Không muốn... thoát nghèo
Theo tiêu chí nghèo giai đoạn 2011-2015, Dak Lak vẫn còn 14,8% số hộ nghèo. Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%, có 5 huyện tỷ lệ nghèo trên 40%, và còn 12 thôn, buôn tỷ lệ hộ nghèo 100%. Vì sao tỷ lệ hộ nghèo của Dak Lak vẫn còn cao như vậy?
Tại xã Ea Yiêng huyện Krông Pak, hiện vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý ỷ lại “không muốn thoát nghèo” vì là hộ nghèo thì được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước. Ông Y Ny Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã đang kiểm tra, rà soát toàn bộ số hộ nghèo, nếu hộ nào lười biếng lao động sẽ cương quyết loại khỏi danh sách, vì thực tế rất nhiều hộ hiện cuộc sống đã ổn định nhưng vẫn muốn là hộ nghèo để được hưởng các chính sách dành cho hộ nghèo!
Thực tế hiện nay có nhiều chính sách an sinh xã hội chăm lo cho người nghèo, hộ nào không có nhà ở thì được xây nhà, thiếu gạo được cấp gạo, đau ốm có BHYT, trẻ em đi học thì được trợ cấp toàn diện, hộ nghèo không phải nộp tiền điện, tiền quỹ an ninh quốc phòng và nhiều khoản thu khác của địa phương. Được cấp giống cây trồng, vật nuôi, được hỗ trợ tiền mặt đối với những vùng đặc biệt khó khăn v.v... Điều này lý giải vì sao nhiều hộ dân “không muốn thoát nghèo”. Thực tế cho thấy, bên cạnh sự ỷ lại của một bộ phận hộ nghèo thì có một lý do cũng cần được nêu ra là việc quy hoạch và đầu tư cho công tác giảm nghèo ở nhiều địa phương còn thiếu tính bền vững. Buôn Cư Nao xã Hòa Hiêp (Cư Kuin) là một ví dụ. Buôn có 108 hộ và 100% số hộ là hộ nghèo. Năm 2005, buôn được thành lập và các hộ dân tộc thiểu số tại chỗ từ các nơi khác về định canh định cư. Theo đó mỗi hộ được cấp 1 ngôi nhà theo chương trình 134, được giao 400m2 đất ở. Hằng năm bà con trong buôn được cấp con giống được tập huấn và tạo điều kiện để nuôi heo công nghiệp, nuôi bò, và nuôi gà thả vườn. Nhằm giúp bà con buôn Cư Nao ổn định cuộc sống, Nhà nước đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, như: điện, nước, giao thông, trường mẫu giáo nhà cộng đồng. Bên cạnh đó hằng năm bà con còn được đón rất nhiều đoàn từ thiện trong và ngoài tỉnh đến tặng quà, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, các đội thanh niên tình nguyện về buôn thực hiện chương trình phổ cập giáo dục tiểu học v.v... Tuy nhiên, do đất đai và khí hậu khắc nghiệt nên vùng đất ở nơi này không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Mùa khô thì thiếu nước còn mùa mưa thì ngập úng. Những yếu tố bất lợi này ít nhiều đã không thể tiếp sức cho người dân nơi đây vượt qua khó khăn khi mà trình độ hiểu biết, cũng như tập quán canh tác của đồng bào còn nhiều hạn chế. Nhiều hộ phải đi thuê đất ở xa để trồng lúa. Chị H’Mbăng Bdap ở buôn Cư Nao cho biết, do đất đai khô cằn chị phải đi thuê nơi xa để trồng trọt. Cả năm 2 vụ lúa chỉ làm được hơn 6tạ lúa, trong khi mọi chi tiêu ăn uống sinh hoạt gia đình đều nhìn vào đó.
Cũng vì nơi định canh định cư không thuận tiện về điều kiện ăn và việc học hành của trẻ, nên nhiều hộ khi được giao nhà, giao đất đã không sử dụng mà đóng cửa để nhà hoang, có hộ thì chỉ thỉnh thoảng ghé về rồi bỏ đi cả năm. Nhiều hộ được giao bò thì bán bò, được đầu tư cho 3 con gà thả vườn để nuôi thì làm thịt ăn, có hộ được chọn làm dự án “nuôi heo công nghiệp” do Sở LĐ-TB & XH thực hiện, được 1 lứa đầu bán tuy có lãi nhưng sau đó lại không tái đầu tư nuôi tiếp nữa, có hộ thì bán cả hạt giống Nhà nước cấp để giải quyết những khó khăn trước mắt của gia đình v.v... Tình trạng này khiến cho công tác ổn định đời sống của đồng bào vùng khó khăn thêm nhiều phức tạp. Ông Y Tim Bdap, Trưởng buôn Cư Nao, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin cho biết: “Thực tế tại buôn, những khó khăn bất lợi từ khách quan ấy không lớn bằng tính ỷ lại của nhiều hộ dân nên không thể thoát nghèo hay nói một cách cụ thể là họ chỉ muốn làm hộ nghèo để Nhà nước ưu tiên nhiều hơn. Năm 2012 buôn đã phải giao chỉ tiêu 4 hộ thuộc đội ngũ ban tự quản buôn phải được công nhận thoát nghèo để làm gương cho các hộ khác. Và khi đã giao tận tay công việc thì họ đã hứa sẽ thoát nghèo vào cuối năm nay”. Tuy nhiên ông Y Tim Bdap lại không dám nói rõ tên tuổi từng hộ vì lo sợ họ vẫn chưa chắc chắn thoát được nghèo.
Nhà nước có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người nghèo để họ vươn lên trong cuộc sống chứ không phải để họ ỷ lại, và… không muốn thoát nghèo. Bên cạnh đó, để sự đầu tư vào vùng nghèo có hiệu quả hơn thì các ngành chức năng cần phải rà soát việc thực hiện các chính sách đã triển khai, đánh giá những mặt được, mặt hạn chế cần khắc phục. Đặc biệt là làm sao để bà con tiếp cận được khoa học kỹ thuật, đổi mới phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi v.v…
Xuân Hòa
Ý kiến bạn đọc