Multimedia Đọc Báo in

An toàn giao thông nhìn từ vỉa hè TP. Buôn Ma Thuột:

Vỉa hè, có còn dành cho người đi bộ?

16:22, 16/08/2012

Trong quy hoạch đô thị, vỉa hè là không gian thiết yếu dành cho người đi bộ. Tuy nhiên hiện nay, không gian quan trọng này không những không còn phát huy  tác dụng mà còn là  trở ngại không nhỏ đối với người đi bộ.

Muôn kiểu lấn chiếm

Có một thực trạng “hiển nhiên”, đó là vỉa hè tại TP. Buôn Ma Thuột xây dựng đến đâu là bị chiếm dụng đến đó. Bao năm nay, những con phố như Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong, Lý Thường Kiệt, Y Jút… những hộ kinh doanh tại đây đã xem vỉa hè như là của riêng mình. Vỉa hè biến thành nơi trưng bày, tập kết các loại sản phẩm mà các hộ dân hai bên đường đang kinh doanh. Trên vỉa hè xuất hiện đủ chủng loại hàng hóa từ nhỏ như chiếc tivi, tủ lạnh… đến những loại máy nổ, xe máy và cả những chiếc ô tô "to vật vã" chắn ngang mọi lối đi của khách bộ hành.

Người ta ngang nhiên coi vỉa hè như là
Người ta ngang nhiên coi vỉa hè như là "nhà" của riêng mình

Trong khi đó, tại những con đường có vị trí đẹp, vỉa hè rộng rãi như đường Ngô Quyền, Lê Thánh Tôn, Y Ngông… thì vỉa hè trở thành những “quán cà phê”, “quán nhậu bình dân” có thương hiệu, đông nghịt khách. Trên những con đường này, vào mỗi sáng sớm hay chiều tối, việc kê bàn ghế ra sát mép đường để kinh doanh, choán hết lối đi của khách bộ hành là điều hết sức “bình thường”. Trước những của hàng cửa hiệu mà việc kinh doanh không thể mang ra vỉa hè thì chỗ dành cho người đi bộ này cũng trở thành nơi để xe. Chẳng hạn dọc tuyến đường Phan Chu Trinh, nơi có nhiều cửa hàng, phòng khám tư nhân và cả những chi nhánh của các ngân hàng lớn thì người ta lại ngang nhiên để xe máy choán hết diện tích lề đường, mặc cho người đi bộ gặp rất nhiều khó khăn vì bị lấn chiếm hết lối đi. Nếu không kinh doanh buôn bán thì người ta lại biến vỉa hè thành của riêng mình với những gara đậu xe, sân vườn…vươn ra tận mép đường mặc cho người đi bộ chỉ còn nước “kêu trời”.

Vỉa hè được rào chắn, làm gara đỗ xe
Vỉa hè được rào chắn, làm gara đỗ xe

Bên cạnh kiểu lấn chiếm “cố định” như trên thì một thực trạng đáng buồn nữa là việc vỉa hè trở thành nơi mưu sinh của những người “buôn thúng bán mẹt”. Trên vỉa hè, người ta cứ tự nhiên dựng lều, che bạt, để bàn ghế, bày nồi niêu, nhóm bếp nấu nướng, bán đồ ăn, thức uống...như là “nhà” của mình. Đặc biệt tại những con đường có trường học và những bến xe buýt, cảnh bày bán hàng rong bừa bãi, xe cộ lấn chiếm hết vỉa hè là “chuyện thường ngày ở huyện”. Chẳng hạn khu vực ngã ba đường Lê Hồng Phong – Y Ngông, khu vực Siêu thị Co.op Mart, khu vực vòng xoay Km3…vỉa hè đã trở thành những “khu chợ sầm uất”. Việc lấn chiếm kinh khủng nhất có lẽ là tại các con đường có những khu chợ hoạt động. Người đi bộ không biết xử trí ra sao nếu “lạc” vào những đoạn đường như đoạn cuối đường Ngô Quyền (chợ Tân An), đường Lê Duẩn, đoạn qua khu vực ngã ba Ea Kao (chợ Ea Tam)…và ngay như khu vực chợ Buôn Ma Thuột, một khu chợ mới được đầu tư bài bản thì nay vỉa hè chợ cũng đã trở thành nơi buôn bán, trông giữ xe…

Không gian vỉa hè đang bị xem nhẹ

Bên cạnh việc chiếm dụng “thô bạo” của người dân, suốt một thời gian dài vỉa hè bị các nhà quy hoạch và quản lý coi như những “công trình phụ”. Tầm quan trọng của vỉa hè dường như đã bị “cố tình xem nhẹ” nên vỉa hè đã thiếu lại còn méo mó muôn hình vạn kiểu do sự xem nhẹ này.

Những
Những "vỉa hè" như thế này không phải là hiếm ở TP. Buôn Ma Thuột

Thực tế, ở nhiều nơi, đường có đã lâu, nhưng vỉa hè đoạn có đoạn không. Nhiều con đường, vỉa hè đã có nhưng cũng như không bởi được làm dựa theo địa hình sẵn có mà không san lấp để xây dựng đúng kích thước, quy chuẩn cần thiết. Trên rất nhiều tuyến đường tại TP. Buôn Ma Thuột, nhất là những tuyến đường có khu dân cư lâu năm như Nơ Trang Long, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Hùng Vương, Nguyễn Công Trứ... vỉa hè đã phải “uốn” theo những mái hiên nhà.

Hơn thế, ngay từ khi xây dựng công trình trong đô thị, không ít các đơn vị thi công lắp đặt một cách tùy tiện các hố ga, trụ điện, bình biến áp…mà không cần biết đó là không gian thiết yếu của người đi bộ. Chính từ nhận thức chưa đúng này khiến vỉa hè ở TP. Buôn Ma Thuột đã không được xây dựng, tổ chức một cách có hệ thống và quy củ. Đó là chưa kể đến tình trạng vỉa hè liên tục bị cày xới bởi những đơn vị xây dựng công trình ngầm, trở thành nơi tập kết vật liệu phục vụ thi công…cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến vỉa hè đã thiếu lại càng thiếu hơn. Thế là người đi bộ muốn vượt qua những khu vực này chỉ còn cách “luồn lách” giữa những muôn vàn chướng ngại vật hoặc đi xuống…lòng đường.

Có thể nói, vỉa hè tại TP. Buôn Ma Thuột đang bị lấn chiếm một cách tràn lan và hậu quả của nó thì ai cũng thấy. Bên cạnh là nguyên nhân của rất nhiều vụ va quệt, tai nạn giao thông thì việc lấn chiếm lòng lề đường còn làm xấu đi hình ảnh của một đô thị văn minh.
 

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.