Multimedia Đọc Báo in

Có cần phiền đến người bệnh?

09:09, 11/08/2012

 

Một ngày đầu tháng 8, tôi đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại khu vực khám bệnh có sự cải tiến rõ rệt về thủ tục hành chính qua việc đưa vào sử dụng hệ thống bảng số điện tử trong quy trình tiếp nhận người bệnh đến đăng ký khám chữa bệnh. Cách cải tiến theo kiểu tinh gọn, khoa học hơn của bệnh viện rất đáng hoan nghênh, giúp cho những người bệnh thấy hài lòng vì thoát được cảnh chen lấn xô đẩy như trước đây vừa mệt mỏi, vừa mất an toàn trong bảo quản tài sản mang theo người.

Có lẽ, sẽ chẳng có gì phiền lòng nếu như lần khám bệnh ấy tôi và một số người bệnh khác không gặp phải một tình huống “dở khóc, dở cười”. Sau khi được bác sĩ khám bệnh và cho đơn thuốc, tôi xuống làm thủ tục thanh toán tại phòng Thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) của bệnh viện. Nộp giấy tờ vào nơi cần nộp xong, tôi quay ra ghế ngồi chờ. Gần 15 phút sau, tên của tôi và một số bệnh nhân khác được đọc trên loa  cùng thông báo số tiền mỗi người phải nộp thêm (khoản tiền đồng chi trả của người bệnh BHYT, phí các dịch vụ ngoài danh mục BHYT). Nghe anh nhân viên xướng tên mình kèm theo số tiền phải đóng là 22.000 đồng, tôi mở ví rút tờ tiền có mệnh giá 100.000 đồng để nộp. Vừa đưa tiền vào phía bên trong ô kính, tôi liền nhận được câu hỏi  từ người nhân viên nọ: “Có tiền lẻ không?”. Thấy tôi đáp “Không có!”, nữ nhân viên ngồi bên cạnh tiếp lời: “Không có thì đi đổi đi, không chịu đi đổi thì cứ ngồi đó chờ!”. Cứ ngỡ chỉ riêng mình bị “làm khó” nên tôi hơi khó chịu, thế nhưng ngay sau tôi, những người bệnh khác nộp tiền bằng những tờ có mệnh giá 100.000, 200.000 đồng đều nhận được yêu cầu đi đổi tiền của nhân viên phòng Thanh toán BHYT. Tuy không hài lòng với cách ứng xử của những nhân viên ấy, song để được việc cho mình, tôi cũng quay  ra tìm nơi đổi tiền. Thế nhưng để đổi được tiền lẻ cũng không phải là chuyện dễ. Chạy sang phòng thu viện phí đổi tiền không có, đến nhà gửi xe của bệnh viện đổi cũng không thành, tôi đành ra quán nước vỉa hè bên ngoài bệnh viện mua đại một chai nước nhỏ nhằm đổi tờ 100.000 đồng. Có lẽ, chị chủ hàng nước đã chuẩn bị sẵn tiền lẻ để trả lại cho khách nên dù bán chai nước chỉ với 3.000 đồng, chị vẫn nhận tờ tiền mệnh giá lớn và vui vẻ trả lại tiền thừa.

Sau một hồi loay hoay đến “bở hơi tai”, tôi cũng đã có “tiền lẻ” để nộp theo yêu cầu của nhân viên bệnh viện. Nhận lại thẻ BHYT, tôi ra về mà không khỏi băn khoăn. Thiết nghĩ, một hàng nước nhỏ bên vỉa hè còn chuẩn bị sẵn tiền để trả lại khách hàng, trong khi bệnh viện tiếp đón hàng trăm lượt người bệnh mỗi ngày và hầu như ai trong số họ cũng phải chi trả chi phí khám chữa bệnh lại không tiên lượng trước được một việc hết sức đơn giản là chuẩn bị sẵn tiền có mệnh giá nhỏ để trả lại cho người bệnh. Đôi khi những việc nhỏ không được chuẩn bị chu đáo sẽ vô tình làm ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp về cơ sở y tế “Bệnh nhân đến tiếp đón niềm nở - Bệnh nhân ở chăm sóc tận tình – Bệnh nhân về dặn dò chu đáo” mà bệnh viện đang dày công vun đắp.

Khánh Duy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chắc địa bàn, xây dựng cơ sở vững mạnh sau khi không tổ chức Công an cấp huyện
Từ 1/3, Tổ chức bộ máy của Công an tỉnh Đắk Lắk được sắp xếp, tinh gọn thành 2 cấp (Công an cấp tỉnh và Công an cấp xã). Tiếp nhận thêm nhiều nhiệm vụ mới, cán bộ, chiến sĩ công an các xã nhanh chóng bắt tay, nỗ lực thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ để không ngắt quãng, bỏ trống địa bàn, giữ vững an ninh trật tự, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.