Multimedia Đọc Báo in

Bao giờ Dak Lak cất được “gánh nặng” di dân tự do?

06:11, 18/07/2012

“Gánh nặng” di dân tự do (DDTD) ở các tỉnh khác tràn vào Dak Lak lâu nay được nhắc đến dưới nhiều góc độ khác nhau: từ việc phá rừng làm rẫy trái phép, đẩy nhanh tốc độ gia tăng dân số, làm tăng tỷ lệ hộ đói nghèo, thiếu hụt trường lớp cho con em đi học… đến chuyện tỉnh không thể đáp ứng kịp công tác chăm lo sức khỏe cho người dân, quỹ đất sản xuất bình quân bị thu hẹp, người lao động khu vực nông thôn không có việc làm, khiến các mục tiêu quy hoạch, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương bị phá vở, hoặc rơi vào tình trạng thụ động, chạy theo…

Trước thực trạng này, Dak Lak phải thường xuyên nỗ lực huy động mọi nguồn lực nhằm giải quyết một loạt vấn đề nảy sinh. Con số gần 1.700 tỷ đồng (giai đoạn 2006-2011) được Nhà nước đầu tư bình quân hàng năm cho khu vực nông thôn Dak Lak đã nói lên điều đó. Và trong giai đoạn tới (2011-2015) sẽ tăng lên xấp xỉ 2.000 tỷ đồng/năm - mức đầu tư được coi là cao nhất trong khu vực Tây Nguyên và cả nước. Vậy mà một số chỉ tiêu, kế hoạch đề ra vẫn không đạt được như mong đợi. Vì sao? Câu trả lời là do có một phần tác động từ gánh nặng DDTD. Có thể dẫn chứng một số chỉ tiêu, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội của Dak Lak trong 6 tháng đầu năm 2012 để thấy: tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia mới có 22,3% (kế hoạch 26-26,5%); tạo việc làm mới cho người lao động mới được hơn 12.700 người (KH là 25.600 người); tỷ lệ hộ nghèo chỉ giảm được 1,58% (KH là 3%); tỷ lệ cư dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chưa tới 76% (KH là 80%); độ che phủ rừng, tính cả vườn cao su chỉ đạt 49,2% (KH là 50-51%)… Xa hơn, vào những năm 2000-2005, các chỉ tiêu này còn thấp hơn, mặc dù nguồn đầu tư cho khu vực nông thôn vẫn ở mức khá cao: trên 1.500 tỷ đồng. Theo tính toán, với nguồn lực đó nếu không chia sẻ và gánh thêm số DDTD từ các nơi đổ vào (có giai đoạn  lên tới cả 1000 hộ với 50-70 nghìn dân) thì đời sống kinh tế - xã hội của Dak Lak hẳn đã khác đi, nhất là trên lĩnh vực đời sống dân sinh đã theo kịp một số tỉnh thành phát triển trong cả nước.

Đến nay, DDTD vẫn tiếp tục đổ vào (dù không ồ ạt như trước) đã nâng tổng số hộ dân ngoài quy hoạch này lên hơn 67.200 hộ, với gần 290.000 khẩu (bằng số dân của một huyện trung bình như Krông Buk, Krông Năng). Với số dân này, tất yếu phải cần nguồn đầu tư không nhỏ để ổn định nơi ăn, chốn ở, việc làm, sức khỏe và nhu cầu học hành cho con em họ, đã khiến chính quyền một số địa phương thật sự gặp khó khăn, nan giải. Chẳng hạn như Krông Bông, các dự án quy hoạch cho hàng trăm hộ DDTD vào đây làm ăn, sinh sống  đã quá tải từ 5-7 năm trước, đến nay vẫn còn hơn 120 hộ ở thôn Cư Jak (xã Cư Pui) chưa biết phải di dời về đâu. Huyện Krông Năng, Ea Súp, M’Drak cũng trong hoàn cảnh tương tự, rất khó khăn trong việc bố trí và ổn định đời sống cho hơn 300 hộ DDTD tiếp tục dổ vào cư trú trên địa bàn.

Theo tính toán của các ngành chức năng: từ năm 2012-2015, Dak Lak phải bỏ thêm ít nhất 200 tỷ đồng nữa để lập dự án quy hoạch thêm khoảng 5 vùng dân cư mới cho DDTD. Đó là chưa kể đến một loạt cơ sở hạ tầng kéo theo phải được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, dân sinh cho số dân này.

Đây quả là gánh nặng đối với Dak Lak trong thời gian tới, nếu như không được các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ quan tâm kịp thời. Hơn thế, đó còn là một thách thức một khi việc thực thi qui chế phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau về vấn đề DDTD giữa các tỉnh (có dân đi và dân đến) do Thủ tướng Chính phủ ban hành từ những năm 2004 không được các bên  cộng đồng trách nhiệm, cùng nhau thực hiện với thái độ và quyết tâm cao… 

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc