người vẫn hiện diện trong mỗi nếp nhà các nạn nhân. Vụ tai nạn đã gây một dư chấn không nhỏ đối với tuyến vận tải hành khách bằng đường bộ này…
Kỳ I: BIẾN ĐỘNG TRONG CHUYỆN CUNG _ CẦU
Người dân Dak Lak nói chung, Buôn Ma Thuột nói riêng có nhu cầu đi lại với TP. Hồ Chí Minh khá nhiều. Đón nhận hung tin vụ tai nạn tại cầu 14 bắc qua sông Sêrêpôk, một thực tế là nhiều người không khỏi e ngại và lo lắng…
Hạ tầng giao thông xuống cấp là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn trên tuyến QL 14. |
Một thông tin rất đáng quan tâm là sau khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc nói trên, lượng khách đến và đi tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột đã tăng đột biến. Cụ thể, từ ngày 8-5 đến ngày 17-5, lượng khách 2 chiều tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột là 9.520 lượt khách. Song từ ngày 18-5 đến ngày 27-5 lượt hành khách đến và đi tại Cảng vọt lên 10.503 lượt khách; tăng gần 1.000 lượt khách. Và theo như giải thích của Phó Giám đốc Cảng hàng không Buôn Ma Thuột Lê Trung Bình thì có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về sự tác động tâm lý sau vụ tai nạn tại Cầu 14 bắc qua sông Sêrêpôk nên nhiều người đã chọn máy bay làm phương tiện di chuyển của mình.
Băn khoăn lựa chọn phương tiện
Tìm hiểu sự tác động tâm lý này theo như một phần nguyên nhân mà ông Lê Trung Bình giải thích, thực tế đã cho thấy những băn khoăn, lo lắng của người dân trong lựa chọn phương tiện khi có việc phải đi TP. Hồ Chí Minh là có thật.
Ông Ngô Mưu trước đây sinh sống tại TP. Buôn Ma Thuột, nhưng nay đã chuyển vào quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Hiện ông vẫn có cổ phần tại một số doanh nghiệp ở TP. Buôn Ma Thuột nên phải thường xuyên đi lại trên tuyến đường này bằng xe khách. Tối 17-5, khi đang ngồi trên xe đi từ TP. Hồ Chí Minh về TP. Buôn Ma Thuột thì hay tin về vụ tai nạn tại Cầu 14. Ông Mưu đã ngay lập tức gọi điện đặt vé máy bay cho hành trình trở về của mình. Ông Mưu cho biết, ông thật sự bàng hoàng khi nhận được thông tin về vụ tai nạn. Trong thời gian tới ông sẽ tăng cường giao dịch, trao đổi công việc qua mạng, bằng điện thoại hoặc đi bằng máy bay nếu công việc quá cần thiết phải về TP. Buôn Ma Thuột. Còn anh Nam ở phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột cũng tỏ ra khá lo lắng khi gần như tháng nào cũng phải đưa mẹ đi tái khám, kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh. Lần gần đây nhất, sau khi tái khám cho mẹ xong xuôi, anh định gọi điện cho hãng xe Thu Đức đặt chỗ về Buôn Ma Thuột thì nghe người nhà thông tin có tai nạn tại Cầu 14 nên đã quyết định mua vé máy bay để về. Anh kể: đại gia đình anh đã họp và nhất trí với phương án hằng tháng mọi người góp tiền để mua vé máy bay cho mẹ đi tái khám bởi vì bệnh tật đã phải lo chạy chữa, không may tai nạn chẳng phải là họa vô đơn chí.
