Multimedia Đọc Báo in

Những khó khăn trong kinh doanh buôn bán tại chợ Buôn Hồ

14:39, 11/07/2012

Sức mua giảm sút, tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này cũng đang diễn ra tại chợ Buôn Hồ.

Đến chợ thị xã Buôn Hồ vào buổi sáng sớm, nhưng không khí buôn bán tẻ nhạt khác hẳn một chợ thị xã vốn có tiếng sầm uất. Các hộ tiểu thương ở chợ cho biết: Thông thường vào thời điểm này chợ kém sôi động vì chưa vào thời vụ thu hoạch cà phê, cũng như đang thời gian nghỉ hè của học sinh. Nhưng năm nay sự trầm lắng càng rõ hơn do kinh tế khó khăn, lượng hàng bán ra mỗi ngày sụt giảm từ 40 đến 50% so với cùng kỳ năm  trước.

a
Cảnh buôn bán trầm lắng, ảm đạm tại các gian hàng may mặc, quần áo

Trong tổng số 538 quầy sạp thuộc 4 khu (Khu A - nhà lồng bán quần áo, giày dép, tạp hoá; khu C bán rau xanh, thịt cá, gia vị; khu D là hàng ăn và nông sản; khu C là hàng may mặc) thì  các gian hàng may mặc, vải vóc, quần áo, dụng cụ gia đình là ế ẩm nhất. Tình cảnh ế ẩm đến mức các tiểu thương cho hay có khi còn đếm được số khách ra vào chợ. Kinh doanh tại chợ Buôn Hồ đã 22 năm, nhưng chưa bao giờ bà Nguyễn Thị Xuân bán giày dép lại lâm vào cảnh buôn bán khó khăn như thời điểm hiện nay. Bà Nguyễn Thị Lý, chủ sạp quần áo may sẵn cũng than thở: “Bỏ chợ thì không biết làm gì, đành bám chợ, kiếm được đồng nào hay đồng đó. Cũng may có đôi tháng giáp Tết còn kéo lại được chút ít”. Có lẽ cũng bởi tâm lý này nên nhiều chủ hàng cầm cự, mở quầy mở sạp giữ mối.

a
Buôn bán ế ẩm, một số quầy sạp treo biển "sang quầy"

Tình trạng kinh doanh ế ẩm, không đủ tiền chi trả các loại thuế khoán, phí... nên đã có khá nhiều quầy sạp kinh doanh vải vóc, quần áo, đồ dùng gia đình bị bỏ trống, hoặc đề biển sang nhượng quầy sạp nhưng cũng không có ai mua.

Ngay cả những hộ tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thiết yếu hằng ngày như thực phẩm, lương thực cũng gặp không ít khó khăn. Hàng bán ra chậm, nhưng hàng hóa nhập vào giá liên tục tăng.

a
Nhiều quầy sạp khu chợ cá, tiểu thương để không dù đã bỏ ra hơn 6 triệu đồng để mua 

Một khó khăn lâu nay đối với Ban Quản lý chợ cũng như tiểu thương chợ Buôn Hồ đó là những bất cập trong việc thiết kế xây dựng. Chợ không có kho chứa hàng, bãi giữ xe quá chật hẹp. Quầy sạp khu bán cá thì xây quá cao, không có chỗ thoát nước nên khoảng 20 tiểu thương dù đã bỏ ra hơn 6 triệu đồng mua quầy sạp cũng đành bỏ không và kiếm chỗ khác ngồi hoặc buôn bán theo kiểu “chợ trời”. Trong khu nhà lồng, diện tích trung bình của một quầy sạp là 6 m2, theo phản ánh của tiểu thương thì cũng khá chật hẹp. Trên tầng 2 của khu nhà lồng, hơn 50 quầy sạp vẫn đóng cửa im ỉm suốt từ thời điểm đưa vào sử dụng là năm 2000 đến nay mà chẳng có tiểu thương nào ngó ngàng, đem hàng lên bán.

a
Tầng hai của khu nhà lồng, hơn 50 quầy sạp đóng cửa im ỉm từ ngày đưa vào sử dụng đến nay

Do các quầy sạp đã được mua bán thẳng với giá 25 triệu đồng/quầy sạp có diện tích 6 m2 cho tiểu thương nên Ban Quản lý chợ thị xã Buôn Hồ hiện nay chỉ có  nhiệm vụ là bảo vệ hàng hoá, bảo đảm an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường. Tiểu thương làm chủ hoàn toàn quầy sạp, gian hàng của họ, khi buôn bán ế ẩm, có chuyển đổi sang kinh doanh mặt hàng khác, gây phá vỡ quy  hoạch trong chợ, Ban Quản lý chợ cũng rất khó khăn để can thiệp.  

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.