Luật tục Êđê trong điều chỉnh quan hệ gia đình người Êđê
Luật tục Êđê là chuẩn mực xã hội của người Êđê, được cụ thể hóa từ hệ thống giá trị xã hội của cộng đồng người Êđê, được cộng đồng thừa nhận và có hiệu lực trong việc điều tiết xã hội, trong đó có các quan hệ gia đình.
Về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, quy định trách nhiệm giữa cha mẹ và con cái, trước tiên là ở việc giáo dục con cái trở thành người lương thiện. Luật tục Êđê không cho phép con cái có cử chỉ bất kính đối với cha mẹ, truy cứu trách nhiệm đối với con cái không vâng lời bề trên, tự động bỏ làng, bỏ nhà đi lang thang không chăm sóc cha mẹ, ông bà… Trường hợp con cái vi phạm các điều này thì không những bị truất quyền thừa kế tài sản, mà trong trường hợp có cử chỉ hành hung cha mẹ còn bị đưa ra xét xử. Vì “mẹ cha là kẻ đã sinh ra và nuôi nấng con, vì con mà chịu giường cứt chiếu đái, đêm hôm củi lửa, ngủ gà ngủ gật,...’’ nên nếu “răn không nghe, bảo không vâng,...’’ hoặc “từ bỏ mẹ cha” hay “khi đã có bắp chân to, giẫm lên cha, khi có đùi to, đạp lên mẹ,..’’ thì sẽ bị “đưa ra xét xử giữa cha mẹ với hắn” 1. Luật tục Êđê quy trách nhiệm cho cha mẹ khi con cái phạm tội, kể cả con đã thành niên. Theo đó, cha mẹ phải chịu mọi trách nhiệm vật chất khi con cái mình vi phạm các điều cấm của luật tục: “Con cái của họ là những kẻ chồng con chưa có, việc nhà thì lười, việc rẫy cũng không siêng, chỉ nghĩ đến việc đi lấy trộm cắp của người ta. Là cha mẹ của những đứa con ngu xuẩn như vậy mà họ không dạy bảo chúng,.. Như vậy họ là những kẻ có tội, có việc phải đưa ra xét xử giữa họ với những người khác’’ 2. “Hắn là đứa con gái lắm chuyện, hay là thằng con trai hay sinh sự, đi lang thang lêu lổng, gây ra tội này tội nọ, nếu người ta kiện hắn thì người chịu trách nhiệm cuối cùng là cha mẹ hắn” 3.
Về mối quan hệ giữa vợ và chồng, người Êđê cho rằng vợ chồng phải thương yêu, gắn bó với nhau, cùng nhau chăm sóc gia đình: “Đã lấy vợ thì phải ở với vợ cho đến chết; đã cầm cần mời rượu thì phải vào cuộc cho đến khi rượu nhạt; đã đánh cồng thì phải đánh cho đến khi người ta giữ tay lại’’ nên “nếu chị muốn sinh sự, anh muốn kiếm chuyện thì anh chị sẽ bị coi như con chó háu ăn, người ta sẽ ném cho quả cà nóng’’. Những trường hợp được cho là “sinh sự, kiếm chuyện” là “đã nhận làm chồng người ta mà anh không lấy người ta nữa’’, “ăn canh nhà này nhưng ăn cơm nhà khác,... chòi hắn không thăm, rẫy hắn bỏ không làm,... chẳng lo lắng gì đến việc nuôi nấng vợ con”,... đều được xem là có tội và đưa ra xét xử. Bởi ngoại tình là hiện tượng thường thấy và là nguyên nhân chính phá hoại hạnh phúc gia đình nên luật tục Êđê dành nhiều điều khoản ngăn chặn hạn chế hành vi này, kể cả việc xử phạt những người vu khống người khác ngoại tình, thông dâm dẫn tới mâu thuẫn vợ chồng và tan vỡ hạnh phúc gia đình. Ngoài ra, luật tục Êđê còn đề cập nhiều khía cạnh khác nhau của quan hệ hôn nhân và gia đình như: phản bội nghi thức đã hứa hôn, đánh ghen vô cớ, không nộp đủ đồ dẫn cưới, chiếm vợ, chiếm chồng người khác, ngược đãi vợ con, phá thai. Đối với những trường hợp gian dâm, ngoại tình bắt được quả tang thì người Êđê quan niệm “là một vụ không cần lớn tiếng, không cần to họng cãi nhiều. Không còn khó khăn phải đốt đuốc mới sáng tỏ,... Một đứa thì đã có báng ná (có vợ), một đứa đã có cánh ná (đã có chồng). Vì vậy, đúng lý là sọt của ai người đó đeo, gùi của ai người đó cõng, thằng đàn ông có lỗi thì chịu phạt đền cho vợ hắn, còn đàn bà có lỗi thì chịu phạt đền cho chồng hắn’’ 4.