Thế nhưng không phải ai cũng có thể lựa chọn máy bay làm phương tiện lưu thông, nhất là người dân tại các huyện. Đối với nhiều người, ngoài việc tốn kém vượt quá khả năng chi trả, việc đi bằng máy bay còn bất tiện là phải đến TP. Buôn Ma Thuột rồi mới có thể đi được. Vì vậy nói như anh Võ Tiến Thi (thị trấn Phước An, huyện Krông Pak), nghe thông tin về vụ tai nạn thảm khốc tại Cầu 14, ai cũng rùng mình mà thốt lên “xe cộ bây giờ đi cũng sợ” nhưng nếu có việc đi TP. Hồ Chí Minh bằng xe khách vẫn có nhiều thuận lợi như tính cơ động, dễ mua vé, giá cả hợp túi tiền với số đông... Trao đổi về vấn đề này, Chủ nhiệm HTX Vận tải Krông Bông Phan Ngọc Hòa cho hay, khách hàng đi TP. Hồ Chí Minh chủ yếu là có việc rất cần và buộc phải đi như: khám chữa bệnh, đi học…, khi điều kiện kinh tế của hầu hết người dân nông thôn còn nhiều khó khăn thì việc đi bằng máy bay cũng chưa trở thành lựa chọn phổ biến. Tại HTX Vận tải Krông Bông hiện có 22 đầu xe vận tải hành khách tuyến cố định, trong đó có 5 đầu xe chạy tuyến Dak Lak – TP. Hồ Chí Minh vẫn đều đặn xuất bến với lượng khách ổn định. Mỗi ngày HTX Vận tải Krông Bông vẫn vận chuyển gần 100 hành khách xuất phát tại bến từ huyện Krông Bông đi TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Chỉ có lượng khách đăng ký vé đón dọc đường tại các huyện Cư Kuin hay TP. Buôn Ma Thuột (nằm trên lộ trình từ Krông Bông – TP. Hồ Chí Minh) hầu như không còn so với trước đây.
Các nhà xe trải qua giai đoạn “chới với”
Quốc lộ 14 là tuyến giao thông huyết mạch nối các tỉnh Nam miền Trung, Tây Nguyên với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Chỉ tính riêng địa bàn tỉnh Dak Lak, có 52 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đường dài với trên 1.400 đầu xe các loại. Trong đó nhiều đơn vị kinh doanh vận tải có xe tham gia tuyến Dak Lak – TP. Hồ Chí Minh. Dư chấn vụ tai nạn tại Cầu 14 đã ít nhiều ảnh hưởng đến các hãng xe khách, nhất là những hãng xe tại TP. Buôn Ma Thuột. Nhiều hãng xe có thâm niên và uy tín tại Buôn Ma Thuột, lượng khách đi TP. Hồ Chí Minh đã giảm. Ông Lê Thanh Liêm, chủ hãng xe Thanh Khuê cho biết: Trung bình mỗi ngày Thanh Khuê có gần 100 khách đi TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Đặc biệt vào những ngày cuối tuần, hãng luôn trong tình trạng “cháy” vé. Thế nhưng từ sau vụ tai nạn đến nay, lượng khách đã giảm hơn 30%. Nhiều khách hàng thân thuộc của hãng cũng hạn chế đi lại, chuyển sang đi các chuyến xe vào ban ngày hoặc chọn máy bay làm phương tiện cho mình. Ông Liêm cho hay, vừa qua hãng đã đầu tư mua thêm xe mới, để giữ uy tín, các chuyến xe vẫn xuất bến đúng lịch trình đã định dù tỷ lệ ghế trống còn khá lớn. Nếu với đà này, có lẽ nhiều hãng xe sẽ phải mở tuyến ban ngày để đáp ứng nhu cầu và phục hồi kinh doanh - ông Liêm phân tích thêm.
Một số điểm trên Quốc lộ 14 do hạ tầng giao thông xuống cấp khiến các phương tiện đi lại khó khăn. Ảnh: Hoàng Gia |
Một số hãng xe khách xuất phát từ các huyện trong tỉnh cũng trải qua giai đoạn “chới với”. Một đại diện của Hợp tác xã Quyết Thắng, đơn vị có xe gặp tai nạn tại Cầu 14 cho biết, thời gian đầu khi mới xảy ra vụ tai nạn, lượng khách đi xe các tuyến của hãng nói chung, tuyến Dak Lak – TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã giảm rõ rệt.
Đến thời điểm này, việc kinh doanh vận tải hành khách của các hãng xe tại các huyện đã có dấu hiệu “ấm lại”, nhưng vẫn chưa thể hoàn toàn “bình phục”. Hiện tượng tăng – giảm đột biến lượng khách giữa các phương tiện giao thông đi trên tuyến Buôn Ma Thuột – TP. Hồ Chí Minh chưa hẳn là do người dân đang có xu hướng thay đổi phương tiện giao thông sau vụ tai nạn tại Cầu 14 trên sông Sêrêpôk. Đây chỉ là hiện tượng diễn ra trong thời gian ngắn do những ám ảnh từ vụ tai nạn, kéo theo tâm lý lo ngại về sự an toàn khi lưu thông trên tuyến quốc lộ này.
Kì II: VÌ SỰ AN TOÀN TRÊN MỖI CUNG ĐƯỜNG
Đàm Giang Anh
Ý kiến bạn đọc