Multimedia Đọc Báo in

Trọn nghĩa vẹn tình

09:12, 06/08/2012

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại cầu Sêrêpôk, Quốc lộ 14 vào đêm 17-5-2012 đã lùi vào quá khứ, nhưng qua vụ tai nạn này mới thấy dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đạo lý “tương thân tương ái”, thương người như thể thương thân  mãi mãi là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Trao bằng khen của UBND tỉnh tặng các cá nhân.
Trao bằng khen của UBND tỉnh tặng các cá nhân.

Không ai có thể quên được đêm kinh hoàng mà vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại cầu Sêrêpôk, Quốc lộ 14 vào đêm 17-5-2012 khiến 34 người chết và 21 người bị thương. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, nhiều người dân sống gần cầu, người đi đường, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn hai tỉnh Dak Lak và Dak Nông đã không quản ngại khó khăn, kịp thời cứu hộ, cứu nạn nên đã góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu thiệt hại. Mọi người tự nguyện tham gia cứu hộ, cứu nạn và những hành động ấy đều xuất phát từ tình thương yêu giữa con người với con người, thể hiện cách ứng xử tốt đẹp và tinh thần nhân đạo của con người Việt Nam.

Trong đêm tối, lúc cứu nạn, nhiều người chỉ mặc quần cộc, áo lót thậm chí không kịp đi giày, dép, mang dụng cụ, phương tiện lội xuống sông, leo dốc cầu không tiếc công sức, tất cả chỉ nhằm mục đích cứu được càng nhiều người càng tốt. Chẳng hạn như anh Lê Ngọc Mạnh (huyện Cư Jút, tỉnh Dak Nông) một trong những người đã đưa được nhiều người ra khỏi chiếc xe bị nạn - lúc ấy đang cùng gia đình xem TV trong nhà. Anh Mạnh kể lại, khi đang ngồi trong nhà xem TV thì nghe tiếng va đập lớn nên cùng mọi người chạy ra xem. Trước cảnh tượng kinh hoàng, tất cả mọi người cứ thế chạy xuống khu vực chân cầu, nỗ lực đập kính xe đưa người bị nạn ra ngoài. Rất nhiều gia đình quanh khu vực đã kịp thời hỗ trợ bất kỳ loại phương tiện nào có sẵn để giúp cho công việc cứu nạn được thuận lợi hơn. Trong đó nổi bật nhất là những gia đình kinh doanh nước mía đầu cầu phía tỉnh Dak Nông đã “hy sinh” những chiếc võng dùng để kinh doanh hằng ngày làm phương tiện giúp đưa người bị nạn lên bờ được dễ dàng hơn.

Trong cơn hoạn nạn, những con người đã đồng lòng làm việc nghĩa khi nhìn lại mình cũng không tránh khỏi những chấn thương. Những hành động việc làm, những nghĩa cử cao đẹp ấy đã trở thành tấm gương sáng và nhận được sự cảm kích, tôn vinh của cộng đồng xã hội. Nhằm kịp thời ghi nhận, biểu dương những tập thể, cá nhân đã nhiệt tình trong việc tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, chiều 3-8, tại UBND xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), Ban An toàn giao thông tỉnh đã tổ chức Lễ tuyên dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cứu hộ, cứu nạn tại cầu Sêrêpôk đêm 17-5-2012. Tại buổi lễ, 10 tập thể, gia đình và 13 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 9 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ Công an; 48 cá nhân được nhận Giấy khen của Ban An toàn giao thông tỉnh và 8 cá nhân được nhận Giấy khen của Sở Y tế Dak Lak.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Đỗ Bình Chính, thành viên Ban an toàn giao thông tỉnh, đây là sự ghi nhận cần thiết với những đóng góp mà những tập thể cá nhân đã nhiệt tình tham gia. Dù đã rất nỗ lực ghi nhận nhưng do điều kiện có thể không kê khai theo dõi hết số người đã tham gia công tác cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên những người được tuyên dương đã là tấm gương để cộng đồng noi theo và tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần, nghĩa cử cao đẹp vốn có để giúp đỡ những người không may gặp hoạn nạn trong mọi lúc mọi nơi.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.