Multimedia Đọc Báo in

Cần lập lại trật tự trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách

15:01, 19/10/2012

Trước thực trạng lộn xộn trong việc đưa, đón khách không đúng nơi quy định của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách ở TP. Buôn Ma Thuột trong thời gian qua, từ cuối tháng 8-2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông-Vận tải phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc nhằm lập lại trật tự, an toàn trên địa bàn, song đến nay tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện.

Theo ý kiến từ Sở Giao thông-Vận tải, lực lượng liên ngành (thanh tra giao thông, Ban an toàn giao thông, Công an TP. Buôn Ma Thuột và Công an tỉnh Dak Lak) đã tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất để xử lý các nhà xe vi phạm như: Dung Nghĩa, Lục Mão, Năm Thùy, Hiệp Trang, Thu Đức, Huy Hoàng, Đức Nguyên… buộc các đơn vị vận tải hành khách này phải ký hợp đồng vào Bến xe phía Nam Buôn Ma Thuột theo quy định. Tuy nhiên, các hãng xe trên chỉ chấp hành thời gian đầu, sau đó không vào bến và tiếp tục chạy tự do, đưa đón khách tại nhà, hoặc trên các vỉa hè và lòng đường thành phố, gây mất trật tự an toàn giao thông đô thị.

Đưa các chủ xe vào điểm đậu - đỗ và đón khách đúng tuyến là một trong những  giải pháp lập lại trật tự an toàn vận tải hành khách trên địa bàn BMT.
Đưa các chủ xe vào điểm đậu - đỗ và đón khách đúng tuyến là một trong những giải pháp lập lại trật tự an toàn vận tải hành khách trên địa bàn BMT.

Hơn thế, vấn nạn “xe dù”, “bến cóc” như trên đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải hành khách có uy tín và chấp hành tốt quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Thanh Tâm-Giám đốc Công ty TNHH Rạng Đông bức xúc: Các hãng xe khách có tuyến cố định đi về phía Nam vẫn còn đón, trả khách tại bến xe phía Bắc và nhiều nơi khác trong trung tâm Buôn Ma Thuột, Cụ thể như nhà xe Thu Đức, Thanh Khuê tự ý “lập bến” tại đường Trần Hưng Đạo; nhà xe Năm Thùy tại đường Lê Hồng Phong; Dung Nghĩa tại đường Trần Bình Trọng; Hiệp Trang tại đường Phan Bội Châu; Đức Nguyên tại đường Điện Biên Phủ và Lục Mão tại đường Hồ Xuân Hương…Các Hãng xe này trung bình một ngày đêm có từ 20-25 chuyến “xuất bến”. Những nhà xe còn lại: Mai Linh, Anh Khoa, Trường Sơn, Hoàng Trung hoạt động tại bến xe phía Nam như một hình thức nhằm xác nhận thủ tục bắt buộc, còn thực tế mỗi nhà xe đều có “bến” riêng của mình để  đón, trả khách tại trung tâm thành phố! Tương tự, ông Vũ Đăng Hải-Giám đốc Công ty Cổ phần quản lý Bến xe Dak Lak cũng bất bình không kém: Hoạt động “xe dù”, “bến cóc” nêu trên thật sự là vấn nạn, nó đang ngang nhiên kinh doanh, khai thác lĩnh vực vận tải hành khách một cách bừa bãi, vô tội vạ, làm đảo lộn thị trường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải hành khách làm ăn chân chính khác. Mặt khác, tình trạng này làm thất thoát nguồn thu thuế đáng kể cho Nhà nước trong việc quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn Dak Lak.

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến bày tỏ mong cơ quan chức năng nhanh chóng có biện pháp quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải hành khách của các chủ xe vi phạm, lập lại trật tự và an toàn trong lĩnh vực khá “nóng bỏng” này một cách không khoan nhượng dựa trên quy định của pháp luật hiện hành. Có như vậy mới bảo đảm sự công bằng cho các đơn vị tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách chân chính trên địa bàn Buôn Ma Thuột, đáp ứng nhu cầu đi lại an toàn và thuận tiện cho người dân.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.