Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở vùng biên Ea Súp

09:43, 14/07/2012

Thời gian qua, mặc dù chương trình phòng chống suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em được đẩy mạnh, song huyện Ea Súp vẫn là một trong những địa phương có tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD cao nhất tỉnh. Cải thiện tình trạng SDD ở trẻ nhỏ trên địa bàn đang là vấn đề hết sức nan giải đối với ngành chức năng nơi đây.

Suy dinh dưỡng vì... thiếu chất

Đến thăm gia đình chị Lý Thị Phương (thôn 13, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) đúng lúc 5 mẹ con chị đang quây quần bên mâm cơm tôi không khỏi chạnh lòng. Gọi là mâm cơm nhưng thực chất chỉ có nồi cơm trắng, còn thức ăn là chén nước lọc pha với muối và bột ngọt. Có lẽ do đói bụng nên 3 đứa lớn (đứa 5 tuổi, đứa 4 tuổi, đứa 2) tranh nhau chan cơm với nước ăn ngon lành. Đứa nhỏ nhất hơn 1 tuổi cũng được mẹ bón cho vài miếng cơm chấm muối. Chỉ một loáng nồi cơm đã hết sạch. Thấy chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên, chị Phương giải thích: “Bọn trẻ quen như thế rồi, bữa nào cũng chỉ có cơm trắng với muối nhưng chúng nó ăn được nhiều lắm, có đứa một bữa 4-5 bát. Nhà mình nghèo lắm chỉ mua được gạo cho chúng ăn no bụng thôi, thỉnh thoảng một hai tuần mới mua một bữa rau, bữa thịt…”. Những đứa lớn đã vậy, bữa ăn của đứa nhỏ nhất cũng chẳng có gì hơn ngoài cơm và sữa mẹ. Chị Phương kể, những ngày đi làm rẫy xa nhà, buổi sáng chị nấu nồi cơm to để sẵn trên bếp cho 3 đứa lớn ăn cả ngày, đứa nhỏ nhất chị mang theo lên rẫy. Khi chúng tôi hỏi “Chị đã từng mua sữa cho bọn trẻ uống chưa?”, chị Phương đáp: “Mấy đứa lớn thì không được uống, còn đứa nhỏ thì thỉnh thoảng cũng mua cho mấy hộp sữa tươi, uống hết thì thôi, lúc nào có tiền mới mua tiếp”.

Những đứa trẻ ở thôn 13, xã Cư Kbang  (huyện Ea Súp) ăn mì tôm sống thay cơm.
Những đứa trẻ ở thôn 13, xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) ăn mì tôm sống thay cơm.

Ở vùng dân di cư tự do này hầu như nhà nào cũng vậy, vừa xa chợ, vừa nghèo tiền bạc nên ăn uống rất đạm bạc, thiếu thốn. Với trẻ trong lứa tuổi ăn dặm, ngoài bú sữa mẹ thì chỉ được dặm thêm nước cơm, trẻ trên 1 tuổi ăn dặm mì tôm sống hay quả dưa chuột, hoặc chẳng có gì ngoài 3 bữa cơm chính. Theo chị Cao Thị Thu, cán bộ chuyên trách chương trình Phòng chống SDD trẻ em Trạm Y tế xã Cư Kbang, điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp là những nguyên nhân dẫn tới việc nhiều trẻ em trên địa bàn chưa được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng. Theo lý thuyết, từ thời kỳ ăn dặm trở đi, bữa ăn cho trẻ phải bảo đảm đầy đủ cân đối 4 nhóm thực phẩm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng. Nhưng nhiều gia đình không có điều kiện nên có gì thì cho con ăn nấy, thậm chí sáng ra, trước khi đi làm bố mẹ nấu một nồi cơm cho đàn con từ lớn đến bé ăn cả ngày. Thực tế, ở nhiều vùng, trẻ ăn rất nhiều nhưng bữa ăn chỉ có cơm với muối trắng và bột ngọt nên không thể đủ chất dẫn đến SDD cả về cân nặng và chiều cao. Thêm vào đó, nhận thức của các bà mẹ, người chăm sóc trẻ về phòng chống SDD còn hạn chế, không biết cách cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, nhiều bà mẹ cho con ăn cơm, cháo từ lúc con mới 2 - 3 tháng tuổi. Chính vì vậy mà tỷ lệ trẻ SDD trên địa bàn có xu hướng tăng. Nếu như năm 2011, tỷ lệ trẻ SDD chiều cao là 50,2%, SDD cân nặng là 31,1% thì đến 6 tháng đầu năm 2012 đã tăng tương ứng là 54% và 32,7%.

