Ấm áp những ngôi nhà tình nghĩa
Những căn nhà nghĩa tình - một Phong trào đền ơn đáp nghĩa đang được triển khai xây dựng ngày một nhiều, góp phần hỗ trợ về nhà ở cho nhiều cựu chiến binh (CCB) có hoàn cảnh khó khăn, đã thực sự mang sức lan tỏa, lay động lòng người.
Gia đình bà Nguyễn Thị Điệp ở tổ dân phố 6, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar trong căn nhà mới khang trang của mình. |
20 căn nhà tình nghĩa cho 20 cảnh đời CCB, với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng đã được xây dựng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Tiền để xây nhà cho CCB khó khăn được huy động từ sự đóng góp của các hội viên trong hội hoặc từ sự vận động, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trong khối đứng ra xây dựng.
Ông Nguyễn Đức Tính, Phó Chủ tịch Thường trực Hội CCB khối Doanh nghiệp tỉnh cho biết: để có được phong trào xây dựng “nhà nghĩa tình đồng đội” hiệu quả như thế này, tại các kỳ đại hội, Hội CCB khối Doanh nghiệp tỉnh đều đưa ra những nghị quyết, trong đó phong trào đền ơn đáp nghĩa được tập trung quan tâm, phổ biến rộng rãi đến từng hội viên hội cơ sở, kêu gọi sự chung tay góp sức của hội viên và đều nhận được sự đồng thuận cao. Hội luôn đề ra chỉ tiêu phấn đấu năm sau xây dựng được nhiều nhà tình nghĩa hơn năm trước, góp phần tích cực giúp các CCB khó khăn vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong cuộc sống. Chỉ tính riêng nhiệm kỳ 2007 – 2012 đã có 20 hộ cựu chiến binh được Hội CCB khối Doanh nghiệp tỉnh hỗ trợ xây nhà.
Ông Nguyễn Hữu Chín, thôn 8, xã Ea Tiêu đang tham gia tu sửa nhà mới được hỗ trợ từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” huyện Cư Kuin. |
Trong cuốn sổ công tác mà ông Tính ghi chép lại, nhiều CCB có nhiều hoàn cảnh rất khó khăn, nhờ được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời từ phía hội mà đến nay đã vượt lên, có cuộc sống ổn định. Đơn cử CCB Đinh Công Xuyên, sinh năm 1956, trú tại khối 4, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Trở về từ chiến trường Campuchia, nhà có ba con nhỏ, vợ thường xuyên đau ốm, bao nhiêu của cải đều tập trung lo chữa bệnh cho vợ nên kinh tế sa sút. Đợt lũ lụt năm 2009 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, gia đình rơi vào cảnh tay trắng phải dựng tạm túp lều tranh tá túc. Biết sự việc, Hội CCB khối doanh nghiệp tỉnh đã về tận nơi khảo sát rồi vận động hội viên đóng góp tiền của để xây nhà cho anh Xuyên. Đầu tháng 8 năm 2010, ngôi nhà hoàn thành, nhận chiếc chìa khóa từ những người đồng đội mà anh Xuyên không khỏi bùi ngùi, bởi từ đây gia đình anh không còn phải sống cảnh gió lùa, mưa dột nữa. Hay như hoàn cảnh chị Nguyễn Thị Xơ, sinh năm 1952, trú tại thôn 1, thị trấn Buôn Trấp, là cựu thanh niên xung phong thời chống Mỹ, không chồng con, bệnh tật liên miên, sau bao nhiêu năm làm lụng nhưng cơ ngơi của chị chỉ là túp lều che tạm. Tháng 9 năm 2010, hội CCB khối Doanh nghiệp tỉnh đã về thăm rồi vận động quyên góp được 30 triệu đồng xây dựng cho chị ngôi nhà mái ngói khang trang, giúp cuộc sống của chị cũng bớt đi phần khó khăn. CCB Nguyễn Văn Ngoạn, sinh năm 1956, trú tại xã Krông Á, huyện M’Drak cũng may mắn được xây tặng nhà nghĩa tình đồng đội mà thoát được cảnh khổ. Vợ không may qua đời do bị sét đánh, anh Ngoạn một mình làm lụng nuôi ba người con ăn học, kinh tế hết sức eo hẹp, cả gia đình phải chui rúc trong một túp lều dựng tạm che bằng bạt. Trong năm 2010, Hội CCB cũng đã về khảo sát, sau đó vận động hội viên, doanh nghiệp xây cho gia đình anh căn nhà nghĩa tình trị giá hơn 30 triệu đồng.
