Multimedia Đọc Báo in

Rắc rối chuyện một gia đình sống hơn 30 năm không có hộ khẩu

08:42, 14/08/2012

Hơn 30 năm qua, có một gia đình phải chịu nhiều thiệt thòi bởi không có hộ khẩu, không được cấp chứng minh nhân dân… Chuyện cứ ngỡ như đùa nhưng lại là sự thật đối với gia đình bà Võ Thị Tuyết (SN 1952) ở thôn Tân Hiệp, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.

Không hộ khẩu, chẳng chứng minh thư

“Tui ít chữ, cứ nghĩ chuyện làm hộ khẩu, hộ tịch không quan trọng lắm, miễn mình đừng làm chuyện gì sai trái là được. Ai ngờ, hậu quả là các con phải chịu thiệt thòi!…” – bà Tuyết mở đầu câu chuyện với chúng tôi mà mắt rơm rớm nước. Bà kể: năm 1976, gia đình chuyển từ Vạn Ninh (Khánh Hòa) lên Dak Lak lập nghiệp. Đến năm 1979 thì vợ chồng khai hoang được một khoảnh đất chừng 1000 m2 (thuộc thôn Tân Hiệp ngày nay), vừa để ở vừa làm vườn sinh sống cho đến bây giờ. Hồi ấy nơi này toàn là cỏ tranh, dân cư thưa thớt. Sức lực của hai vợ chồng chỉ đủ khai hoang chừng đó để làm ăn. Trên mảnh đất này, gia đình bà đã ở ổn định từ thời điểm đó đến nay… Cũng tại đây, 8 người con của bà lần lượt ra đời.

Bà Tuyết trong căn nhà tuềnh toàng của mình mong muốn gia đình có được hộ khẩu để bớt thiệt thòi.
Bà Tuyết trong căn nhà tuềnh toàng của mình mong muốn gia đình có được hộ khẩu để bớt thiệt thòi.

“Bởi quá nghèo, vợ chồng lo quần quật làm lụng nuôi con nên đâu có nghĩ đến việc làm giấy tờ tùy thân. Đứa nào sinh ra cũng chỉ có vỏn vẹn một tờ giấy khai sinh là hết. Đến khi chúng nó lớn, cần chứng minh nhân dân để đi làm, đi học thì mới biết là gia đình không có hộ khẩu, không làm được chứng minh. Đến giờ, hai đứa lớn đã lập gia đình, sinh con mà cũng chẳng biết tờ hôn thú là gì…” – bà Tuyết nghẹn ngào.

Chuyện gia đình bị mất nhiều quyền lợi do không có hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân thì bà Tuyết cũng đã biết, nhưng với cách nghĩ của một người nông dân ít chữ, chỉ lo cho cuộc sống qua ngày nên bao năm qua bà cũng chẳng mấy quan tâm. Cho đến thời điểm năm ngoái, khi cô con út là Nguyễn Thị Kim Dung thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak thì bà Tuyết mới “tá hỏa” và thấm thía hậu quả này. Nhà nghèo, biết được Nhà nước có chế độ ưu đãi cho sinh viên vay vốn, bà lọ mọ đi làm thủ tục thì mới hay, gia đình mình chẳng có giấy tờ gì để được cho vay cả… Chưa biết xoay xở thế nào thì đứa con trai đang làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh nhắn lên: “Con không có giấy tờ tùy thân nên bị công an tạm giữ, mẹ xuống bảo lãnh cho con về”. Thì ra bà có 3 cậu con trai đi làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh. Hôm đó cơ quan chức năng đi kiểm tra đăng ký tạm trú tạm vắng, phát hiện các con bà không có chứng minh nhân dân nên mời về đồn, yêu cầu phải có người bảo lãnh. Bà lại phải xin giấy xác nhận của thôn, tất tả xuống bảo lãnh rồi đưa con về nhà luôn.

