Multimedia Đọc Báo in

Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2012: Hiệu quả từ phương thức kết hợp tình nguyện tại chỗ với chuyên sâu

08:58, 06/08/2012

Với 125 công trình, phần việc thanh niên xây dựng nông thôn mới được thực hiện trong thời gian 1 tháng, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện (TNTN) hè năm 2012 tại 47 thôn, buôn của 22 xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân địa phương.

Làm sân chơi cho thanh thiếu nhi vùng xa.
Làm sân chơi cho thanh thiếu nhi vùng xa.

Bám sát chủ đề “Thanh niên Dak Lak chung tay xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng văn minh đô thị”, Chiến dịch năm nay có nét mới là chú trọng tình nguyện tại chỗ kết hợp với chuyên sâu. Ban Chỉ huy Chiến dịch chủ trương không làm dàn trải mà tập trung nguồn lực cho những địa phương trọng điểm xây dựng nông thôn mới và trong mỗi hoạt động lại chọn một “điểm nhấn” làm khâu đột phá. Cụ thể, ở nội dung xây dựng nông thôn mới chú trọng tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn và các công trình phục vụ nhu cầu vui chơi của thanh thiếu nhi; trong tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tập trung tuyên truyền đoàn viên, thanh niên đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia và phải có giấy phép lái xe khi điều khiển phương tiện; với hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, trọng tâm là chăm sóc, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, có công với cách mạng… Anh Y Nhuần Byă, Phó Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh, Phó Chỉ huy Chiến dịch cho biết: “Những chiến dịch trước chưa đạt hiệu quả như mong muốn do chưa xác định trọng tâm, trọng điểm của công việc nên hoạt động còn mang tính dàn trải. Năm nay, chúng tôi tập trung chỉ đạo thực hiện tình nguyện tại chỗ và chuyên sâu theo từng lĩnh vực có hiệu quả rõ rệt”.

Theo đó, trước chiến dịch, các đội, nhóm khảo sát đã xuống địa bàn từng huyện, xã tìm hiểu nhu cầu cần hỗ trợ, sau đó mới tổ chức tuyển chọn, đưa sinh viên tình nguyện theo chuyên môn được đào tạo xuống giúp đỡ bà con: sinh viên sư phạm tham gia xóa mù chữ, giúp các em nhỏ ôn tập hè; sinh viên ngành y, dược khám bệnh, phát thuốc, tư vấn sức khỏe cho người dân; sinh viên ngành nông lâm chuyển giao khoa học kỹ thuật… Ban Chỉ huy Chiến dịch cũng huy động các cơ sở đoàn phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên kết hợp với các đội TNTN trực tiếp thực hiện các công trình phần việc ngay tại địa phương mình để giảm chi phí đi lại. Hơn nữa, lực lượng tình nguyện tại chỗ vốn thông thuộc, hiểu biết phong tục tập quán địa phương nên thuận lợi trong việc vận động nhân dân cùng tham gia.

Với khẩu hiệu “Ở dân thương, làm dân tin, đi dân nhớ”, những chiến sĩ áo xanh đã phối hợp với chính quyền và ĐVTN địa phương thực hiện những công trình, phần việc ý nghĩa và thiết thực. Điển hình như các công trình xây dựng 2 sân bóng chuyền tại xã Ea Ô (huyện Ea Kar), xây tặng 3 căn nhà nhân ái tại huyện Lak và Ea Kar, trồng 11.000 cây xanh tại các con đường liên thôn, sân trường, khu vực trung tâm xã; làm mới 15 km đường giao thông nông thôn; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tư vấn sức khỏe cho người dân; mở lớp ôn tập hè cho thiếu nhi; đặc biệt tại 2 xã Cư San (M’Drak), Ea Siên (thị xã Buôn Hồ) lực lượng TNTN đã linh hoạt, chủ động mở lớp dạy xóa mù chữ cho đồng bào người Mông, Nùng vào buổi tối …

Diễn ra trong thời gian ngắn nhưng chiến dịch đã để lại ấn tượng sâu sắc với người dân địa phương. Anh Lê Viết Dương, Bí thư Đoàn xã Ea Ô (huyện Ea Kar) cho biết: “hoạt động đoàn ở nông thôn còn gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi rất vui mừng khi được đón đội TNTN về địa phương. Các bạn TNTN đã hướng dẫn ĐVTN của xã kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, kiến thức về giới tính, tổ chức các buổi giao lưu giúp phong trào đoàn thêm sôi nổi, làm thay đổi cách nhìn của ĐVTN với hoạt động Đoàn. Tôi mong muốn trong những mùa hè tới, địa phương được tiếp tục đón các TNTN”. Còn ông Trần Thanh Bình, Trưởng thôn 2C, xã Ea Ô tâm sự: “Lúc đầu thấy TNTN về tôi nghĩ các cháu muốn đi “đổi gió” sau 1 năm học mệt mỏi, nhưng khi thấy các cháu làm tôi mới nhận ra mình nghĩ chưa đúng. TNTN đã mang lại một không khí mới cho đời sống tinh thần của người dân vùng sâu, vùng xa".

Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.