XE BUÝT: Những câu chuyện nhớ đời
Từ một tài xế xe tải, tôi được nâng hạng lên chạy xe khách, xe buýt. Chạy xe buýt thật sự có rất nhiều niềm vui, vui vì trên xe lúc nào cũng đông đúc, không như xe tải nhiều đêm thức trắng một mình! Còn vui vì cảm giác hạnh phúc khi được đưa đón, phục vụ bà con đi đến nơi về đến chốn an toàn. Mặc dù giờ tôi đã nghỉ và chuyển sang trường lái nhưng không thể quên những câu chuyện, những kỷ niệm của một thời xe buýt để tôi nghiệm ra rằng: trên đường, quan trọng nhất vẫn là ý thức và văn hóa giao thông!
Cho đến lúc chết vẫn nhớ mãi chú bán vé này!
Ngày đầu tôi chạy tuyến Lak - TP. Buôn Ma Thuột. Tất cả còn mới mẻ, bỡ ngỡ và phấn khởi. Nhân viên, tài xế đều trong tâm trạng rất tốt. Có một bà cụ vẫy xe. Xe dừng, bà cụ loay hoay chưa biết lên xuống thế nào thì nhân viên tên Minh hôm ấy đã nhảy xuống bế xốc bà cụ lên xe và đặt vào ghế ngồi ngay ngắn. Sau khi dò dẫm mua vé, cụ già buột miệng: “Đời tôi cho đến lúc chết sẽ nhớ mãi chú bán vé này!”. Tất cả khách trên xe, cho đến tài xế, nhân viên ban đầu hơi bỡ ngỡ, khi hiểu ra ý cụ khen hành động đẹp của nhân viên xe buýt, mọi người đều cười rất vui vẻ. Chứng kiến hành động của nhân viên bán vé, và thái độ hài lòng của cụ bà, tôi cũng rất vui và giữ mãi trong lòng một cảm xúc thật khó tả…
Tài xế vô cảm
Tôi và nhân viên bán vé tên là Hùng đi chuyến cuối cùng từ Buôn Ma Thuột về huyện Lak lúc 17 giờ 30. Trong khi dừng tại điểm dừng xe buýt ở đoạn ngã ba Hòa Bình (Km5), TP. Buôn Ma Thuột đón một vài người khách thì tôi trông thấy có hai cha con đứng cách trạm khoảng 100m. Người cha chừng 45 tuổi, con khoảng 5 hay 6 tuổi gì đó, cùng hai bao hàng khá lớn. Cả hai cha con đứng nhìn xe đón khách và yên tâm là xe sẽ chạy đến đón mình (người dân vẫn nghĩ xe buýt cũng như xe khách, nghĩa là thấy khách là ghé vào đón, chứ có ai biết xe buýt người ta chỉ đón đúng trạm đúng bến!). Khi xe lướt qua, mặc hai cha con cứ vẫy như vẫy đò, còn tôi (lái xe) cứng nhắc, lạnh lùng làm theo luật thẳng tiến (trong bụng nghĩ cứ bỏ vài lần rồi người ta sẽ biết thế nào là đón xe buýt!)
Xe buýt luôn được xem là một phương tiện giao thông tiện lợi ở các đô thị. Ảnh: Gia Thịnh |
Trong bữa ăn tối hôm đó, Hùng cứ bưng bát cơm lên rồi lại đặt xuống: “Anh à, em thấy anh hồi chiều thật quá đáng! Những chuyến khác thì không nói làm gì, đây lại là chuyến cuối. Em cứ nghĩ không biết giờ này hai cha con ông ấy đang ở đâu? Đi xe thồ thì không dưới 100.000 đồng (mà đâu phải ai cũng có mà đi) lại còn hai bao hàng nữa chứ!…”. Hùng nói với tôi bằng thái độ dè dặt, nể nang nhưng cũng không giấu hai giọt nước mắt trên má, khiến trái tim tôi tê dại! Quả thật, sao tôi lại có thể ác độc và máy móc đến như vậy? Tại sao một nhân viên còn nghĩ tốt được như vậy, còn tôi…?!
Hai lần hành khách ném bịch nôn xuống đường và một lần đánh nhau.
