Multimedia Đọc Báo in

Nâng cấp Quốc lộ 14: Làm gì để đẩy nhanh tiến độ thi công?

08:36, 21/09/2012

Quốc lộ 14 là tuyến giao thông huyết mạch nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều đoạn trên tuyến đường này, đặc biệt khu vực cầu Duy Hòa (TP.Buôn Ma Thuột) bị xuống cấp trầm trọng, gây bức xúc cho người dân địa phương và trở thành nỗi ác mộng của bất cứ ai qua đoạn đường này.

Thảm trạng Quốc lộ 14

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 đoạn phía Nam TP. Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 13,5 km được chia thành 4 gói thầu (3 gói thầu đường và 1 gói thầu cầu - gồm cầu Ea Tam và cầu Duy Hòa) với tổng mức đầu tư khoảng 437 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2011.

Giao thông trên Quốc lộ 14, khu vực cầu Duy Hòa bị ách tắc do đường hư hỏng.
Giao thông trên Quốc lộ 14, khu vực cầu Duy Hòa bị ách tắc do đường hư hỏng.

Tuy nhiên, đến nay ngoài gói thầu cầu Ea Tam đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, các gói thầu còn lại của Dự án đang bị dừng thi công do thiếu vốn. Trong khi lượng người và xe tham gia giao thông trên tuyến đường này rất đông, vì đây là con đường độc đạo đi đến các tỉnh Đông Nam Bộ và TP.Hồ Chí Minh. Bởi vậy, tuyến đường vốn đã hư hỏng, ngày càng xuống cấp trầm trọng hơn, làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Trong đó đoạn khu vực cầu Duy Hòa – một trong những điểm đen thường xuyên xảy ra ách tắc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, người dân địa phương, cơ quan báo đài và các ngành chức năng đã nhiều lần kiến nghị đến Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư), nhưng vẫn chưa thấy khắc phục, sửa chữa. Ông Hồ Viết Tư (phường Khánh Xuân) bức xúc: đoạn đường gần khu vực cầu Duy Hòa đã xuống cấp quá lâu, các “ao cá” ngày một sâu thêm, hằng ngày rình rập, đe dọa tính mạng người đi đường, đặc biệt đối với những xe khách ban đêm. Thực tế cho thấy, những người tham gia giao thông trên đoạn đường này, muốn tránh ổ voi cũng không được vì không có chỗ nào mà tránh, nên họ đành làm liều cho xe chạy xuống vũng nước. Hôm nào trời mưa to, một số người dân sống ở khu vực này nảy ra “sáng kiến” cắm biển “ao cá”; thậm chí có người phải đứng giữa vũng nước sâu quá đầu gối để nhắc nhở người qua đường không đi xuống đó, tránh trường hợp xe bị chết máy hoặc té ngã. Đường xấu không những ảnh hưởng đến việc đi lại mà ngay cả mọi sinh hoạt của những hộ dọc tuyến cũng khốn khổ trăm bề. Hầu hết các quán ăn uống đều không thể hoạt động, bởi mùa mưa bùn lầy lội, mùa nắng bụi mù mịt, trông rất mất vệ sinh. Chưa kể, hàng loạt sản phẩm ở các cửa hàng tạp hóa nếu không bỏ vào tủ kính, chỉ qua một ngày, trông đã như đồ cũ quá hạn sử dụng. Khổ nhất vẫn là các tiệm trang điểm cô dâu, hầu hết kinh doanh không hiệu quả, có thời điểm phải đóng cửa vì vắng khách. Nhiều khách hàng lỡ vào đây trang điểm đều ngán ngẩm, bởi chưa ra khỏi tiệm đã bị bùn văng tứ tung vào người, vừa mất tiền lại bẩn hơn.

Địa phương nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng

Ông Đặng Văn Mỹ, phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Buôn Ma Thuột khẳng định: từ thực tế đó, công tác đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng khu vực cầu Duy Hòa được đặt lên hàng đầu. Do tính cấp thiết của công trình nên địa phương đã ứng trước một phần vốn mặt bằng của các gói thầu khác để tiến hành giải tỏa, sẵn sàng bàn giao mặt bằng khi chủ đầu tư cần.

 Xe bị  tắt máy  do đi vào  “ao cá”  trên  Quốc lộ 14.
Xe bị tắt máy do đi vào “ao cá” trên Quốc lộ 14.

Được biết gói thầu cầu Duy Hòa có 51 hộ nằm trong diện giải tỏa, với tổng kinh phí 26 tỷ 630 triệu đồng. Hiện đã có 4 hộ nhận bồi thường với số tiền 9 tỷ 162 triệu đồng để nhà thầu triển khai thi công cầu tạm; các hộ còn lại đang chờ vốn của Bộ GTVT. Mặc dù chưa nhận được tiền bồi thường, nhưng hầu hết các hộ dân dọc tuyến đều đồng tình trả mặt bằng nếu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết. Ông Trần Trọng Vân, đường Võ Văn Kiệt (trước đây là đường Nguyễn Thị Định), phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột cho hay, gia đình ông nhất trí với phương án hỗ trợ đền bù của địa phương, và cam kết sẽ thực hiện việc di dời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để chủ đầu tư tiến hành thi công công trình. Bên cạnh đó, hộ ông Chu Trọng Sâm cũng quả quyết về việc sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, bởi với ông, việc thi công cầu và đoạn đường khu vực cầu chậm ngày nào cũng sẽ trở thành nỗi khiếp sợ với người dân ngày ấy.

Ông Bùi Trọng Hóa, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: đầu tháng 8-2012, Ban đã có buổi khảo sát về tình trạng xuống cấp tại khu vực này và đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh sửa chữa. Mới đây nhất, đơn vị cũng gửi văn bản số 79/CV-ATGT, ngày 4-9-2012 đề nghị cơ quan chức năng khắc phục đoạn đường xuống cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là vào mùa khai giảng năm học mới, khi nhu cầu đi lại của học sinh trong tỉnh vào TP.Hồ Chí Minh tăng cao.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc