Nước đá dùng liền: Có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm?
Ngày 13-1-2011, Bộ Y tế đã có Thông tư số 05/2011/TT-BYT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước đá dùng liền (nước đá dùng trong ăn, uống trực tiếp), trong đó quy định khá chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và yêu cầu quản lý. Dẫu vậy, đến thời điểm này, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong sản xuất nước đá dùng liền trên địa bàn vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn.
Kỳ I: “Ớn lạnh” với “công nghệ đá sạch”
Tự gắn những cái “mác”sản xuất đá sạch, đá tinh khiết, song trên thực tế, rất ít cơ sở sản xuất nước đá dùng liền đáp ứng được điều kiện về VSATTP.
Nguy cơ nhiễm khuẩn từ khâu sản xuất...
Đến cơ sở sản xuất nước đá Minh Mai, vốn được xem là khá quy mô trên địa bàn thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana), chúng tôi được “mục sở thị” quy trình sản xuất nước đá dùng liền (hay còn gọi là đá viên, đá tinh khiết). Khu sản xuất không có hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại mà chỉ là một khuôn viên nhỏ, ẩm thấp và xuống cấp. Miệng giếng nước dùng để làm nước đá nằm ngay trên mặt sàn nhà và chỉ được che chắn một cách tạm bợ, trong khi ngay bên cạnh nước thải từ khu vực chế biến đang tràn lênh láng. Ngay cả cối đựng đá thành phẩm dù sử dụng hàng ngày nhưng cũng bám đầy rêu xanh và cáu bẩn. Điều kiện sản xuất đã không ổn, quy trình sản xuất lại càng mất vệ sinh hơn. Tuy phía cơ sở vẫn khẳng định sản xuất đá viên để bỏ cho các quán cà phê, nhà hàng trên địa bàn, nhưng trên thực tế, hệ thống nước làm đá không hề được lọc và diệt khuẩn trước khi cho vào khuôn làm lạnh. Khi đá ra lò, anh nhân viên trực tiếp đứng máy thản nhiên nhặt chiếc ca vứt dưới đất xục múc đá trong cối cho vào những cái bao tải vốn dĩ để đựng thức ăn gia súc đặt ngay trên nền nhà. Một vài viên đá bị rơi ra ngoài, anh nhân viên lại vô tư dùng tay trần nhặt lên phủi cho hết bẩn rồi bỏ vào bao và biện hộ rằng, đá có thể tự làm sạch vì khi để ra ngoài nhiệt độ bình thường sẽ bị chảy nước nên bụi bẩn có bám vào cũng bị trôi đi.
Tại cơ sở Minh Mai (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana), nước đá dùng liền được đóng vào bao đựng thức ăn gia súc và nhân viên sản xuất vẫn dùng tay trần để bốc đá. |
Cũng được xem là “có quy mô” trên địa bàn thị trấn Buôn Trấp, song cơ sở sản xuất nước đá của ông Nguyễn Thành Được lại hết sức tạm bợ. Khu xưởng tọa lạc tại khoảnh sân rộng không quá 30m2 được cơi nới phía trước căn nhà nên các điều kiện phục vụ sản xuất hoàn toàn không có, thậm chí ngay cả những điều kiện vệ sinh tối thiểu như: labo rửa tay, đồ bảo hộ lao động cho nhân viên sản xuất đá… cũng không được trang bị. Điều đáng ngạc nhiên trong khu vực sản xuất tạm bợ ấy, kho lạnh để chứa thành phẩm được xây dựng hết sức kiên cố với tường gạch, mái bê tông, nhưng lại thiếu một trong những yếu tố tối quan trọng hệ thống làm lạnh. Đáng nói nữa là, khi tìm hiểu về hệ thống xử lý nước đầu vào, ngoài những đường ống nước chằng chịt gắn bên ngoài cỗ máy làm đá, chúng tôi không hề nhìn thấy hệ thống lọc nước trước khi cho vào khuôn làm đá, mặc dù chị Võ Thị Ly Ba, người quản lý của cơ sở vẫn khăng khăng khẳng định là có. Thấy mọi người quá quan tâm đến hệ thống lọc nước, chị Ba buột miệng: “Lọc nước có quan trọng gì đâu, khi đá đông lại thì vi trùng cũng chết hết rồi còn gì! (?).”