Những tưởng Cư Kbang là xã vùng sâu của huyện nên tỷ lệ trẻ SDD mới cao, nhưng ngay tại những vùng được xem là có mặt bằng dân trí cao như thị trấn Ea Súp, tỷ lệ này cũng không khả quan là mấy. Số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Ea Súp cho thấy, hiện mức bình quân trẻ SDD cân nặng/tuổi của toàn huyện là 27,5%, SDD chiều cao/tuổi là 34% và SDD còi cọc là 11%. Đặc biệt, những xã vùng sâu, biên giới có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng rất cao, như: Ya Lốp 31%, Ia R’vê 33%, Ya T’mốt 30%, Cư Kbang 32%. Cá biệt, các buôn dân tộc thiểu số tại chỗ của thị trấn Ea Súp có tỷ lệ trẻ SDD trung bình trên 40%.

Cải thiện tình trạng SDD: tuyên truyền đi đôi với cải thiện đời sống

Trên thực tế, ngành chức năng huyện Ea Súp rất quan tâm triển khai chương trình phòng chống SDD. Mỗi năm, Trung tâm Y tế huyện đều có các hoạt động về phòng, chống SDD trẻ em như: tập huấn cho cán bộ y tế thôn, buôn về công tác phòng chống SDD trẻ em; tăng cường công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, trong đó có phòng chống SDD; theo dõi sự phát triển của trẻ qua việc cân đo trẻ theo định kỳ; thực hành bữa ăn dinh dưỡng…. Song, hiệu quả của các hoạt động này không cao mà nguyên nhân chủ yếu lại xuất phát từ điều kiện kinh tế của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn quá khó khăn. Chẳng hạn như, việc tổ chức thực hành bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ tại các xã, thị trấn trên địa bàn là một hoạt động rất thiết thực, giúp các bà mẹ nắm bắt được cách chế biến bữa ăn hợp lý cho trẻ để áp dụng ở gia đình. Thế nhưng, ở nhiều địa phương, tỷ lệ bà mẹ đến tham gia không nhiều vì còn phải đi làm, với những người tham gia, không ít người nắm bắt lý thuyết rất tốt nhưng lại không có điều kiện thực hành vì kinh tế khó khăn. Như chị H’Du Kpa ở buôn B1, thị trấn Ea Súp luôn tham gia đầy đủ các buổi thực hành bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ tại Trạm Y tế thị trấn nên nắm vững lý thuyết, nhưng suốt 6 năm nuôi 2 con nhỏ, chị chưa một lần áp dụng ở gia đình mình. Chị bộc bạch: “Vẫn biết là cho con ăn đầy đủ các chất trong một bữa ăn sẽ rất tốt và tránh được SDD nhưng nhà mình không có tiền để mua những thứ đó đành phải chịu, hằng ngày con mình chỉ ăn cơm với lá sắn nấu canh và muối. Thương con nhưng họa hoằn lắm mình mới mua được ít thịt, cá về cho chúng ăn để bổ sung chất đạm…” Cũng chính vì sự bất khả kháng ấy mà hai con chị đều bị SDD.

Theo bác sĩ Kiều Thị Thanh Hà, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, qua khảo sát hằng năm của Trung tâm nhận thấy, đa số những vùng có tỷ lệ trẻ SDD cao là vùng điều kiện kinh tế nghèo, bà mẹ đông con và thiếu kiến thức về chăm sóc trẻ, đặc biệt là chế độ chăm sóc khi trẻ bị ốm và cho trẻ ăn bổ sung không hợp lý, thực phẩm mà các gia đình cho con ăn không bảo đảm đủ các ô vuông thực phẩm dinh dưỡng. Thiết nghĩ, để cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em ngoài công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe nói chung và phòng chống SDD trẻ em nói riêng cho người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ mang thai và các bà mẹ nuôi con nhỏ, huyện Ea Súp cần tăng cường hơn nữa công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân di cư tự do. Gia đình ít con, đời sống cải thiện, người dân có kiến thức về nuôi dưỡng trẻ nhỏ... đó sẽ là “môi trường” để trẻ em được chăm sóc và phát triển toàn diện.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.