Đối với người Êđê, chị cả như là mẹ và chồng của chị cả như là cha. Và vì vậy, nếu cô gái nào không hoàn thành vai trò của mình trong gia đình thì sẽ bị gia đình từ bỏ, cộng đồng cười chê. Luật tục Êđê biện luận “Hắn là đứa con gái cha mẹ khuyên không nghe,... Củi hắn không đi hái, rẫy hắn không đi làm, công việc làm ăn hắn chẳng bao giờ nghĩ đến; bông hắn không đi hái, chỉ hắn không chịu xe, cối chày giã gạo hắn không động đến, hắn trốn tránh mọi lao động”, vì thế “cha mẹ hắn sẽ chẳng lo lắng cho hắn, chẳng đùm bọc hắn nữa. Chị em hắn cũng chẳng còn ai muốn cưu mang hắn’’ 5. Do vậy, cuộc sống của người phụ nữ thường được cho là phụ thuộc vào hai người đàn ông: một là người chồng (pô rông) để nuôi sống gia đình và hai là anh, em trai (dam dei) là người cố vấn trong cuộc sống. Thông thường, dam dei chính là những người đại diện cho dòng họ mẹ để đi hỏi chồng cho các cháu gái, thương lượng hòa giải nếu xảy ra tranh chấp, kiện tụng dính líu đến mẹ hoặc các chị em gái của mình. Tuy vậy, theo quan niệm của người Êđê, những hành vi sai trái do người đàn ông thực hiện là do anh ta không được giáo dục chu đáo bởi dòng họ anh ta. Vì thế, người phụ nữ Êđê lại phải có trách nhiệm khá lớn về hành vi, thái độ của các dam dei, khi họ còn độc thân cũng như có gia đình: “Nếu hắn ăn nói hỗn hào (với cha mẹ vợ hắn) thì việc bồi thường cho cha mẹ vợ hắn là việc của chị em gái và các cháu gọi bằng cậu của hắn” 6. Luật tục quy định rõ gia đình vợ hoàn toàn không chịu trách nhiệm về các hành vi sai trái của con rể, ngoại trừ trường hợp chàng rể đi ăn cắp để nuôi vợ con: “Nếu hắn (là một người chồng) lẻn vào nhà người ta (để ăn cắp, ăn trộm) thì tội hắn sẽ đổ lên đầu vợ con hắn. Còn nếu hắn gây ra chuyện đàm tiếu xấu xa thì tội hắn sẽ đổ lên đầu những người cháu (gọi bằng cậu), những người chị em gái của hắn; những người này phải gánh chịu việc bồi thường’’ 7.
Luật tục Êđê bắt nguồn từ quan niệm xã hội mẫu hệ nên những điều khoản trong luật tục Êđê hướng tới bảo vệ, củng cố thiết chế gia đình mẫu hệ. Trong bối cảnh kinh tế xã hội của người Êđê hiện nay, sự biến đổi của luật tục Êđê tự nó loại bỏ những điểm lỗi thời, lạc hậu nhưng những nội dung luật tục kể trên đã thể hiện rất rõ quan niệm của người Êđê: gia đình là nền tảng của xã hội. Tinh thần ấy cần thiết cho bất kỳ một xã hội nào.
1 Ngô Đức Thịnh, Chu Thái Sơn (1996), Luật tục Ê Đê (Tập quán pháp), Nxb Chính trị Quốc gia, Trích các điều 144, 145, 146, 147, tr 157-161.
2 Luật tục Ê Đê, sđd, Trích điều 148, tr 160-161.
3 Luật tục Ê Đê, sđd, Điều 180, tr 186.
4Luật tục Ê Đê, sđd, Trích các điều 109, 110, 111, 114, 115, tr 124-131.
5Luật tục Ê Đê, sđd, Điều 144, tr 157.
6 Luật tục Ê Đê, sđd, Điều 179, tr 185.
7 Luật tục Ê Đê, sđd, Điều 150, tr 16 .
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc