Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng cho trẻ em một ngôi nhà an toàn

22:01, 03/08/2012

Rất nhiều vụ tai nạn thương tích trẻ em có cùng nguyên nhân là do sự bất cẩn của người lớn, do cha mẹ mải lo mưu sinh nên không chăm lo chu đáo cho con em mình, khiến trẻ phải chịu thiệt thòi. Xây dựng cho trẻ một ngôi nhà mà ở đó không còn các nguy cơ dẫn đến tai nạn là điều cần thiết.

Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh được nhiều phụ huynh lựa chọn đưa con đến vui chơi.                                                                                     Ảnh: T.L
Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh được nhiều phụ huynh lựa chọn đưa con đến vui chơi. Ảnh: T.L

Hai đứa con nhỏ (một đứa 5 tuổi và một đứa 8 tuổi) của chị Phạm Thị Ngọc Nga, thôn 8, xã Cư Êbur (TP.Buôn Ma Thuột) thường ở nhà chơi với nhau khi cha mẹ vắng nhà. Đầu tháng 7, bé Hoa, con gái chị Nga, nghịch dao lam bị đứt tay, vết thương sâu và dài phải khâu 4 mũi. Tai nạn lại  xảy ra khi không có người lớn ở nhà  nên vết thương của bé càng trở nên trầm trọng, phải mất 1 tuần sau bé Hoa mới phục hồi sức khỏe. Dẫu cánh tay của con gái vẫn còn đeo băng nhưng mẹ bé vẫn đi làm xa để hai anh em tự chơi với nhau. Trò chơi quen thuộc của hai anh em là hái lá cây vào nhà băm nhỏ trộn với đất cát để chơi nấu cơm, sau đó cả 2 anh em vào bếp lấy thật nhiều xà bông giặt đổ vào thau to để chơi thổi bong bóng xà phòng… Hồi nhỏ, chị Nguyễn Thị Hương, ở thôn 8, xã Cư Êbur cũng từng là một nạn nhân của tai nạn thương tích khi ở nhà chơi với em rồi dùng dao chặt mía và chặt luôn vào tay mình. Tai nạn ấy đã làm mất 2 ngón tay của chị Hương khiến chị gặp rất nhiều khó khăn trong lao động. Mặc dù nỗi khiếp sợ của tai nạn hồi nhỏ khiến chị còn nhớ mãi song chị vẫn chủ quan trong việc phòng tránh cho con mình những tai nạn tương tự. Bé Mai, con gái của chị mới 8 tuổi nhưng đã phải giúp mẹ nhen lửa nấu cơm. Bé kể có lần thổi lửa bị tro bụi bắn vào mắt phải nghỉ học hai ngày. Còn chị Hương thì cho rằng: “Những công việc ấy đã trở nên quen thuộc với trẻ  em nông thôn bởi cha mẹ hay đi làm cả ngày, tối mới về. Biết là khi người lớn vắng nhà sẽ không yên tâm khi trẻ tự chơi với nhau nhưng gia đình cũng không biết làm gì khác, nhất là vào mùa hè trẻ được nghỉ học cả ngày thì chỉ biết nhà chơi với nhau”.

Quả thật, đa số người dân ở các vùng nông thôn vẫn cho rằng trẻ em ở nhà tự trông nhau, tự chơi với nhau mà không cần người trông coi, giám sát là chuyện bình thường. Và không ít tai nạn thương tích đối với trẻ em đã xảy ra cũng vì sự bất cẩn, chủ quan của các bậc phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Liên, cộng tác viên công tác trẻ em thôn 8, xã Cư Êbur, cho biết từ đầu hè năm 2012 đến nay trong thôn đã có 3 trẻ bị rắn cắn do đi chơi lang thang, 1 trẻ nghịch dây cột bò bị bò húc, 2 trẻ bị bong gân chân do trèo cây, 1 trẻ bị điện giật và 1 trẻ bị dao lam cắt tay. Mỗi tai nạn đều để lại vết sẹo riêng và nỗi khiếp sợ riêng cho trẻ và gia đình trẻ. Và khi xảy ra các tai nạn thương tích không ai hết chính trẻ em và cha mẹ các em phải là người lãnh chịu mọi hậu quả.    

Trao đổi với chúng tôi, một số người dân thôn 4 và thôn 8, xã Cư Êbur cho biết: Chuyện xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ không phải là quá khó nhưng đôi khi tai nạn lại bắt đầu từ sự chủ quan. Chẳng hạn như trường hợp anh Trần Tiến ở thôn 4 hay để dao, rựa, cuốc, xẻng bên góc bếp nên cậu con trai 7 tuổi của anh lấy ra chơi múa kiếm theo phim hành động. Chơi lâu nên mỏi tay dao rơi xuống chân khiến cháu bị dập ngón chân, vết thương khá nặng phải điều trị gần 1 tháng mới lành. Rút kinh nghiệm, anh Tiến đã dùng gỗ đóng nẹp để dao liềm và làm kệ để cuốc xẻng trên cao. Vậy mà mới đây nhà anh lại suýt xảy ra tai nạn cũng vì sự bất cẩn. Vợ anh Tiến để cái phích nước kề gầm bàn, trẻ con chạy nô đùa đá vào phích nước sôi khiến phích bị vỡ, may mà trong phích chỉ còn ít nước nên đã không xảy ra hậu quả gì nghiêm trọng. Sau lần ấy, anh Tiến mới làm đế để phích phòng khi trẻ đá vào.

Có thể nói, để giúp người dân có ý thức và kiến thức về xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em, thiết nghĩ các cấp chính quyền, các ban ngành liên quan, cụ thể ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp cha mẹ trẻ tìm hiểu về các tai nạn thường xảy ra tại nhà đối với trẻ, như: nguy cơ bị bỏng, điện giật, đứt tay, nuốt hạt trái cây, rắn cắn, té ngã, tai nạn giao thông… và cần hướng dẫn họ cách loại trừ các nguyên nhân nhằm tránh tai nạn thương tích cho trẻ; vận động các bậc cha mẹ tìm cách loại trừ những nguy cơ có thể gây tai nạn cho con ngay trong chính ngôi nhà của mình như: để xa tầm tay trẻ những hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc uống, các vật dễ cháy nổ, dễ gây đứt tay chảy máu, dễ rơi dễ vỡ;   che chắn ao hồ bằng bờ rào; không để trẻ ở nhà một mình, tự do đi lang thang…

Xuân Hòa  – Quang Huy 


Ý kiến bạn đọc