Tiếp tục khảo sát tại một số cơ sở sản xuất nước đá dùng liền ở nhiều địa phương khác, chúng tôi thấy hầu hết các cơ sở đều sản xuất theo kiểu “nhiều không”. Nhiều người tiêu dùng vẫn có cảm giác an toàn khi sử dụng đá viên vì nó có giá đắt hơn đá cây (đá dùng để ướp thực phẩm), nhưng qua quan sát tại các cơ sở nói trên, việc sản xuất đá viên và đá cây không khác nhau là mấy, có chăng chỉ ở máy móc để sản xuất và hình dáng bên ngoài sản phẩm. Vậy mà mỗi ngày các cơ sở này đưa ra thị trường hàng chục tấn đá với tên gọi là “đá sạch”!.
...đến khâu đóng gói, lưu thông
Hiện nay, nhiều cơ sở trên địa bàn vẫn trưng biển hiệu là sản xuất “đá sạch”, “đá tinh khiết”, thế nhưng chưa bàn đến chuyện sản xuất có đạt chất lượng hay không mà chỉ nhìn vào điều kiện đóng gói, vận chuyển không đảm bảo VSATTP cũng thấy được rằng khi sản phẩm đến tay người dùng khó mà còn “sạch”, "tinh khiết" nữa. Bởi, một thực tế có thể thấy rất rõ là đại đa số cơ sở sản xuất nước đá dùng liền thường tái sử dụng bao bì để đóng gói đá thành phẩm, chỉ rất ít cơ sở sử dụng túi nilông một lần có nhãn mác. Đáng sợ hơn, để tiết kiệm chi phí, không ít cơ sở đóng gói sản phẩm bằng bao bì đựng thức ăn gia súc và hiếm khi có chuyện bao bì được giặt giũ sạch sẽ!
Khâu đóng gói đã vậy, khâu lưu thông sản phẩm cũng mất vệ sinh không kém. Trên thực tế, việc vận chuyển đá dùng liền từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ là một khâu rất quan trọng và cần được thực hiện bằng xe chuyên dụng. Nhưng hiện nay, hầu hết các cơ sở vẫn vận chuyển bằng xe máy với “công nghệ” hết sức thô sơ: đá sản xuất xong cho vào bao rồi quẳng lên xe máy chở đến nơi tiêu thụ, không cần biết có bị ảnh hưởng bụi đường hay không. Thậm chí khi đến nơi người giao đá cứ thẳng tay vứt bao đá xuống đất cho chủ quán “tự xử” mà không hề bận tâm đến chuyện vận chuyển nước đá không bảo đảm VSATTP sẽ làm tăng nguy cơ gây các bệnh truyền nhiễm cho người sử dụng.
Có thể thấy việc bảo đảm VSATTP đối với nước đá dùng liền không chỉ dừng lại ở điều kiện sản xuất mà là quá trình liên tục, xuyên suốt từ sản xuất đến vận chuyển, bảo quản, phân phối, tiêu thụ. Dù nước đá có đạt độ tinh khiết ở nơi sản xuất nhưng không giữ vệ sinh trong khâu lưu thông thì vẫn có nguy cơ bị nhiễm bẩn. Theo các chuyên gia y tế, khi đá bị lẫn tạp chất hóa học hoặc nhiễm khuẩn đều có hại cho sức khỏe người sử dụng. Đối với đá nhiễm khuẩn thì trong quá trình làm đông (từ 1 – 4oC), một số vi khuẩn chỉ bị ngưng hoạt động nên khi ăn vào vi khuẩn sẽ hoạt động trở lại, gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Còn khi sử dụng đá bị lẫn tạp chất hóa học cũng sẽ ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của cơ thể, gây ra nhiều biến chứng như viêm đại tràng mãn tính, gây kích ứng dạ dày hoặc ảnh hưởng tới chức năng của thận, gan...
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước đá dùng liền , nước được sử dụng để sản xuất nước đá dùng liền phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại QCVN 01:2009/BYT về chất lượng nước ăn uống của Bộ Y tế.
Nước đá dùng liền phải được đóng gói trong bao bì kín và ghi nhãn theo đúng quy định về nhãn hàng hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành; được công bố hợp quy phù hợp với các quy định tại Quy chuẩn
(Còn nữa)
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc