Văn minh ở chợ truyền thống
Sức ép của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên ngày càng nhiều, khiến các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột phải tìm cách cải thiện mình theo hướng chợ văn minh để “níu” chân khách hàng. Bởi thế, ngày nay đi chợ không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều tiểu thương luôn giữ thái độ ân cần, nở nụ cười với khách và thuộc làu câu “khách hàng là thượng đế”.
Khách chọn mua hàng tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột. |
Thời buổi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng (NTD) thắt chặt chi tiêu, cộng với sức ép của các hệ thống bán lẻ mọc lên ngày càng nhiều, có một thời gian khá dài, một số chợ truyền thống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột bị “đuối sức” và thưa dần khách. Khoảng thời gian đó, ghé các chợ không khó bắt gặp hình ảnh các tiểu thương “ngồi chơi xơi nước”, chợ thì vắng khách, người bán tỏ ra ngán ngẩm vì ế ẩm. Chị Hoa - tiểu thương bán hàng tại chợ tạm Buôn Ma Thuột cho hay, khách đi chợ không còn tấp nập như xưa. Người đi dạo xem hàng nhiều hơn là mua sắm… Dường như đã qua rồi cái thời “trăm người bán, vạn người mua”, việc hàng hóa phong phú cộng với trưng bày bắt mắt, liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi làm cho siêu thị, cửa hàng tiện lợi lên ngôi, “cung” vượt xa “cầu” khiến chợ truyền thống đâm ra ế khách. Trong “cuộc chiến” giữ chân khách hàng này, mỗi tiểu thương tại các chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, Tân Thành, Phan Bội Châu… đã khắc phục dần những điểm yếu của mình và ý thức được rằng, phải đổi mới cách ứng xử theo hướng văn minh, lịch sự để “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”.
Ngoài việc thay đổi thói quen bán hàng, nói không với hành vi kinh doanh kiểu “chụp giật, chặt, chém”, không nói thách, nhiều người đã biết cách sắp xếp quầy hàng của mình gọn gàng đẹp mắt hơn để làm hài lòng NTD. Cách hành xử của tiểu thương bán hàng tại các chợ này cũng đã thay đổi nhiều. Chợ sạch sẽ, lời ăn tiếng nói, thái độ mời chào của người bán cũng nhẹ nhàng hơn. Theo Ban quản lý chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, trên thực tế, ở chợ vẫn có một số tiểu thương kinh doanh rất tốt do họ biết lấy lòng khách hàng, duy trì được lượng khách quen và đặc biệt là giữ chữ “tín” đối với khách. Theo đó, nhiều tiểu thương duy trì được mối quan hệ thân tình với khách hàng, đồng thời, tự đầu tư bố trí gian hàng của mình trông hợp lý và bài bản hơn. Chị Nguyễn Thị Nga, tiểu thương bán quần áo tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, thái độ vui vẻ, ân cần với khách là một trong những yếu tố quan trọng giữ chân khách hàng. Chẳng hạn, với khách hàng quen thì những người bán như chị có sự ưu đãi nhất định về giá (dù chấp nhận lãi ít); vui vẻ cho đổi, trả hàng, thậm chí cho khách “mượn” một số mặt hàng (chủ yếu là quần áo) về nhà mặc thử kèm theo điều kiện “nếu không thích thì mang ra đổi sơm sớm…”. Hơn nữa, có thể gối đầu, nghĩa là chấp nhận cho khách mua thiếu bán chịu (nếu chưa có đủ tiền), bán hàng ở chợ, quan trọng vẫn ở chỗ tin nhau là chính! Từ cách làm này, dần dần, thấy mang lại hiệu quả, lượng khách mua sắm được cải thiện hơn, thế là, người nọ nhìn người kia, học hỏi lẫn nhau để cùng chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, thay đổi thái độ ứng xử văn minh hơn với khách, tuyệt đối không lườm nguýt, chèo kéo khách, thậm chí vẫn vui vẻ khi khách hàng trả giá thấp hoặc không mua hàng. Chị Đặng Thị Hiền - chủ quầy mỹ phẩm tại chợ tạm Buôn Ma Thuột nói: niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết ở chợ cũng là một cách để giữ khách. Cùng với đó, kênh phân phối theo hướng “hiện đại hóa” ở chợ cũng được nhiều tiểu thương quan tâm như giao hàng tận nơi - dù là món hàng nhỏ nhất.
Một lần gần đây, có dịp đưa đoàn khách từ TP. Hồ Chí Minh lâu ngày ghé lại thăm TP. Buôn Ma Thuột và dừng chân mua sắm tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, một người trong số đó không khỏi ngạc nhiên trước cử chỉ lịch sự, nhã nhặn giữa người bán và người mua thêm vào đó, hàng hóa cũng được bày biện đẹp mắt hơn. Quả thật, với nhiều người, chợ truyền thống không chỉ là nơi mua sắm mà còn có cả sự gắn kết thân tình giữa người bán và người mua. Điều đặc biệt ở chợ, với mỗi quầy hàng riêng biệt của từng ngành hàng, người bán còn là người hướng dẫn, tư vấn, thông tin thêm về sản phẩm và thuyết phục khách hàng nên nhiều người thích chọn chợ để làm điểm mua sắm do được tư vấn. Qua cử chỉ, lời nói đã có cảm tình và khiến người ta muốn ghé thăm thêm lần nữa, bởi, tất cả những điều này đã “níu” chân họ…
Về “hiện đại hóa” chợ truyền thống để kéo chân NTD, có lẽ bên cạnh sự tự nỗ lực thay đổi mình của mỗi tiểu thương thì việc quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chợ thoáng mát, sạch sẽ cũng đóng vai trò quan trọng. Vấn đề này rõ nhất có thể kể đến chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột. Chợ được thiết kế theo từng khu riêng biệt: khu thực phẩm tươi sống, khu giày dép, quần áo, khu hàng ăn…; các lối đi vào chợ được bố trí thuận tiện hơn, có sự xen lẫn độc lập giữa các gian hàng, nhưng không gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh lẫn nhau. Đặc biệt, chợ còn có hệ thống thang máy và thang bộ được thiết kế hợp lý tạo cảm giác thoải mái, thuận tiện và ngày càng thu hút người dân trong tỉnh đến mua sắm, tham quan.
Dù mua sắm ở siêu thị ngày càng lên ngôi, song nhiều người vẫn giữ thói quen mua hàng tại các chợ truyền thống, bởi tâm tính của người Việt nói chung vẫn muốn có sự gắn kết về mặt tình cảm, ưa thích sự mua bán có… gửi gắm niềm tin, mua hàng ở chỗ người quen nên yên tâm hơn. Do đó, nếu văn minh ở chợ được phát huy và đề cao hơn nữa thì chợ truyền thống vẫn mãi là “sức hút” với nhiều người trước các nhu cầu của cuộc sống thường nhật.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc