Multimedia Đọc Báo in

Vận tải hành khách tuyến Buôn Ma Thuột – TP. Hồ Chí Minh: Dư chấn sau vụ tai nạn tại Cầu 14

09:49, 15/06/2012

Kỳ II: VÌ SỰ AN TOÀN TRÊN MỖI CUNG ĐƯỜNG

Vẫn biết sự tăng giảm đột biến lượng khách đi tuyến Buôn Ma Thuột – TP. Hồ Chí Minh sau vụ tai nạn thảm khốc tại cầu 14 chỉ là hiện tượng diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng cũng gợi mở nhiều vấn đề đáng suy nghĩ cho mỗi người, và các ngành chức năng về sự an toàn trên tuyến giao thông có mật độ người tham gia khá lớn này.

Hiểm họa luôn rình rập

Ông Trương Nhất Vương, một trong những lái xe đã có nhiều năm chạy trên tuyến đường Buôn Ma Thuột – TP. Hồ Chí Minh tâm sự thẳng thắn: Tuyến đường này có nhiều điểm mất an toàn giao thông; vào mùa mưa, đường trơn trượt, còn vào mùa khô mặt đường nóng, nếu xe chở nặng và chạy quá nhanh dễ dẫn đến nổ lốp… nên ẩn chứa nhiều hiểm họa tai nạn. Những đoạn đường đèo quanh co, nguy hiểm thì lại ít có đội tuần tra, bắn tốc độ, nên cánh tài xế thường lợi dụng để tăng tốc nhằm tránh những giờ cao điểm bị tắc đường, kẹt xe trong thành phố hoặc để rút ngắn thời gian quay vòng hành trình chạy xe, tăng lợi nhuận… Theo quy định xe phải có thiết bị giám sát hành trình nhưng trên thực tế ngoài những điểm có lực lượng chức năng chặn chốt, bắn tốc độ ra thì ít ai quản lý nên tốc độ xe chạy thế nào chủ yếu vẫn phụ thuộc vào lịch trình quay vòng xe và ý thức của tài xế.

Quốc lộ 14 đang chịu áp lực rất lớn.
Quốc lộ 14 đang chịu áp lực rất lớn.

Những hành khách “ruột” của tuyến Buôn Ma Thuột – TP. Hồ Chí Minh không khỏi than phiền khi những năm gần đây nhiều đoạn trên tuyến đường này xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là đoạn đường từ huyện Đồng Phú (Bình Phước) đến TP. Buôn Ma Thuột. Cụ thể như một số đoạn: đường vào cửa ngõ thị xã Đồng Xoài, thị trấn Đức Phong (Bình Phước); xã Dak R’lấp, xã Kiến Thành, xã Trường Xuân, thị trấn Dak Mil, xã Trúc Sơn, thị trấn Ea T’Linh (Dak Nông); cầu Duy Hòa (TP. Buôn Ma Thuột)… Các “ổ voi”, “ổ gà” xuất hiện trên tuyến đường này khá nhiều, tạo ra những điểm sạt lở; đặc biệt khi trời mưa xuống, có những chỗ nước ngập sâu hoặc tạo thành những bãi sình lầy, trơn trượt, gây khó khăn cho việc đi lại. Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra, là nỗi kinh hoàng với nhiều hành khách. Điển hình như vụ tai nạn giao thông liên hoàn đã xảy ra trên đoạn đường này vào ngày 19-3 vừa qua khiến tình trạng kẹt xe kéo dài gần 20 km trong 2 giờ đồng hồ: Một chiếc xe tải chở củi mang biển số 93C-009.66 đổ dốc cao hướng từ Dak Nông về thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) đã đâm trực diện vào xe tải chở trái cây mang biển số 47C-009.98 đi hướng ngược lại. Cùng thời gian đó, một chiếc xe 5 chỗ biển số 48A-002.82 đi hướng Đồng Xoài về Bù Đăng do bất ngờ không phanh kịp nên đã đâm tiếp vào phía sau xe tải chở trái cây.

Nói về hiểm họa trên tuyến đường này thuộc địa phận tỉnh Dak Lak, Tổng Giám đốc Dự án đường Hồ Chí Minh Phạm Hồng Sơn chỉ rõ là khu vực đầu cầu Duy Hòa, nút giao đài phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đường Lê Duẩn - Nguyễn Thị Định - Phan Huy Chú do chưa được đầu tư cải tạo, hệ thống thoát nước chưa có nên khi trời mưa thường ứ đọng làm phá hủy mặt đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Ông Sơn khẳng định đây là những hạng mục cần được đầu tư ngay nhưng trong điều kiện thiếu vốn, chưa triển khai được, theo đó cần được bổ sung hệ thống cảnh báo ở những vị trí này.