Người nôn ra... sắt thép:
Trời mưa bay bay, tại đoạn đường thuộc xã Hòa Thắng (TP.Buôn Ma Thuột), xe buýt đang chạy với tốc độ khoảng 50 km/giờ, hướng về thành phố. Một phụ nữ kéo cửa kính ném bịch nôn xuống đường, thay vì thả nhẹ xuống thì bà ta lại cố ném qua bên kia đường. Cùng lúc đó, xe Tuấn Anh loại 24 chỗ ngồi, đang chạy ngược chiều về hướng Đà Lạt bất ngờ xuất hiện và hứng đúng tầm bịch nôn đang bay. Một tiếng động khô khốc vang lên! Xe Tuấn Anh vòng lại chặn đầu xe buýt. Điều khó tin là sự va chạm giữa túi nôn và xe đã làm kính chắn gió của chiếc xe này vỡ tan! Tài xế và lơ xe cùng hành khách đổ xuống lao qua xe buýt với thái độ rất phẫn nộ. Họ bắt người nào ném bịch nôn xuống đường ra chịu tội và đền kính cho nhà xe. Được số đông hành khách trên xe buýt che chở, người đàn bà ném bịch nôn thoát nạn. Nhà xe Tuấn Anh quay sang bắt đền tài xế. Tôi chỉ biết phân bua: “Anh là tài xế, tôi cũng là tài xế, làm sao biết và làm sao ngăn cản khi một hành khách nào đó bất ngờ muốn ném cái gì đó vào ai, huống hồ đây chỉ là tai nạn ngoài mong muốn. Tôi chỉ có thể báo về Công ty cho xe tới sang khách, đứng lại làm chứng để anh làm bảo hiểm…”. Cũng may, hôm đó xe bị vỡ kính bất ngờ, trong điều kiện trời mưa, đường trơn trượt, nếu không phải tài xế có nghề thì xe đã bị lật và không biết hậu quả sẽ ra sao. Một hành khách tự xưng là công an xã Hòa Thắng đã hòa giải hết sức thuyết phục nên không xảy ra xô xát. Xe Tuấn Anh chịu thiệt, xem như xui xẻo thì phải chịu! Trước khi đi, họ còn kháo nhau: người gì mà nôn ra sắt, thép!
Đánh nhau
Mùng 5 Tết năm 2008, trường hợp tương tự nhưng địa điểm là cánh đồng xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột). Xe buýt đang chạy vào thị trấn Buôn Trấp (Krông Ana). Bịch nôn bay trúng vào đầu xe máy của một thanh niên đi ngược chiều. Anh thanh niên quay xe đuổi theo chặn đầu xe buýt. Sau một hồi chửi và đòi đánh hành khách đã ném bịch nôn xuống đường, anh ta bước về phía tài xế rất nhỏ nhẹ: “Ông phải có trách nhiệm nhắc nhở để hành khách không ném bịch nôn xuống, trúng người đi đường như tôi hôm nay”… Thấy anh ta nói có lý, tôi xin lỗi và hứa sẽ nhắc nhở hành khách ngay. Sau đó tôi hỏi: “Ông nói xong chưa?” Anh ta gật đầu. Tôi bảo: “Ông dắt xe tránh ra để tôi chạy cái”. Anh ta ngoan ngoãn dắt xe và tôi tiếp tục hành trình.
Điều không một ai nghĩ tới đã xảy ra: Tại điểm dừng ngã ba Quỳnh Tân, cách thị trấn Buôn Trấp gần 3 km, khi xe buýt dừng cho khách xuống thì thanh niên ban nãy xuất hiện cùng một người đàn ông mặt mày dữ tợn lao lên đòi lôi cổ tài xế là tôi xuống đánh cho một trận. Hóa ra anh thanh niên này cho rằng: Việc tài xế dám đặt câu hỏi “Ông nói xong chưa?” là một câu nói xấc láo nên anh ta đã đuổi theo gần 20 km và kêu người ra dạy cho tài xế một bài học …
Họ lao vào tôi, lôi tôi từ xe xuống đường. Không có sự lựa chọn, khi tôi đã chứng kiến rất nhiều vụ tài xế Công ty bị hành hung; từng có 3 người trên ba tuyến khác nhau bị đánh phải cấp cứu cả tháng mà sự việc mãi rơi vào im lặng, rồi đâu lại vào đó. Tôi quyết định: nhịn cũng bị đánh thì chi bằng… tự vệ tới đâu thì tới… Và tôi đã may mắn trong trận chiến khi buộc phải đấm chảy máu mũi anh chàng hăng máu nhất. Anh ta một tay hứng máu, một tay ôm mũi nhảy lên xe, dọa về kêu thêm người ra giết tôi! Tôi đến thẳng Công an thị trấn Buôn Trấp báo cáo sự việc và được các anh nhiệt tình cho người đi kèm dẫn xe quay đầu ra…
Hành khách phải đi tù vì tội... anh hùng rơm!