Vậy là bà Tuyết quyết tâm đi làm hộ khẩu cho gia đình. Nhưng trớ trêu thay, yêu cầu đầu tiên là gia đình bà phải có xác nhận nơi ở ổn định của chính quyền địa phương, mà UBND xã Ea Tu lại kiên quyết không xác nhận. Lý do mà xã đưa ra là đất và nhà ở của gia đình bà Tuyết không hợp pháp!

Đổi đất lấy hộ khẩu!?

Đem câu chuyện của gia đình bà Tuyết đến hỏi ông Nguyễn Hữu Vượng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Ea Tu thì ông Vượng một lần nữa khẳng định: Đất của gia đình bà Tuyết ở không hợp pháp nên xã không thể xác nhận được. Đây là diện tích xã đã quy hoạch làm khu văn hóa, thể thao của thôn. “Nếu xã xác nhận cho bà Tuyết thì đương nhiên là xã đã công nhận đất đai bà Tuyết là hợp pháp, mà như vậy thì sẽ không thể thu hồi lại được nữa” – ông Vượng nói. Ông Vượng cũng cho biết: Từ năm 1986 thì chính quyền địa phương cũng đã đến lập biên bản về việc gia đình bà Tuyết chiếm đất, làm nhà trái phép. Tuy nhiên thời đó do chính quyền không kiên quyết nên mới để bà Tuyết sinh sống trên đất đó đến nay.

Khi được hỏi đến trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu, khi mà một hộ dân sinh sống trên địa bàn đã trên 30 năm vẫn không có hộ khẩu, dẫn đến nhiều quyền lợi bị thiệt thòi…?, ông Vượng thừa nhận: “việc gia đình bà Tuyết không có đầy đủ quyền lợi của công dân thì thiếu sót của chính quyền là có. Tuy nhiên, cũng cần phải xem lại ý thức hợp tác của gia đình bà Tuyết với chính quyền địa phương. Bởi xã đã rất có thiện chí giúp đỡ nhưng gia đình bà tuyết vẫn không chịu”.

Diễn giải cụ thể thiện chí này của xã, ông Vượng cho biết: Thửa đất mà gia đình bà Tuyết đang ở có chiều dài mặt đường gần 50m, sâu khoảng 25m. Nếu gia đình bà Tuyết đồng ý trả lại đất cho xã, xã sẽ bố trí lại cho gia đình bà 15m đất mặt đường cũng tại vị trí này và sẽ tham mưu cho UBND TP. Buôn Ma Thuột làm sổ đỏ cấp đất hẳn hoi. Và nếu như vậy, xã cũng sẽ ký xác nhận cho gia đình bà làm hộ khẩu luôn. Vậy nhưng gia đình bà Tuyết không chấp nhận phương án này nên xã cũng đành chịu!

Trong khi đó, bà Tuyết lại khẳng định “Gia đình tôi đang sinh sống ổn định trên mảnh đất này hơn 30 năm nay mà không hề có tranh chấp với ai. Nay xã muốn quy hoạch nơi này làm khu văn hóa, thể thao của thôn thì phải làm đúng thủ tục thu hồi đất theo quy định. Còn việc gia đình tôi xin xác nhận làm hộ khẩu để có được quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân là nội dung công việc hoàn toàn khác, không liên quan gì đến việc tranh chấp đất đai”.           

Rõ ràng, việc gia đình bà Tuyết với 10 nhân khẩu sinh sống ở xã Ea Tu hơn 30 năm mà không có hộ khẩu, không được cấp chứng minh nhân dân thì dù bất cứ lý do gì cũng có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, gia đình bà Tuyết cũng cần phải nhìn nhận lại ý thức chấp hành pháp luật của mình, bởi việc khai báo đăng ký hộ khẩu, hộ tịch kịp thời là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân.

Hiện tại, bà Tuyết đang xin được làm hộ khẩu, theo chúng tôi đây là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng của công dân cần phải được xem xét giải quyết.               

Việt Cường

 

 

 


Ý kiến bạn đọc