Multimedia Đọc Báo in

Người đảng viên bình dị

16:53, 22/07/2012

Tôi gặp đại tá Trần Thanh Chương năm 2004 khi anh đảm nhiệm cương vị là người chỉ huy mới của Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) CA tỉnh. Trước đó anh là Trưởng Công an huyện Krông Buk. Năm đó tôi 25 tuổi, anh 50 tuổi. Với tuổi anh, đáng ra tôi phải gọi bằng chú, nhưng anh bảo làm việc ở đơn vị gọi anh bằng thủ trưởng, còn bình thường thì gọi bằng anh cho thân mật. Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh là 1 người tầm vóc nhỏ, nhanh nhẹn, hoạt bát nhưng có vẻ hiền lành hơn nhiều so với thủ trưởng cũ của tôi. Vì vậy, có anh em trong cơ quan từng rỉ tai nhau nói nhỏ: “Ông sếp này hiền quá, làm sao chỉ huy lính hình sự vào sinh ra tử được?!”.

Tất nhiên đó chỉ là ấn tượng ban đầu. Sau nhiều năm công tác, chiến đấu dưới sự chỉ huy dẫn dắt của anh, tôi có thể nhận xét ngắn gọn: Anh là một vị chỉ huy Cảnh sát hình sự có chất lửa, chất thép trong người. Trong 7 năm là Trưởng Phòng Cảnh sát điều  tra tội phạm hình sự (CSĐT TPHS), anh đã trực tiếp chỉ huy đơn vị triệt phá hàng trăm chuyên án, điều tra khám phá hàng nghìn vụ trọng án, bắt hàng nghìn đối tượng truy nã, trấn áp hàng trăm băng nhóm tội phạm, thu hồi hàng nghìn xe máy, ô tô và nhiều tài sản khác. Bề dày thành tích của đơn vị đều mang dấu ấn sự chỉ huy quyết đoán, mưu trí, sáng tạo của anh. Vì thế mà suốt thời gian làm chỉ huy Công an huyện Krông Buk cũ (nay là TX. Buôn Hồ) và Phòng CSĐT TPHS, 2 đơn vị nhiều năm liền đều đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, Đảng bộ cơ sở liên tục đạt danh hiệu “Tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh”.

Nói một cách ví von, đến bây giờ, ở góc độ địa phương, Phòng CSĐTTP Hình sự Công an tỉnh cũng là một “thương hiệu” nổi tiếng. Nhiều người chẳng hề biết mặt ông Chương, nhưng mỗi khi nhắc đến lực lượng CSHS, hầu như ai cũng biết ông Trần Thanh Chương là chỉ huy. Có lần tôi và anh ngồi ăn tối ở vỉa hè đường, thấy bàn bên cạnh một nhóm thanh niên đang bàn tán sôi nổi về chủ đề CSHS, chúng tôi lắng tai nghe xem người ta nói về lực lượng mình như thế nào. Nghe vài anh kể rất hăng về hình ảnh ông Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh như khắc tinh của tội phạm, mỗi khi tấn công trấn áp tội phạm như một vị chỉ huy “oai phong lẫm liệt” cầm quân ra trận, tôi và anh đều phì cười. Anh vui vẻ nói nhỏ: “Cậu thấy đó, người ta chẳng biết mặt mình nhưng cứ thêu dệt lên làm mình ngại quá!”

Là Bí thư Đảng ủy, anh thường tránh giáo điều, cứng nhắc, máy móc khi giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên và cán bộ chiến sĩ. Anh thường nói: “Học tập, làm theo tấm gương của Bác trước hết cần thể hiện trong những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Nếu anh là điều tra viên, trước hết anh phải khách quan, tránh tiêu cực, không làm oan người ngay, không bỏ lọt tội phạm. Nếu anh là trinh sát, trước hết phải tìm tòi sáng tạo, rèn luyện tính độc lập tác chiến. Nếu anh là lái xe, trước hết phải trung thực, thật thà, yêu xe như con, quí xăng như máu. Nếu anh là cán bộ tham mưu, tổng hợp, anh càng phải tận tụy, như con ong làm mật, con tằm nhả tơ”. Mỗi lời Bác dạy, mỗi tư tưởng của Người, anh Chương đều gắn với thực tiễn để giáo dục cán bộ, chiến sĩ. Với những thành tích đã đạt được trong cương vị là Thủ trưởng đơn vị và Bí thư Đảng bộ, nhiều lần anh đã được các cấp khen thưởng, biểu dương, là tấm gương tiêu biểu về học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ở cơ quan, anh là vị chỉ huy gương mẫu, về với đời thường anh là một người chồng, người cha, người ông có trách nhiệm.                  

Lê Hồng Nhật


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.