Chuyến xe buýt cuối cùng trong ngày từ thị trấn Buôn Trấp (Krông Ana) về TP.Buôn Ma Thuột xuất phát lúc 19 giờ. Trên xe, ngoài tôi là tài xế và nhân viên bán vé còn có gần chục học sinh ham chơi về muộn. Xe đi chưa được 1 km thì có 5 thanh niên trong tình trạng say rượu dàn hàng ngang trên đường đón xe. Trong tình huống này, dù không có trạm dừng xe buýt nhưng rất khó nếu không dừng, tôi lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: cho lên xe cũng sinh chuyện, mà không cho lên càng lớn chuyện. Tôi quyết định mở cửa cho dù nữ nhân viên bán vé tên Thủy không đồng ý. Đúng như tôi suy nghĩ, 5 thanh niên lên xe thì mạnh ai nấy quậy, người nằm, người ngồi gác chân không cho nữ nhân viên lên phía tài xế, người đi qua đi lại nghênh ngang, người thì la hét, chửi tục… Chưa đầy 300 mét, nhân viên gọi tôi dừng xe cho mấy ông khách này xuống vì không ai chịu mua vé. Tôi lập tức thắng dúi xe lại và cho họ 3 điều kiện: Một là mua vé, ngồi trật tự, tôn trọng nhân viên và tài xế, xe sẽ tiếp tục đi; hai là lập tức xuống xe; ba là tôi sẽ quay xe về công an. Tất cả đều nhao nhao đòi quay xe về công an. Tôi cho xe chạy về phía Công an huyện Krông Ana, nhưng chỉ được một đoạn ngắn thì tiếng đập phá và tiếng kính vỡ vang lên, tiếng nhân viên, học sinh la hét. Nhân viên nói: “Chúng nó đập kính để kiếm đường nhảy xuống, anh dừng lại cho tụi nó xuống đi!”. Tôi cũng hoảng loạn, lập tức dừng xe, mở cửa. Nhưng đám khách say rượu này, người thì dùng gạch đá ném thẳng vào xe, người thì quây đánh tài xế. Tôi phải phi qua cửa sổ chạy trối chết mới thoát thân. Gần như toàn bộ kính của chiếc xe vỡ nát, may mắn là gần chục học sinh và nhân viên chỉ xây xát nhẹ. Sau này TAND huyện Krông Ana đã mở phiên tòa xét xử 2 trong 5 thanh niên nói trên về tội quấy rối và hủy hoại tài sản Nhà nước. Cả hai đều phải vào tù và đền bù toàn bộ tài sản mà chúng đã đập phá.
Bị chấm dứt hợp đồng vì vô ý bỏ rơi nhân viên bán vé
Tôi bị Giám đốc Công ty chính thức ký chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do chung chung: Không đủ điều kiện chạy xe buýt.
Sự vụ bắt đầu từ việc trong khi điều khiển xe buýt tôi đã vô ý để rơi nhân viên bán vé. Buổi sáng hôm đó, nhân viên bán vé mới qua 5 ngày thực tập xin đi bán vé thay cho anh bạn bán vé đi muộn vì ngủ quên. Là lính mới nên anh nhân viên này nhận hàng ký gửi của khách, khi xe dừng, anh ta đã đem hàng giao tận nhà. Vì khách đông, và cũng sơ xuất không để ý, tôi đóng cửa cho xe chạy. Nhân viên bán vé ngay sau đó đã gọi về Công ty. Và kết quả là tôi bị chấm dứt hợp đồng lao động, cho dù bản thân tôi sau 13 năm làm việc đã có nhiều đóng góp, là đảng viên, là cổ đông thành lập công ty… Hơn một năm sau, TAND TP. Buôn Ma Thuột đưa ra xét xử vụ kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng của tôi và tuyên tôi thắng kiện, buộc Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Dak Lak phải hủy quyết định chấm dứt hợp đồng sai luật đối với tôi, đền bù 19,7 triệu đồng, bố trí làm việc trở lại và đảm bảo các quyền lợi như trước đó.
Trong 5 năm chạy xe buýt, tôi vẫn luôn thầm ước rằng: nếu mọi tài xế, nhân viên đều được qua trường lớp huấn luyện phục vụ và hành khách đều có ý thức thì văn hóa giao thông trên xe buýt đã không có nhiều điều để nói đến thế. Và nếu như… lãnh đạo Công ty gần gũi hơn, đáp ứng đầy đủ quyền lợi của người công nhân như Luật Lao động quy định, hiểu, chia sẻ tâm tư nguyện vọng của công nhân và có những biện pháp chấn chỉnh đúng mực thì cũng sẽ không có những câu chuyện buồn như tôi đã kể đọng lại trong đời tài xế xe buýt...
Trương Nhất Vương
Ý kiến bạn đọc