Còn rất nhiều những hoàn cảnh CCB khó khăn được Hội CCB khối Doanh nghiệp tỉnh hỗ trợ xây nhà ở các xã Hòa Phú, Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), xã Cư Bao (Buôn Hồ) hay ở Cư M’gar… đều được ghi chép lại cẩn thận trong sổ công tác của ông Tính mà chúng tôi không thể kể hết được. Nhưng chúng tôi tin chắc một điều rằng, mỗi căn nhà “nghĩa tình đồng đội” khi được xây dựng xong bàn giao cho từng hoàn cảnh, ở đó lại thêm những cái bắt tay, những cái ôm chầm lấy nhau rất chặt, rất lâu và có cả những giọt nước mắt.
Trong niềm vui khôn tả khi vừa khánh thành ngôi nhà mái bằng rộng 60m2 do quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” huyện Cư Kuin hỗ trợ xây dựng với số tiền 30 triệu đồng, ông Hồ Văn Sành ở thôn 3, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) xúc động tâm sự: “Nhiều năm qua, gia đình tôi ở trong cảnh nhà dột nát, trời nắng thì không sao, những ngày mưa gió cả nhà không yên giấc nổi vì nước chảy trong nhà như ngoài sân. Nay được Nhà nước quan tâm, địa phương tạo điều kiện hỗ trợ 30 triệu đồng, cộng với số tiền gia đình vay mượn thêm bà con thân hữu xây dựng được căn nhà này mới khang trang, sạch đẹp. Nếu dựa vào “sức” của gia đình tôi chẳng biết bao giờ mới làm được nhà”. Ông Sành hiện là thương binh 4/4, từng tham gia tại chiến trường miền Nam trong thời gian từ năm 1970 - 1976. Tương tự, hộ ông Nguyễn Hữu Chín, thôn 8, xã Ea Tiêu, cũng được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) huyện Cư Kuin trích số tiền 15 triệu đồng từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của địa phương để hỗ trợ tu sửa nhà, đến nay đang dần đi vào hoàn thiện. Gia đình ông hiện có 6 nhân khẩu, kinh tế dựa vào vài sào rẫy cà phê, tiết kiệm lắm cũng chỉ đủ ăn. Khi được hỗ trợ tiền sửa nhà, ông Chín cảm động lắm. Ông cho biết: là gia đình chính sách, hoàn cảnh kinh tế khó khăn lại đau yếu thường xuyên nên nhiều năm qua, mặc dù vẫn phải sống trong căn nhà ọp ẹp từ lâu nhưng ông không có điều kiện để sửa. “Gia đình tôi cám ơn sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, bà con trong xóm đã giúp đỡ tiền, ngày công để có được ngôi nhà khang trang. Có được nhà mới sẽ giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo” - Ông Chín xúc động nói.
Đến thăm gia đình cựu thanh niên xung phong, bà Nguyễn Thị Điệp ở tổ dân phố 6, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar. Căn nhà mới của bà Điệp những ngày này không ngớt người ra vào thăm vui, chúc tụng. Đây là ngôi nhà tình nghĩa do UBND huyện vận động các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quyên góp, hỗ trợ được 40 triệu đồng, cùng với số tiền vay mượn bà con láng giềng, các con giúp đỡ, tổng cộng khoảng 100 triệu đồng để xây mới với diện tích 90m2. Chồng bà, ông Trần Chiến Thắng cũng là một cựu tù yêu nước bị địch bắt tù đày tại nhà tù Phú Quốc từ năm 1968 đến 1973, suốt thời gian kháng chiến vợ chồng biền biệt, đến khi đất nước giải phóng mới về đoàn tụ gia đình. Tình vợ chồng chỉ sum họp, đầm ấm được vài năm thì ông Chiến lại bị bệnh tâm thần, một tay bà nuôi 3 người con ăn học nên người và người chồng bệnh tật. Năm 1991, khi vào Dak Lak sinh sống, bà và các con phải đi làm thuê làm mướn để mưu sinh, chăm thuốc thang cho chồng, cùng ở trong căn nhà dựng tạm bằng ván ghép, mưa dột nắng tràn. Nay có nhà mới lại luôn được chính quyền địa phương, các sở, ban ngành tỉnh, huyện Cư M’gar quan tâm động viên giúp đỡ, tặng quà mỗi dịp lễ tết, gia đình bà rất đỗi vui mừng, xúc động.
Ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc sở LĐ-TB và XH Dak Lak cho hay: công tác hỗ trợ xây dựng, tu sửa nhà tình nghĩa cho các gia đình có công luôn được Đảng, Nhà nước và ban, ngành các cấp quan tâm sâu sắc. Chỉ riêng từ đầu năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 65 căn nhà tình nghĩa. Tỉnh đang cố gắng đến hết năm 2012 giúp đỡ 319 đối tượng người có công gặp khó khăn về nhà ở cần xây mới và 288 hộ được hỗ trợ kinh phí tu sửa nhà. Những ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng và kịp thời bàn giao cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn… đã thể hiện truyền thống của dân tộc, mang hơi ấm tình người trong đạo lý “Thương người như thể thương thân”.
Lệ Văn – Lê Thành
Ý kiến bạn đọc