Multimedia Đọc Báo in

Chị H’Rê “mê” làm dân vận

07:59, 18/09/2012

Sinh ra và lớn lên, uống mạch nước buôn làng, lại có gần 10 năm gắn bó với công tác dân vận nên chị H’Rê thuộc nằm lòng từng nóc nhà, ngõ xóm nếu không nói là tên tuổi của từng hộ dân ở buôn Dhă Prong, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột.

Chị H'Rê (bên phải) đang hỏi thăm công việc làm ăn của một hộ gia đình trong buôn
Chị H'Rê (bên phải) đang hỏi thăm công việc làm ăn của một hộ gia đình trong buôn

Tiếp xúc với chị, một cảm nhận chung rằng: Cách sống mộc mạc, giản dị, nụ cười đôn hậu, gần gũi của chị có lẽ chính là ưu điểm đầu tiên để chị được chọn vào đội công tác 253 của xã Cư Êbur từ năm 2004 và hiện là đội phó đội công tác phát động quần chúng của xã. Bước chân người cán bộ làm công tác dân vận của chị ngày càng dày thêm từ đấy trên mỗi con đường trong buôn, trong xã. Dù chẳng được học qua nhiều trường lớp nhưng từ kinh nghiệm sống của bản thân, chị suy nghĩ rằng, làm dân vận chẳng trường lớp nào có thể đào tạo và dạy hết được, chỉ có trường đời, sự nhiệt huyết mới có thể làm nên thành công trong công tác phát động quần chúng. Với suy nghĩ ấy, chị sống gần gũi cởi mở với bà con lối xóm và sự thân thiện đã trở thành chất xúc tác để tạo dựng niềm tin. Ai có việc cần giúp đỡ, chẳng nề hà đêm tối, chẳng quản ngại nắng mưa chị lặn lội đi đến. Những diễn biến tâm tư, tình cảm của người dân trong buôn Dhă Prong cũng được chị tinh ý nắm bắt qua thực tiễn như vậy. Chị tâm sự, để tuyên truyền, vận động tốt bà con sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, không cứ lúc khó khăn mình mới đến giúp đỡ, chia sẻ mà chính những lúc vui vẻ, đủ đầy cũng cần vai trò của người cán bộ dân vận. Đơn cử như, cứ lúc mùa thu hoạch cà phê, mọi người đang phấn khởi chờ đón một khoản thu chăm cả năm chờ một vụ là chị lại đến. Gia đình nào khởi công, xây dựng được ngôi nhà kiên cố khang trang, chị cũng lui tới chúc mừng. Trong câu chuyện của mình chị không chỉ hỏi thăm tình hình làm ăn, thu hoạch ra sao mà còn khéo léo tuyên truyền, củng cố niềm tin của bà con vào Đảng và Nhà nước để có được nhiều vụ mùa bội thu, nhiều ngôi nhà mới.

Chị nghĩ, người dân có cuộc sống ấm no chính là điều kiện để bảo đảm ổn định an ninh chính trị. Vận động bà con chăm lo và phát triển kinh tế mà gia đình mình không đủ ăn thì vận động được ai. Vậy là vừa tích cực tham gia công tác xã hội, chị cùng chồng và các con dồn sức lao động, cải tạo diện tích đất mình có. 7 sào cà phê trong vườn chị không cho đất nghỉ, trong quá trình cà phê cải tạo trồng mới, chị xen canh trồng na; ngoài ra phát triển  chăn nuôi dê có thêm thu nhập. Chẳng dám nhận mình giàu, chị bảo cũng đủ ăn và đủ nuôi con cái ăn học thành người.

Cư Êbur trước đây là một địa bàn có tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hết sức phức tạp, là “điểm nóng” của TP. Buôn Ma Thuột. Nhiệt tâm trong công tác vận động quần chúng, chị H’Rê vui mừng khi được đóng góp công sức vào cuộc sống bình yên của mỗi buôn làng nhất là buôn Dhă Prong hôm nay. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm đáng kể từ trên 10% năm 2004 xuống còn 6,8% chính là dấu hiệu tích cực cho thấy đời sống bà con ngày càng được cải thiện.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.