Multimedia Đọc Báo in

Cuộc sống đổi thay nhờ dệt thổ cẩm

09:35, 12/08/2012

Tại buôn K’mrơng Prông A, thuộc địa bàn xã Ea Tu (TP.Buôn Ma Thuột), có nhiều hộ khá giả nhờ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Amí Liwơ và hai con gái cùng tham gia kinh doanh thổ cẩm.
Amí Liwơ và hai con gái cùng tham gia kinh doanh thổ cẩm.

Không ít người ngạc nhiên khi biết rằng cơ ngơi khang trang của gia đình Amí Liwơ được tạo dựng một phần nhờ thu nhập từ việc bán các sản phẩm dệt thổ cẩm. Amí Liwơ lập gia đình khi còn trẻ, sinh đứa con đầu lòng bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, bao nhiêu vốn liếng có được đều đổ hết mua thuốc thang, chạy chữa cho bé, cuộc sống gia đình chị hết sức khó khăn. Một dịp tình cờ biết được ở buôn khác có người muốn mua váy, áo thổ cẩm nhưng không có nguồn hàng, Amí Liwơ bắt đầu nảy ý định bán các sản phẩm dệt của mình. Ban đầu chị mang những sản phẩm dệt đi bán ở những buôn xung quanh, tuy nhiên số tiền lời có được không bao nhiêu. Từ đó chị mở rộng địa bàn sang những buôn ở xa hơn, tuy đi đường xa hơn, nhưng bù lại lợi nhuận thu được cao hơn… Không có nhiều thời gian để có thể vừa tự dệt vừa phải đi bán sản phẩm nên từ số vốn có được ban đầu, chị mua lại các sản phẩm dệt từ các chị em trong buôn, vừa có được nhiều sản phẩm vừa tạo được công ăn việc làm cho chị em kiếm thêm thu nhập. Sau một thời gian, số tiền có được từ việc mua bán các sản phẩm dệt thổ cẩm, chị đã mua được 3 sào đất để canh tác, trồng cà phê, cây ăn quả và các cây ngắn ngày. Hiện nay, thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm cộng với trồng trọt, chăn nuôi mang lại cho gia đình chị trên 100 triệu đồng mỗi năm. Gia đình chị không chỉ xây được nhà khang trang, sắm được các phương tiện nghe nhìn, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất mà còn có điều kiện lo cho các con học hành.

Trước đây, gia đình Amí H’Bươm chỉ có nguồn thu nhập chính từ 1 sào đất trồng cây cà phê, cuộc sống của gia đình cũng hết sức khó khăn. Thế là, ngoài thời gian lên nương rẫy, chị và con gái tranh thủ dệt mối cho người khác, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ nghề dệt, giờ đây cuộc sống của gia đình Amí H’Bươm đang khấm khá hơn, từ một gia đình thuộc diện hộ nghèo của buôn, nay gia đình chị đã thoát nghèo, dần ổn định cuộc sống. Amí H’Bươm còn được nhiều người biết đến với giải nhì cuộc thi “Sản phẩm dệt đẹp” năm 2011, giải B hội thi “ Dệt thổ cẩm” năm 2005. Hiện nay, đứa con gái duy nhất của chị cũng đang nối nghiệp mẹ.

Không chỉ gia đình Amí Liwơ và Amí H’Bươm, ở buôn K’mrơng Prông A còn có nhiều hộ khác đã thoát nghèo nhờ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Việc sống được bằng nghề dệt thổ cẩm không chỉ tạo cho người dân trong buôn một hướng thoát nghèo mà còn tạo động lực để nhiều người duy trì và phát huy nét văn hóa đặc sắc này. Trong buôn K’mrơng Prông A hiện có trên 80% trẻ em gái từ 12 tuổi trở lên được học và biết dệt thổ cẩm, 120 phụ nữ trong buôn dệt một cách thành thạo và thường được chọn ra để dự hội thi các sản phẩm dệt đẹp được tổ chức ở trong và ngoài địa bàn xã.

H’Uôn  Êban


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.