Tìm hướng hóa giải

Vụ tai nạn thảm khốc tại Cầu 14 hẳn là bài học xương máu với những người ngồi sau vô-lăng. Từ kinh nghiệm trong nghề, nhiều lái xe đã đưa ra “tuyên ngôn” của mình rằng: Lái xe khi đã chạy thì phải xác định ở đâu cũng ẩn chứa hiểm họa để luôn tỉnh táo và cẩn trọng.

Một yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến an toàn giao thông mà người dân đặc biệt quan tâm đó là vấn đề nâng cấp, sửa chữa hạ tầng giao thông trên tuyến đường, đặc biệt sau vụ tai nạn nghiêm trọng trên. Trao đổi về nội dung này, Tổng Giám đốc Dự án đường Hồ Chí Minh Phạm Hồng Sơn cho biết: Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ đoạn phía Nam TP.Buôn Ma Thuột được khởi công từ tháng 9-2009 và gồm 4 gói thầu xây lắp. Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Dự án thuộc diện phải tạm dừng thi công từ tháng 3-2011. Trước tình hình đó, được sự đồng ý của Bộ Giao thông – Vận tải, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đã chủ động làm việc với tỉnh Dak Lak để tạm ứng kinh phí của tỉnh tập trung thi công và hoàn thành cầu Ea Tam. Kết quả thực hiện Dự án đến nay: Gói thầu số 1 (Km720+805 – Km723+00) mới bàn giao mặt bằng khoảng 33%, đã thi công được 20%. Gói thầu số 2 (Km723+00 - Km725+464) chưa bàn giao mặt bằng. Gói thầu số 3 (Km725+464 - Km733+853) đã thảm xong toàn bộ bê tông nhựa lớp 1, 5/8,5 km bê tông nhựa lớp 2, tỷ lệ hoàn thành 80%. Gói thầu số 4 (cầu Ea Tam và cầu Duy Hòa) thi công xong và cầu Ea Tam được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2012, tỷ lệ hoàn thành 42%. Năm 2012 tập trung thi công để sớm hoàn thành cầu Duy Hòa và gói thầu số 3. Năm 2013 hoàn thành các gói còn lại (phần lòng đường).  “Do Dự án thực hiện trong khu vực đô thị đông dân cư, mật độ giao thông cao nên công tác bảo đảm giao thông gặp nhiều khó khăn. Vì vậy kiến nghị địa phương tăng cường công tác tuyên truyền ý thức chấp hành giao thông cho người dân, tổ chức lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra kiểm soát giao thông trên tuyến đường”, ông Sơn nói. Cùng với dự án trên, Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Buôn Ma Thuột – Km817 (Gia Nghĩa), do khó khăn về nguồn vốn cũng đang được Ban Quản lý xúc tiến kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT và sẽ đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2012 – 2015 nhằm sớm hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông (Dự án đường Hồ Chí Minh) khu vực Tây Nguyên.

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Thủ tướng Chính phủ có công điện gửi UBND tỉnh Dak Lak về việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; Sở Giao thông – Vận tải cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị vận tải và bến xe chấn chỉnh hoạt động trên địa bàn… Nguyên nhân của vụ tai nạn cũng đã được công bố. Để giảm thiểu tai nạn giao thông trên tuyến vận tải này, ở phạm vi quản lý của tỉnh, ông Bùi Trọng Hóa, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết cùng với biện pháp chủ yếu là tăng cường tuần tra, kiểm soát, Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ tổ chức đi kiểm tra dọc Quốc lộ 14 (địa phận thuộc tỉnh quản lý) để xác định lại các điểm mất an toàn giao thông, trên cơ sở đó có hướng bảo dưỡng, sửa chữa. Bên cạnh đó, người dân và những người hành nghề lái xe cũng đưa ra nhiều kiến nghị đáng quan tâm. Đó là để tài xế đường dài không bị áp lực về mặt thời gian dẫn đến phải tăng tốc, phóng nhanh, vượt ẩu thì áp lực về kinh tế của doanh nghiệp vận tải cần được chia sớt. Nghĩa là nên có những hội bảo trợ doanh nghiệp vận tải, trong những mùa doanh nghiệp ít khách, làm ăn thua lỗ thì nên có chính sách hỗ trợ; nếu thực hiện được điều đó thì doanh nghiệp không chịu quá nhiều áp lực về kinh tế và sẽ không đặt vấn đề lợi nhuận lên trên hết. Lúc ấy người lái xe – nhân viên của doanh nghiệp cũng sẽ không phải chịu áp lực về mặt thời gian, lịch trình quay vòng xe nữa… Mặt khác, các đơn vị quản lý đường bộ, lực lượng cảnh sát giao thông cần làm nghiêm ngặt, quyết liệt hơn, lắp đặt hệ thống camera theo dõi để khi phát hiện bất cứ hành vi nào vi phạm là xử phạt, đánh mạnh vào kinh tế từ đó sẽ thay đổi ý thức của người lái xe…

Đàm Giang Anh


Ý kiến bạn đọc