Multimedia Đọc Báo in

Thắp sáng ngọn lửa truyền thống

09:07, 27/07/2012

Hạnh phúc được hưởng cuộc sống hòa bình, độc lập – thành quả đấu tranh của cha anh, lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay đang tri ân, vọng tưởng, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” bằng nhiều việc làm thiết thực và cụ thể…

Nét đẹp từ lòng biết ơn chân thành

Ngôi nhà nhỏ của Mẹ Việt Nam anh hùng Thái Thị Công (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) từ nhiều năm nay luôn ấm áp, vẳng tiếng trò chuyện, cười đùa trẻ trung của các đoàn viên Đoàn Trường THPT Hồng Đức.

Đã thành thông lệ và cũng là một trong những nét đẹp truyền thống thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, hơn mười năm qua, các thế hệ đoàn viên của Trường THPT Hồng Đức cứ đều đặn hằng tháng đến thăm Mẹ. “Cũng chẳng có việc gì lớn lao cả, chỉ đơn giản đến trò chuyện, hỏi han, có chút quà nhỏ biếu Mẹ. Chủ yếu đến thăm Mẹ là ở tấm lòng của mỗi người. Từ đó hướng các đoàn viên biết trân trọng quá khứ, biết ơn nghĩa của những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các em…”, anh Mai Văn Tiến, Bí thư Đoàn Trường bộc bạch.

      Từ nhiều năm nay,  lễ thắp nến tri ân  các  Anh hùng liệt sĩ  luôn thu hút đông đảo đoàn viên tham gia
Từ nhiều năm nay, lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ luôn thu hút đông đảo đoàn viên tham gia

Nhưng có lẽ để làm được việc “không có gì lớn lao” ấy kéo dài bền bỉ qua bao thế hệ học sinh của trường là chuyện không nhỏ chút nào. Làm thế nào để tập hợp thanh niên, để công tác đền ơn đáp nghĩa xuất phát từ thực tâm, không hô hào khẩu hiệu luôn là những câu hỏi đặt ra với Ban Chấp hành Đoàn trường khi tổ chức các hoạt động hướng các em về nguồn. Bên cạnh việc đến thăm thường xuyên hằng tháng, phụ giúp ngày công…, mỗi khi có hoạt động lớn, nhà trường đều mời Mẹ đến dự hoặc tổ chức các đoàn học sinh đến thăm. Được nghe Mẹ, con gái Mẹ kể lại những ngày tháng gian khổ, ác liệt nhưng đầy hy sinh cao cả, nhiều em đã không kìm được xúc động. Nỗi đau, sự mất mát cũng như lòng kiên trung, bất khuất của Mẹ là minh chứng và bài học làm người sống động, để lại ấn tượng trong lòng các em. Để rồi từ đó, lớp lớp thế hệ học sinh trưởng thành đều mang theo mình một góc nhỏ hành trang cuộc đời là câu chuyện về Mẹ…

Chăm sóc thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với nước, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng là việc làm thể hiện tình cảm, trách nhiệm “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Nét đẹp từ lòng biết ơn chân thành cùng những việc làm thiết thực của Đoàn trường THPT Hồng Đức trong việc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Công đã động viên về mặt tinh thần, giúp đỡ cải thiện đời sống vật chất, góp phần làm vơi đi những nỗi đau để các Mẹ Việt Nam Anh hùng có cuộc sống tốt hơn. Và nét đẹp ấy cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của những người đang sống đối với những người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, từ đó bồi đắp truyền thống cách mạng, xây dựng nhân cách cho thế hệ trẻ…

Ngọn lửa tri ân

Hàng nghìn ngọn nến đã được thắp lên trên các phần mộ của các anh hùng liệt sĩ, chiếu sáng lung linh trong đêm như sưởi ấm linh hồn, như sợi dây vô hình gắn kết giữa thế hệ thanh niên hôm nay với những người đi trước, đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc… Hình ảnh và niềm rung cảm ấy có lẽ sẽ đọng lại trong mỗi đoàn viên tham gia hoạt động thắp nến tri ân vào mỗi dịp tháng 7 về nguồn.

Từ năm 2010, hoạt động thắp nến tri ân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) tại khắp các nghĩa trang trên toàn quốc đã được tổ chức rộng rãi với quy mô lớn và trở thành hoạt động truyền thống mang nhiều ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Tại Dak Lak, vào mỗi dịp tháng 7, nhiều hoạt động “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” đã được Tỉnh Đoàn triển khai đồng loạt và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, trong đó có hoạt động thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang, đài tưởng niệm trên địa bàn tỉnh.

Chị Lại Thị Loan, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn cho biết: Những năm trở lại đây, hoạt động thắp nến tri ân luôn được Tỉnh Đoàn quan tâm, chú trọng và triển khai đồng loạt từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Đặc biệt từ năm 2012 đến năm 2017, Tỉnh Đoàn đã có kế hoạch liên ngành phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện hoạt động này một cách đều đặn, thường niên… Có thể thấy qua các lần tổ chức trước, việc quét dọn vệ sinh, tu sửa, tổ chức lễ thắp nến tri ân tại các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ đã được các đoàn viên hưởng ứng rất nhiệt tình, nghiêm túc, trang trọng; số đoàn viên, thanh niên tham gia nhiều hơn số tiêu chuẩn phân bổ về các đoàn cơ sở, chi đoàn…

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và tâm niệm “sống sao cho xứng với người đã khuất”, đến nay, tháng 7 đã trở thành tháng của nghĩa tình, tháng của lương tâm và trách nhiệm. Từ tấm chân tình tìm đến tri ân, từ thành kính mà vọng tưởng hướng đến; những lời cầu nguyện, những ngọn nến lung linh được các đoàn viên thắp lên trong đêm tại các nghĩa trang, đài tưởng niệm mỗi năm vào Ngày Thương binh – Liệt sĩ như nối niềm giao cảm, nối lòng hướng thiện, thành kính tri ân với người đã ngã xuống. Và những ngọn nến ấy cũng tỏa sáng, lan truyền, tạo dư vọng trong lòng mỗi người…

 Lan Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.